08/01/2025

Sẽ có ‘ngôi trường cổ tích’ ở Tắk Pổ

Câu chuyện đẹp về hai cô giáo trẻ cùng các học trò Ca Dong trên đỉnh Ngọc Linh gây xúc động mạnh những ngày qua đã có một kết cục ‘đẹp như mơ’: một ngôi trường mới với kiến trúc đặc biệt sẽ được xây dựng.

 

Sẽ có ‘ngôi trường cổ tích’ ở Tắk Pổ

Câu chuyện đẹp về hai cô giáo trẻ cùng các học trò Ca Dong trên đỉnh Ngọc Linh gây xúc động mạnh những ngày qua đã có một kết cục ‘đẹp như mơ’: một ngôi trường mới với kiến trúc đặc biệt sẽ được xây dựng.


 

Sẽ có ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ - Ảnh 1.

Điểm trường Tắk Pổ hiện nay – Ảnh: Cô TRÀ THỊ THU cung cấp

 

Trong nhiều lời gửi gắm tới Tuổi Trẻ về mong muốn được góp gạch xây trường mới ở Tắk Pổ, ngày 7-9, chủ tịch Hội cựu sinh viên Học viện Công nghệ AIT tại Việt Nam, ông Lê Thanh Hảo đã cam kết sẽ cùng anh em trực tiếp khảo sát, xây tặng một điểm trường kiên cố, bằng bêtông thật ấm cúng và “đẹp, có thiết kế bài bản nằm lung linh trên đỉnh núi”.

Có thể khởi công giữa năm 2020

Ông Hảo cho biết ông và nhiều anh em trong cộng đồng Học viện Công nghệ AIT tại Việt Nam những ngày qua đã chia sẻ với nhau và bày tỏ sự xúc động trước hình ảnh của hai cô giáo Trà Thị Thu, Riah Uối với các học trò tại điểm trường Tắk Pổ ngày khai giảng.

Khi xem những hình ảnh đó, rất nhiều anh em trong cộng đồng AIT đặc biệt chú ý tới sự lem luốc, nghèo khó của các em học sinh tại điểm trường cũng như hình ảnh bán kiên cố của điểm trường trên lưng chừng núi.

“Anh em tôi đã thảo luận với nhau rồi, chúng tôi sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí để tiến hành xây một điểm trường mới ở Tắk Pổ.

Quyết tâm đã có, tài chính chúng tôi cũng sẽ vận động được và đó không phải là vấn đề quá lớn bởi AIT có tới 4.000 thành viên, nhiều anh em là chủ các doanh nghiệp lớn, đầy đủ sự sẻ chia.

Việc còn lại là chúng tôi sẽ làm việc với địa phương, thông qua báo Tuổi Trẻ để câu chuyện này được lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng nhằm gieo những dòng thông tin tốt lành, sẻ chia” – ông Hảo nói.

Ông Hảo cho biết dù mọi thứ mới khởi động nhưng trong ý tưởng và quan điểm đặt ra của ông lẫn anh em AIT là việc xây ngôi trường ở Tắk Pổ sẽ phải làm sao mang một kiến trúc đặc biệt, nổi bật giữa rừng núi nhưng cũng phù hợp với cảnh quan.

Ngôi trường đó không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tối thiểu của dạy – học cho cô trò mà sẽ có thiết kế đặc biệt để mọi người đều thích thú.

Chủ tịch AIT tại Việt Nam cũng cho biết với tình hình mùa mưa sắp tới cũng như năm học mới vừa bắt đầu thì việc xây trường là chưa thể tiến hành ngay.

Nhưng thủ tục, kế hoạch sẽ được gút sớm để tối thiểu vào mùa khô, giữa năm 2020 ngôi trường sẽ được chính thức khởi công.

“Chúng tôi đã nghe được những khó khăn về cả kinh phí, đường sá và sự gian nan nếu xây một ngôi trường ở Tắk Pổ. Nhưng dù khó khăn thế nào, nếu chúng ta quyết tâm thì cũng sẽ có cách để khắc phục” – ông Hảo “chốt” câu chuyện tại Tắk Pổ bằng khẳng định chắc nịch.

Cần con đường bêtông

 

Rất nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm những ngày qua đã liên lạc với hai cô giáo trẻ ở Tắk Pổ để tìm cách lên điểm trường, lên phương án hỗ trợ.

Câu hỏi chung đều được gửi đến hai cô giáo trẻ là “Hai cô giáo đang cần gì nhất? Có thể mang gì lên cho các cháu ở đó không?”.

Khi trò chuyện với Tuổi Trẻ, cô Trà Thị Thu rất thật lòng rằng “cả các cháu lẫn cô giáo không cần thêm gì cả. Bởi dù khó khăn nhưng đó là câu chuyện chung của các ngôi trường vùng xa”.

Cô Thu cũng không lạ lẫm gì bởi 5 năm qua cô đã sống, đã dạy chữ cho học trò rẻo cao như thế rồi.

“Điểm trường mà cô trò đang ở như thế này là hạnh phúc lắm rồi. Dù chưa xây bằng bêtông nhưng đây là món quà của các anh chị thiện nguyện tại TP.HCM dựng tặng cách đây 2 năm.

Trường kiên cố thì tụi em chưa dám mơ, bởi em hiểu xây ở đây là điều rất gian nan. Điều mong muốn nhất của em và cả bà con là một con đường bằng bêtông, dù chỉ là lối đi cho xe máy lên được” – cô Thu nói.

Khuya 6-9, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc đã trực tiếp gọi điện thoại cho cô Trà Thị Thu. Thầy Quốc nói rất xúc động khi thấy những hình ảnh cô trò dắt tay nhau khai giảng trong sự giản đơn.

“Tôi gọi cho trưởng phòng GD-ĐT huyện để hỏi thì được biết là việc xây điểm trường ở Tắk Pổ cần rất nhiều chi phí. Hơn nữa, điểm trường đó trước đây rất dột nát nhưng năm 2017 một nhóm thiện nguyện tại TP.HCM đã kỳ công tặng điểm trường bán kiên cố như hiện nay.

Nếu xây được điểm trường bằng bêtông ở đó thì sẽ là điều tuyệt vời” – ông Quốc nói.

Khi chia sẻ câu chuyện với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng nói rằng ông đã lấy câu chuyện của cô Thu, cô Uối với học trò vùng cao để nói chuyện với anh chị em đồng nghiệp về tình thương yêu hết lòng vì học trò, quên mọi gian khó, xa cách để bám trường bám lớp.

“Tôi xin số cô Thu mãi mà không có, khuya 6-9 có số là tôi nói chuyện với cô giáo liền. Thật sự rất xúc động. Tôi sẽ viết thư khen, gửi quà cho cô giáo và nếu có thể thì tôi cũng rất muốn được trực tiếp lên thăm điểm trường, thăm hai cô giáo và các em học trò” – ông Quốc nói.

Nhiều bạn đọc cũng đã liên lạc với Tuổi Trẻ ngỏ ý hỗ trợ bàn ghế, đồ dùng học tập, quần áo, sách vở.

Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng cũng đã trực tiếp cử đoàn để sáng nay 8-9, cán bộ, giảng viên nhà trường sẽ chở theo 40 bộ bàn ghế, quà tặng lên Tắk Pổ.

Cũng như nhiều đơn vị khác, ĐH Sư phạm Đà Nẵng ngỏ ý muốn được phối hợp xây điểm trường mới tại đây.

 

THÁI BÁ DŨNG