25/11/2024

‘Sự sống do cha mẹ ban cho, tại sao vì yêu mà huỷ hoại’?

Giết người yêu vì ghen tuông, tự tử vì bị cha mẹ ngăn cấm tình yêu… Những cái chết vì yêu xảy ra liên tiếp báo động tình trạng bạn trẻ coi thường mạng sống của người khác và của chính mình.

 

‘Sự sống do cha mẹ ban cho, tại sao vì yêu mà huỷ hoại’?

Giết người yêu vì ghen tuông, tự tử vì bị cha mẹ ngăn cấm tình yêu… Những cái chết vì yêu xảy ra liên tiếp báo động tình trạng bạn trẻ coi thường mạng sống của người khác và của chính mình.

 
 
 

Công an khám nghiệm ngôi nhà nơi cô giáo T. bị chồng sắp cưới sát hại /// HUY ĐẠT

Công an khám nghiệm ngôi nhà nơi cô giáo T. bị chồng sắp cưới sát hại   HUY ĐẠT

 

Đặt mạng sống vào tình yêu

Mới đây ngày 27.9, tại TP.Đà Nẵng, một vệ sĩ đã ra tay siết cổ giết người yêu (cô giáo T., là vợ sắp cưới)  chỉ vì nghi cô ấy ngoại tình, sau đó thanh niên này rạch bụng, cắt cổ tay tự tử. Sự việc hết sức đau lòng khi cô giáo T. chết đi đã để lại người mẹ cô độc…
 
Trước đó, tháng 3.2019, tại Tây Ninh xét xử vụ án cậu thanh niên tên H. chỉ vì thấy người yêu nói chuyện thân mật với người đàn ông khác đã cầm đao đâm chết người yêu… Trong khi đó, vì bị cha mẹ ngăn cấm yêu đương, cặp đôi ở Sóc Trăng đã tìm đến cái chết: chàng trai uống thuốc độc tự tử, còn cô gái sau khi thấy người yêu chết cũng lên cầu Mỹ Thanh nhảy sông tự vẫn…
 
Lý giải về hành động “giết người vì yêu”, Lê Mộc Miên (nhân viên Tập đoàn Navigos Group tại TP.HCM) cho rằng có thể những thanh niên này thiếu thốn tình cảm dẫn đến chuyện khao khát được có người yêu và không chấp nhận bị ruồng bỏ. “Cũng có thể do bản thân các bạn đã chứng kiến nhiều việc bạo hành từ người khác. Tôi cũng nghĩ bạn trẻ ít ai được dạy thế nào là yêu, hành xử khi yêu và ngoài tình yêu thì còn nhiều thứ khác…”, Miên nhìn nhận.
 
Theo Miên, một bạn trẻ có công việc tốt, có nhiều thú vui, đam mê trong cuộc sống, có một gia đình hạnh phúc, thì dù có bị người yêu ruồng bỏ cũng sẽ không tìm đến cái chết. “Tại họ nghĩ, mất tình yêu là mất hết tất cả. Thế giới của họ chỉ hiện diện mỗi một người, đó là người yêu. Họ đặt toàn bộ cuộc sống, thậm chí mạng sống của mình vào đó, nên khi mất tình yêu, họ chết cũng được. Bản thân tôi thấy cuộc sống này có rất nhiều thứ để quan tâm và khiến mình hạnh phúc, tình yêu chỉ là một trong số đó”, Miên cho hay.
 
Trong khi đó, Lê Vũ Hân (làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam) lại cho rằng những bạn trẻ giết người yêu vì bị phản bội, hay tự tử vì bị ngăn cấm… đều “rất khó hiểu”. “Không phải ai rơi vào tuyệt vọng cũng tìm đến cái chết. Tôi đã từng rơi vào tình huống tuyệt vọng trong tình yêu, nhưng không đau khổ đến mức chán sống, bỏ mặc tất cả, cũng không lao vào những cuộc vui để cho nhanh quên. Tôi chọn cách ở nhà nguyên một tuần, để cho cảm xúc chạm đáy sau đó tự nó hết”, Hân chia sẻ.

“Tình yêu chỉ là một phần của cuộc sống”

Kể về lần “thất tình” của mình cách đây 2 năm, Ngô Thu Sương (sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: “Đau khổ tột cùng khi nhìn thấy người yêu mình ôm cô gái khác trong một quán cà phê… Cuối cùng, mình chặn tất cả những gì liên quan đến anh ta: số điện thoại, Facebook, Zalo. Từng muốn trả thù người yêu, từng muốn lao xe vào ô tô, nhưng một lần thất thểu về nhà, thấy tô canh cua mẹ để phần trên bàn kèm tờ giấy ‘chúc con gái ăn ngon miệng’, mình nhận ra điều quý giá trên đời này, chính là sự sống”.
 
