25/11/2024

Thời robot, xe hơi bay, cha mẹ có ‘dám’ trở lại làm học trò vì con?

Học trong thế kỷ 21 này là phải học từ nhiều nguồn khác nhau, học cả đời. Việc quan trọng nhất để cha mẹ giúp con lúc này không còn là chọn trường nào, mà là thay đổi tư duy để con hội nhập vào thế giới mới.

 

Thời robot, xe hơi bay, cha mẹ có ‘dám’ trở lại làm học trò vì con?

Học trong thế kỷ 21 này là phải học từ nhiều nguồn khác nhau, học cả đời. Việc quan trọng nhất để cha mẹ giúp con lúc này không còn là chọn trường nào, mà là thay đổi tư duy để con hội nhập vào thế giới mới.
 
 
 

Thời robot, xe hơi bay, cha mẹ có dám trở lại làm học trò vì con? - Ảnh 1.

 

ĐH Quốc gia TP.HCM trình diễn robot trong Ngày hội công nghệ tuổi trẻ năm 2017. Trong tương lai, thêm nhiều việc làm sẽ thay thế bằng robot – Ảnh: Q.ĐỊNH

 

Khi thế giới hiện tại đã là thế giới của tàu cao tốc Hyperloop với vận tốc 1.200km/giờ, của xe môtô và xe hơi bay, của robot và phương tiện di chuyển không người lái, của trí tuệ nhân tạo, thì ta dạy gì cho các con?

Hay ta vẫn cứ tiếp tục dạy các con những điều cũ kỹ đã ràng buộc đời ta mấy chục năm qua, và chới với mong các con có thể hội nhập vào thế giới khoa học viễn tưởng chưa dám mơ đã thành hiện thực?

Chính phụ huynh mới là người cần thay đổi trước. Khi chúng ta thay đổi, chúng ta mới có thể cùng bàn bạc, cùng kiến tạo tương lai với con cái của mình”.

Nguyễn Phi Vân

Phụ huynh cần thay đổi trước

Khoan hãy nói về sự cố gắng và kỹ năng tương lai mà các con cần có. Đương nhiên các con cần học những thứ rất khác, rất mới, rất liên quan đến tương lai. Nhưng đó là gì, làm sao các con biết được. Phải chăng phụ huynh chúng ta mới là người cần thay đổi trước, cần cập nhật trước, cần học và làm mới trước, chỉ để hiểu nên làm gì để hướng dẫn các con.

Chưa bao giờ vai trò của người làm cha mẹ lại đòi hỏi thế này. Vấn đề không còn đơn thuần là ăn mặc, kiếm tiền cho đi học trường xịn nữa. Định nghĩa về trường đắt tiền, trường xịn đã không còn. Tất cả đều đã lạc hậu.

Tất cả đều cần phải thay đổi hoàn toàn để giữ cho mình liên quan đến tương lai. Có trường làm được. Có trường dù nhiều tiền cách mấy mà thiếu hiểu biết về tương lai, thiếu lãnh đạo sống ở thì tương lai, cũng không làm được. Cho nên, có tiền cũng chưa chắc đã giúp con hội nhập được với tương lai.

Thế kỷ này vô cùng khắc nghiệt. Nó đánh đồng tất cả con người, rồi nói: “Ai biết tháo bỏ hết kiến thức cũ, biết học lại, biết học cả đời và học mỗi ngày, người đó được tuyển qua thì tương lai”.

Và cũng vì vậy, phụ huynh của tương lai không còn cách nào khác là phải tự mình vừa tháo, vừa học, vừa cập nhật mỗi ngày. Có thế, bạn mới đang giúp con mình chuẩn bị cho thế giới mới của những điều viễn tưởng đã trở thành hiện thực.

Công việc mà các con sẽ bước vào, gọi là superjob – siêu việc. Đơn giản thế này, theo Diễn đàn kinh tế thế giới, phân công lao động giữa người và máy năm 2018 là người 71%, máy 29%. Đến năm 2022, tỉ lệ này sẽ thay đổi thành người 58%, máy 42%. Sang năm 2025, tỉ lệ lại biến thành người 48%, máy 52%.

Nếu nhìn theo tỉ lệ biến đổi này, con người còn công việc để làm không? Hay ta sẽ thất nghiệp hết? Hay ta hủy diệt máy đi để con người còn có việc làm? Hay, theo như cách cả thế giới này đang vội vàng chuyển mình, là người hợp tác cùng làm với máy?

 

Superjob – siêu việc là những công việc như thế, khi người phải hợp tác một đội cùng với máy để triển khai. Và superjob, đương nhiên, đòi hỏi những kỹ năng rất khác từ người.

Ta không hội nhập, sao các con hội nhập?

Theo kết quả nghiên cứu “Xu hướng nguồn vốn nhân sự toàn cầu” của Deloitte, 41% các doanh nghiệp đã đầu tư dài hơi vào tự động hóa, với AI – trí tuệ nhân tạo là công nghệ chính. AI sẽ giúp tự động hóa rất nhiều quy trình, công việc lặp đi lặp lại mà con người trước giờ vẫn phải làm, và hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn bằng cách tạo ra các công việc mang lại giá trị cao hơn.

Điều này cũng có nghĩa là con người cần phải kết hợp cả hai loại kỹ năng để có thể hợp tác với máy, cả kỹ năng công nghệ lẫn kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng hợp tác…

Công việc sẽ không còn là những gạch đầu dòng trong bảng mô tả công việc nữa. “Siêu công việc” đòi hỏi con người phải biết sử dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm. Nhân sự sẽ trở thành thiết kế trải nghiệm nhân viên. Dịch vụ khách hàng sẽ trở thành thiết kế trải nghiệm khách hàng.

Tất cả những gì mang tính ghi chép, nhập liệu, giấy tờ sẽ được máy làm giùm. Con người lúc này chỉ tập trung sáng tạo ra giá trị mới trong công việc.

Với những kỹ năng mà tôi gọi là kỹ năng thế kỷ 21 đó, với đòi hỏi phải cập nhật kiến thức công nghệ hoàn toàn mới và thay đổi mỗi ngày đó, phụ huynh nghĩ đi trường nào mà bao sân được hết?

Học trong thế kỷ 21 này không còn cách nào khác là phải đến từ nhiều nguồn khác nhau, trên tinh thần là học cả đời. Việc quan trọng nhất để giúp con lúc này không còn là chọn trường nào. Việc quan trọng nhất là phụ huynh hiểu, thay đổi tư duy về cách học để hội nhập vào thế giới mới.

Nhưng trong mớ loay hoay cuộc sống, bạc tiền, có bao nhiêu người trong chúng ta đủ dũng cảm để dừng lại, sắp xếp lại cuộc đời mình, trở lại làm học trò vì con? Thay đổi, là thương con, nhưng cũng là thương chính bản thân mình. Ta không hội nhập, sao các con hội nhập?

Cộng tác giải quyết vấn đề

Thay đổi, hội nhập, bước vào tương lai thật ra chưa bao giờ là vấn đề của công nghệ cả. Là ta thôi, là tư duy, là sự dấn thân thay đổi, là sự quyết tâm tháo bỏ cái cũ, học hỏi cái mới để thích nghi với thế kỷ lạ lùng này. Đừng đặt quá nhiều áp lực lên đôi vai nhỏ của con mình. Tương lai chỉ có thể được thiết kế mới bởi sự cộng tác giải quyết vấn đề bất định một cách bình đẳng giữa con cái và cha mẹ.

 

 

NGUYỄN PHI VÂN