23/01/2025

Khoa học ‘mách’ cha mẹ cách để con nghe theo ý mình

Nếu muốn bé ăn rau cải, cha mẹ hãy cho con lựa chọn bằng cách hỏi con: ‘Con thích ăn rau bí hay rau cải nào?’, trẻ gần như ngay lập tức chọn rau cải.

 

Khoa học ‘mách’ cha mẹ cách để con nghe theo ý mình

Nếu muốn bé ăn rau cải, cha mẹ hãy cho con lựa chọn bằng cách hỏi con: ‘Con thích ăn rau bí hay rau cải nào?’, trẻ gần như ngay lập tức chọn rau cải.


 

 

Khoa học mách cha mẹ cách để con nghe theo ý mình - Ảnh 1.

Trẻ không nghe lời hoặc làm trái ý là điều khiến không ít cha mẹ đau đầu – Ảnh: Scout

 

Mới đây, trong một báo cáo trên tạp chí Plos One, chuyên gia về khoa học nhận thức Emily Sumner từ Đại học California Irvine (Mỹ) khuyên các cha mẹ nên áp dụng phương pháp lựa chọn nếu muốn con trẻ nghe theo ý mình.

Cách thực hiện rất đơn giản: cha mẹ nên cho trẻ các phương án lựa chọn. Trong đó, phương án cuối cùng được thốt ra là điều cha mẹ muốn con nghe theo.

Ví dụ cha mẹ muốn con ăn rau cải thì nên hỏi trẻ “Con thích ăn rau bí hay rau cải nào?”. Trẻ gần như ngay lập tức chọn rau cải. Cần tránh áp đặt bằng giọng nghiêm khắc như “Tối nay, con nên ăn trứng!” hay “Con phải dọn phòng trước rồi đi tưới cây”. Thay vào đó hãy thể hiện thái độ nhẹ nhàng, yêu thương, tạo không khí vui vẻ với trẻ và cho trẻ “được quyền lựa chọn”.

“Thông thường người trưởng thành sẽ phân tích thiệt hơn giữa các sự lựa chọn nhưng với trẻ em, đặc biệt ở độ tuổi từ 1-3 thì chúng không phân tích mà sẽ chọn theo cách bắt chước. Trẻ sẽ ghi nhớ lời nói cuối cùng hơn và thường nghe theo, dù đôi khi chúng không thực sự muốn điều đó”, chuyên gia Emily Sumner giải thích.

Khoa học mách cha mẹ cách để con nghe theo ý mình - Ảnh 2.

Phương pháp đưa ra sự lựa chọn mang lại hiệu quả cao nhất đối với trẻ mới biết đi và đang tập nói – Ảnh: iStock

 

Phương pháp này cũng có thể hữu ích nếu cha mẹ muốn dạy dỗ con và muốn chúng trung thực trước một hành vi sai trái. Chẳng hạn như hỏi một đứa trẻ việc ném đồ ăn là “con chỉ lỡ tay làm rơi hay cố tính ném đi”.

 

Để đưa ra phương pháp này, các nhà nghiên cứu đã quan sát cách 24 trẻ khoảng 2 tuổi trả lời 20 câu hỏi lựa chọn và nhận thấy phần lớn trẻ chọn phương án cuối cùng, dù câu hỏi đã được thay đổi.

“Khi trẻ không có hình ảnh quan sát hoặc cảm nhận trực quan nào về lựa chọn mà chỉ được nghe “A hoặc B” thì sẽ ghi nhớ lựa chọn gần nhất. Điều này phụ thuộc và bắt nguồn từ vòng lặp tượng thanh (The Phonological Loop).

Vòng lặp tượng thanh là một thành phần của bộ nhớ lưu giữ thông tin bằng lời nói và thính giác, chỉ lưu lại số lượng ít âm thanh trong thời gian ngắn trong thùy âm thanh của não thông qua quá trình nhẩm lại từng phần.

Trẻ mới biết đi không thể xác định và ghi nhớ hai lựa chọn để so sánh, vì vậy thay vào đó, chúng chỉ đơn giản lặp lại câu cuối cùng mà nghe được.

Hiệu quả của phương pháp này tuy không cao và trẻ càng lớn thì càng khó áp dụng, nhưng ít nhất cha mẹ có thể thử nghiệm để giảm bớt sự lo lắng việc con không nghe lời.

 

 

MINH HẢI (Theo Sciencealert, Plos One)