28/12/2024

Đời con không phải những kỳ thi

Khi chúng ta còn xem kỳ thi như một bước ngoặt quan trọng của đời người, hẳn là những đứa trẻ sẽ mãi không thể thoát được những cuộc đua tranh, ‘chọi’ nhau ngay từ khi vào lớp 1 cho đến khi vào ĐH…

 

Đời con không phải những kỳ thi

Khi chúng ta còn xem kỳ thi như một bước ngoặt quan trọng của đời người, hẳn là những đứa trẻ sẽ mãi không thể thoát được những cuộc đua tranh, ‘chọi’ nhau ngay từ khi vào lớp 1 cho đến khi vào ĐH…


 

Trên đây là trăn trở của một bạn đọc báo Tuổi Trẻ từ tâm sự của cháu mình và những đứa trẻ xung quanh ngay vòng xoáy của những kỳ thi tuyển, gợi ra nhiều suy nghĩ.

Con lượng vừa sức, cha mẹ không hài lòng

Dạo trước, cháu tôi gọi điện than thở: “Cậu à, cháu tính xét tuyển vào một trường ĐH vừa tầm nhưng ba mẹ cứ muốn cháu vào trường hạng A”. Chưa để tôi nói gì, cháu tiếp: “Năng lực của cháu chỉ có thế thôi. Sức học của cháu vào trường đó sợ không theo được”.

Rồi cháu kể cha mẹ ra “chỉ thị” đăng ký xét tuyển vào trường hạng A đó chỉ vì oai, cha mẹ cháu nghĩ rằng tấm bằng ấy sẽ cho cháu nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. Kể xong, cháu nhờ: “Cậu thuyết phục cha mẹ giúp cháu nhé!”.

Ngẫm nghĩ lời cháu nói, tôi thấy thật may là cháu cũng nhìn ra được vấn đề, biết tự lượng sức mình. Trường hạng A nghe thì vừa thấy sang vừa thấy oai, nhưng chưa chắc đã hợp với mình mà hành trình đó ai chắc có sự suôn sẻ?

Đợt vừa rồi, chị đồng nghiệp cùng phòng cũng tỏ ra tiếc nuối khi con gái thi vào lớp 10 với điểm số tương đối cao nhưng trước đó chỉ đăng ký vào trường tốp 2.

Chị buồn buồn: “Biết thế thì đăng ký trường tốp đầu có phải giờ đỡ tiếc không? Điểm số của con gái đủ để vào bất cứ trường tốp đầu của Hà Nội”. Chị nói lý do tại ngay từ đầu con gái xác định chỉ đăng ký vào trường tốp 2 thôi và chị cảm thấy thất vọng, tiếc nuối vì điều đó.

“Nó nói con thà vào trường tốp 2 còn hơn vào tốp 1 lúc nào cũng đau đầu chạy đua với bạn” – chị kể. Tôi thưa: “Cháu nó đúng đó”. Nhưng chị lắc đầu: “Đúng gì mà đúng, con người ta mong vào trường tốp đầu còn không được. Con mình thì cứ giãy nảy ra, rõ bực”…

Tự khi nào, các bậc phụ huynh chỉ chăm chăm việc con vào được trường tốt, trường có tiếng mà quên mất công đoạn vô cùng quan trọng, đó là khi vào học như thế nào? Cháu tôi và cả con gái của chị đồng nghiệp đã có những chính kiến của mình, lượng vừa sức nhưng cha mẹ đã không hài lòng, sao thấy bọn trẻ khổ sở quá!

Cuộc đời nằm ở đâu?

Tôi biết có người bạn từng tức tưởi khi con trai bị trầm cảm sau một thời gian học lớp chọn của một trường chuyên nổi tiếng. Nhớ ngày đó, mỗi lần gặp nhau, bạn thường khoe thành tích của con và luôn tự hào, mãn nguyện khi con “lọt” vào được ngôi trường đáng mơ ước ấy.

Biết bao dự định, kể cả dự định cho con đi du học sau khi tốt nghiệp cấp III bị vỡ kế hoạch khi con bị trầm cảm. Bạn nói: “Khi đó mình như bị rớt từ trên ngọn cây xuống, thấy không thể chấp nhận được”.

Tôi cũng từng chứng kiến con gái của một người bạn đồng nghiệp ra rả trách móc mẹ mình ngoài việc đăng ký các lớp học thêm thì không quan tâm đến cảm xúc của con. Cô bé còn đăng lên Facebook những dòng trạng thái buồn, chán nản, đặc biệt sau khi bị ba mẹ ép đi du học Đức.

Thi vào ĐH hay thi lên lớp 10 cũng chỉ là kỳ thi nhưng nhiều người đang lầm tưởng đó là cơ hội duy nhất được trao trong cuộc đời. Vì thế, những đứa trẻ vào vai những chú gà chọi được nuôi dạy kỹ càng, được học đủ thứ và khi bước vào các kỳ thi thì như những… đấu sĩ. Đời người đâu chỉ có một, hai kỳ thi?

Có lẽ, thực trạng thất nghiệp đã và đang ảnh hưởng không ít đến quyết định chọn trường, chọn ngành của các bạn trẻ và của các bậc phụ huynh. Bởi vậy, tôi không quá ngạc nhiên khi một bạn trẻ nào đó muốn biết học trường nào dễ xin việc làm, lương cao.

Tôi cũng chẳng xa lạ gì với việc nhiều bạn trẻ vào ĐH cho bằng được, với một ngành có tên thật “kêu” nhưng không biết thích làm gì và không biết sẽ làm gì sau khi cầm tấm bằng. Để rồi, chỉ theo nguyện vọng của cha mẹ, cứ lao vào tìm một chỗ ở ĐH với tâm tư “học đại”.

Chúng ta đã quá quen với việc đo đếm sự thành công của một người qua bằng cấp, học hàm học vị hay thu nhập, vị trí xã hội. Ít ai quan tâm đến những giá trị tinh thần hay đơn giản chỉ là người đó có thực sự thỏa mãn và hạnh phúc với công việc đó hay không.

Hiện nay, thời mở cửa, các bạn trẻ sẽ biết tự tìm cơ hội cho chính mình. Có người không đăng ký xét tuyển vào ĐH mà rẽ ngang học nghề. Chúng ta cứ ra rả câu chuyện nhiều bạn trẻ dù tốt nghiệp ĐH nhưng kỹ năng mềm yếu, không biết công việc là gì, thậm chí không biết nghe điện thoại (cho đúng chuẩn giao tiếp) ra sao. Lỗi này đâu phải chỉ xuất phát từ cơ sở đào tạo?

Thời nào rồi mà còn cha mẹ đặt đâu, con thi trường đó?

Tôi biết rằng còn không ít phụ huynh mải mê với những kế hoạch của riêng mình và áp đặt vào chuyện học của con. Nhiều đứa trẻ đang bị ép vào khuôn, vào trường ĐH theo ý nguyện của cha mẹ, vào trường chuyên lớp chọn để làm cha mẹ vui lòng, đi du học…

Hãy nghe các bạn trẻ nói, nghe nguyện vọng của con em thay vì đem sự hấp dẫn mang tên nghề nghiệp để định hướng cho trẻ. Hãy trao cơ hội để các bạn trẻ được thực hiện ước mơ của mình. Hẳn là chưa nhiều bậc phụ huynh làm được điều này và những nút thắt vẫn thực sự khó gỡ.

 

 

 

QUANG HƯNG HÀN TRỌNG