10/01/2025

Cách xài tiền tiêu vặt là một môn học trong thời khoá biểu

Con trai tôi vào lớp 1. Làm trong mảng tài chính, tôi biết con cần hiểu giá trị của tiền bạc và cách ứng xử với tiền càng sớm càng tốt. Mặc nhiều người phản đối, tôi vẫn kiên quyết tập cho con sử dụng tiền tiêu vặt.

  

Cách xài tiền tiêu vặt là một môn học trong thời khoá biểu

Con trai tôi vào lớp 1. Làm trong mảng tài chính, tôi biết con cần hiểu giá trị của tiền bạc và cách ứng xử với tiền càng sớm càng tốt. Mặc nhiều người phản đối, tôi vẫn kiên quyết tập cho con sử dụng tiền tiêu vặt.
 
 
 
 

Học sinh mua đồ ăn sáng trước Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, TP.HCM /// Thúy Hằng

Học sinh mua đồ ăn sáng trước Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, TP.HCM   Thuý Hằng

 

 
1 tuần trước khi chính thức vào năm học mới, mỗi tối hai mẹ con đều dành 15 phút để học xài tiền tiêu vặt một cách nghiêm túc. Tôi và con đã thực hiện như sau:
 
Bài 1: tập phân biệt tiền các mệnh giá từ 500 đồng – 10.000 đồng: nhận biết sự khác nhau và chọn đúng tiền có mệnh giá yêu cầu.
 
Bài 2: tập cộng – trừ trong các tờ tiền từ 10.000 đồng trở lại.
 
Bài 3: tập mua bán với số tiền cố định, biết thế nào là đủ, thiếu, thừa.
 
Bài 4: tập giao tiếp khi mua bán và cách xử lý tình huống đơn giản, thường gặp. Cách đặt câu hỏi về giá tiền, cách đưa tiền và nhận tiền thừa, cách đề nghị đổi trả.
 
Bài 5: ôn lại các bài đã học và lên kế hoạch sử dụng tiền: Giờ ra chơi, phải đi vệ sinh, uống sữa (mang theo từ nhà), uống nước xong rồi mới được xuống căng tinmua đồ.
 
Bài 6: Thực hành và rút kinh nghiệm. Tôi chấp nhận việc con có thể gặp những tình huống không mong muốn khi có tiền tiêu vặt nên không la mắng hay trách cứ khi bé mắc lỗi. Trong 1 tháng đầu tiên, mỗi tối trước khi đi ngủ, mẹ sẽ dành từ 5-10 phút trò chuyện, khơi gợi và đặt câu hỏi để con kể về “hành trình xài tiền” trong ngày. Sau đó sẽ cùng tìm giải pháp để ngày hôm sau xài tiền hiệu quả hơn. Ví dụ: Tại sao chỉ nên chia bánh kẹo chứ không nên chia tiền cho bạn? Tại sao không được chen lấn trong căng tin? Khi bạn giành đồ ăn của mình thì nên làm gì?… Thỉnh thoảng, tôi cố ý để bé thấy tiền có được là do bố mẹ đi làm vất vả cả tuần, bé không nên lãng phí.
 
Hai vợ chồng tôi từng đi “tiền trạm” căng tin ở trường con để hình dung trước con mình sẽ làm gì tại đây và lường sẵn một số tình huống để đưa vào “giáo trình”. Tôi cũng đề nghị con không dành tất cả giờ ra chơi ở căng tin, mà vài ngày sẽ giao thêm “nhiệm vụ mới”. Ví dụ: hôm nay phải nhớ được tên của bạn ngồi phía trước và phía sau, ngày mai nhớ kể mẹ nghe trong sân trường có bao nhiêu trò chơi, nhắc con tìm xem có bao nhiêu bạn chung lớp mầm non cùng học chung trường…
 
Sau tháng đầu “vỡ lòng” tạm ổn, tôi dự định sẽ tăng tiền tiêu vặt từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng mỗi ngày. Số tiền này đủ để con có thêm nhiều lựa chọn trong căng tin, hoặc chia đôi 5 – 5 cho hai buổi ra chơi, hoặc chuẩn bị kế hoạch tiết kiệm nghiêm túc đầu tiên trong đời. Tất nhiên, giờ tôi lại tiếp tục lên “giáo trình” cho giai đoạn 2 này.
 
Khi quyết định cho con tiền tiêu vặt, hai vợ chồng tôi thống nhất với nhau những nguyên tắc căn bản để cùng hướng dẫn con mỗi ngày, tránh “trống đánh xuôi mà kèn thổi ngược”.
 
Sẽ không có đáp án chung cho tất cả các bé về tiền tiêu vặt, vì mỗi gia đình đều có hoàn cảnh và nếp sống riêng. Việc đúng sai không nằm ở chỗ cho hay không cho, cho ít hay cho nhiều, mà phụ thuộc vào kế hoạch chi tiêu 5.000 đồng, 10.000 đồng hay 50.000 đồng ấy ra sao.
 
Đó là lý do vợ chồng tôi chọn cách cho con tự quản lý tài chính từ những đồng tiền tiêu vặt nhỏ nhất, và chấp nhận những sai lỗi có thể xảy ra. Chúng tôi tin rằng: Cái gì mình không kịp dạy con thì sẽ có người khác “dạy” giùm. Vậy nên, chẳng có lý do gì để chần chừ hay băn khoăn việc cho con cái tiếp xúc sớm với tiền bạc.
 
 
HỒNG NGUYÊN