Sương lý giải, khi nhìn thấy tô canh cua và dòng chữ mẹ viết, Sương giật mình nhận ra, nếu ban nãy mình lao đầu vào ô tô, thì làm sao còn được ăn tô canh mẹ nấu, làm sao đọc được dòng chữ yêu thương mẹ viết, làm sao còn nhìn thấy cha mẹ? Đó chẳng phải là những người đã cho mình sự sống và cho mình tình yêu vô điều kiện hay sao? Sương nhắn nhủ: “Sự sống của ta là do cha mẹ mang đến. Sau đó họ phải vất vả bao nhiêu năm, dành trọn vẹn tình yêu và cuộc đời họ để nuôi dưỡng, yêu thương mình, cớ sao chỉ vì một người dưng tệ bạc mà đi huỷ hoại bản thân mình, gây đau khổ tột cùng cho cha mẹ. Hiểu được điều đó, thì mình cũng không nên huỷ hoại sự sống của người khác cho dù có chuyện gì xảy ra”.
 
Hạnh phúc của mình là do chính mình mang lại, đừng kỳ vọng vào người khác, đừng phụ thuộc cảm xúc vào người khác, hãy yêu bản thân mình, như vậy thì không ai có thể làm “sập” nguồn hạnh phúc của mình. Đó là quan điểm của Phương Nga (nhân viên Ngân hàng Nam Á tại TP.HCM). Nga nhìn nhận: “Không gì ngu ngốc bằng việc hủy hoại tính mạng của mình, cũng không gì độc ác bằng lấy đi mạng sống của người khác. Cuộc sống của chúng ta có tình yêu, có công việc, có gia đình, bạn bè… Vậy thì tình yêu đâu phải là tất cả? Hãy cân bằng mọi thứ thì dù một trong những thứ đó có mất đi, bạn cũng sẽ làm chủ được cảm xúc, không dẫn đến hành động tiêu cực”.
 
Mất tự tin về bản thân và yêu theo kiểu sở hữu
Giết người yêu vì ghen tuông, tự tử vì thất bại trong tình yêu hay bị gia đình ngăn cấm… đều là biểu hiện của những người không có sự tự tin về chính bản thân mình, không biết yêu bản thân, sống quá lệ thuộc vào người khác, lệ thuộc vào tình cảm. 
 
Những người ghen tuông đến mức có thể giết người, là những người yêu theo kiểu sở hữu. Họ như một đứa trẻ giữ khư khư trong tay món đồ và luôn lo sợ món đồ bị người khác giật mất. Họ chỉ nghĩ đến cái tôi to lớn của bản thân, ích kỷ, vì thế khi không thoả mãn cái tôi là họ sẵn sàng có hành động tiêu cực. Thực chất, điều này có nguyên nhân sâu xa, có thể hồi nhỏ họ từng bị mất mát hoặc tổn thương nên tâm lý đó ảnh hưởng tới cách nhìn về cuộc sống, về tình yêu cho đến khi trưởng thành. 
 
Một nguyên nhân thứ 2 dẫn đến hành động huỷ hoại tính mạng mình hay người khác vì tình yêu, đó là họ đồng hóa tình yêu với tất cả mọi thứ. Cả thế giới này trong mắt họ chỉ có người mình yêu, không còn gì khác. Họ nghĩ rằng khi mình được yêu là mình có giá trị, khi hết được yêu là mình không còn giá trị. Họ bị lệ thuộc hoàn toàn. Nguyên nhân sâu xa vẫn là họ không đủ tự tin, không biết mình là ai, không hiểu và yêu thương chính bản thân mình…
 
Các bậc phụ huynh cần dạy con độc lập, tự tin từ nhỏ để con có được sức mạnh nội tâm trước bất cứ sóng gió, thất bại nào. Hướng dẫn con cách ứng xử trong tình yêu, trong cuộc sống để không còn sự yếu ớt, lệ thuộc dẫn đến việc hủy hoại bản thân, làm đau lòng cha mẹ.
 
Tiến sĩ xã hội học – thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thuý (Học viện Hành chính quốc gia, phân viện tại TP.HCM)
 
 
 
MỸ QUYÊN