26/11/2024

Sao bố cứ thích làm ‘tổng đạo diễn’ của con?

Bố mẹ chưa bao giờ hỏi con có thích đi học kỳ quân đội hay không, hoặc hè này con có kế hoạch gì cho riêng mình. Bố toàn hợp tác với mẹ ép con làm những việc mà theo bố ‘chỉ có tốt chứ không bao giờ có hại cho con’.

 

Sao bố cứ thích làm ‘tổng đạo diễn’ của con?

Bố mẹ chưa bao giờ hỏi con có thích đi học kỳ quân đội hay không, hoặc hè này con có kế hoạch gì cho riêng mình. Bố toàn hợp tác với mẹ ép con làm những việc mà theo bố ‘chỉ có tốt chứ không bao giờ có hại cho con’.


 

 

Chiều nay, lúc đang đọc truyện, con bỗng thấy bố gọi điện cho ai đó, giọng rất là nhờ vả: “Thôi, chú giúp anh. Anh không thể để thằng T. ở nhà được. Nó dán mắt vào cái điện thoại thì sớm muộn cũng lòi mắt ra thôi”. Thế là con hiểu ra vấn đề: bố lại bắt con đi lớp Học kỳ quân đội.

Không phải con không muốn đi. Mà là năm ngoái con đã đi rồi, vừa về bố lại cấp tốc gửi con vào khóa tu mùa hè cùng con các cô chú bạn bố. Nhưng con không thích cái cách bố chẳng tôn trọng con gì cả. 

Bố mẹ chưa bao giờ hỏi con có thích đi hay không, hoặc hè này con có kế hoạch gì cho riêng mình. Bố toàn hợp tác với mẹ ép con làm những việc mà theo bố “chỉ có tốt chứ không bao giờ có hại cho con”.

Vâng. Con biết tất cả mọi việc bố làm đều với mong muốn đó. Bố bảo ngày xưa ông bà bắt thế nào, bố phải nghe thế ấy, làm gì có lựa chọn, làm gì có dân chủ. Rồi bố dẫn hàng loạt câu của các cụ: thương cho roi cho vọt, rồi con ghét là con nên thân. 

Thế là từ lúc con bé, đi học lớp 1 bố đã bắt làm theo ý bố rồi. Bố bắt con một tuần đi học thêm tất cả các buổi chiều ở nhà cô. Nếu chiều đó học thêm ở trường thì bố nài nỉ xin cô cho con tới học buổi tối vì “nó không tự giác”…

Giờ con lớn, con mới thấm cái cảnh nhồi nhét đầy mệt mỏi: sáng, chiều, tối lúc nào cũng phải học. Bố mẹ đi làm về, chỉ khi nào nhìn thấy con cầm quyển sách mà phải là quyển toán hay tiếng Anh thì bố mới vui vẻ. 

 

Còn nếu con xem tivi, xem truyện hay học văn, sử thì hoặc là bố cũng mắng cho một bài rằng “chẳng biết tiếc thời gian”, “lười như hủi ấy”, rồi nặng hơn là “mày có biết thương bố mẹ không?”, hoặc là “học mấy cái môn linh tinh ấy làm gì”.

Bố thử đi làm cả ngày, cả tối mà xem, bố cũng sẽ oải như việc học của con ấy. Không phải cứ chỉ có ăn với học thôi mà cũng mệt đâu bố. Học thì cũng phải có lúc chơi chứ. Cô con bảo học những môn mình yêu thích hoặc có năng khiếu sẽ phát huy tốt năng lực bản thân. Thế mà bố chẳng bao giờ nghe con phân trần. Trong mắt bố, con nghĩ gì, nói gì cũng đều sai và đi chệch hướng cả.

Có hè bố còn bắt con đi phụ bán hàng cho chị họ. Nghe bố nói với chị ấy: “Thằng này cứ thân lừa ưa nặng, bảo học hành không chịu nên phải đày ải cho nó biết thân”. Con ở nhà cũng làm tất cả những việc như rửa bát, thổi cơm, giặt quần áo… nhưng bố vẫn chưa hài lòng. Lúc nào bố cũng nghĩ ra một việc gì đó để con “biết thân”. 

Thế mà có lúc bố bảo: “Tuổi thơ chúng mày không phong phú bằng tuổi thơ bố”. Cứ như cách bố đang làm, anh em con sẽ chẳng có tí tuổi thơ nào ấy chứ, bố ạ.

Bố đừng “đạo diễn” bất cứ điều gì cho con nữa bố nhé. Con khẩn khoản xin bố đấy!

Thật ra trước khi nghỉ hè, bọn con trai trong lớp chúng con đã rủ nhau đi học nhạc và học võ. Con muốn tận dụng tối đa quãng thời gian được buông sách vở để học được điều gì đó ngoài kiến thức. Con cũng muốn được xem trọn vẹn một bộ phim để vào năm học con có thể tám chuyện với chúng nó. Con muốn theo anh An về quê ít hôm để anh ấy dẫn đi bẫy chim. Con còn muốn đọc nốt Thuỷ Hử mà trong năm học mỗi khi muốn con toàn phải lén lút giấu nó dưới gối và đọc bằng ánh sáng điện thoại…

 

M.N.ANH

 

MAI NHẬT ANH