Phạt nguội làm sao để không bị… nguội?
Tại Đà Nẵng, nếu người vi phạm không đến nộp phạt trong thời gian theo quy định, thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan đăng kiểm và cơ quan này sẽ từ chối đăng kiểm cho đến khi chủ phương tiện nộp phạt.
Phạt nguội làm sao để không bị… nguội?
Tại Đà Nẵng, nếu người vi phạm không đến nộp phạt trong thời gian theo quy định, thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan đăng kiểm và cơ quan này sẽ từ chối đăng kiểm cho đến khi chủ phương tiện nộp phạt.Trung tâm thông tin chỉ huy của CSGT Đà Nẵng xử lý vi phạm giao thông qua màn hình – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Thông tin từ Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM, chỉ tính riêng từ ngày 16-11-2018 đến nay, đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (chưa tính 16 đội thuộc phòng) đã phát hiện 31.295 trường hợp vi phạm nhưng chỉ xử phạt được 5.722 trường hợp (hơn 18%).
Những trường hợp còn lại, dù CSGT đã mời người vi phạm đến xử lý nhưng hầu hết không đến, không thừa nhận hành vi nên không ra quyết định xử phạt được.
Việc phạt nguội ở TP.HCM bị… nguội, còn những địa phương khác, cũng như quốc gia khác thì sao?
Đà Nẵng: từ chối đăng kiểm cho đến khi chủ xe nộp phạt
Từ năm 2016, Đà Nẵng đã áp dụng biện pháp xử phạt nguội, với 7 tuyến – nút giao thông và 10 chốt giao thông được camera giám sát. Trước khi áp dụng biện pháp này, CSGT Đà Nẵng đã thông báo công khai gần 1 tháng về các tuyến đường sẽ áp dụng hình thức phạt nguội.
“Chúng tôi đã cùng với cơ quan đăng kiểm xử lý những trường hợp vi phạm cố tình không đến nộp phạt theo quy định” – thượng tá Lê Văn Lực, phó Phòng CSGT Đà Nẵng, cho biết.
Thông tin về xe vi phạm do hệ thống camera ghi lại sẽ được chuyển về Trung tâm thông tin chỉ huy. Cán bộ sẽ xác minh, kiểm tra dữ liệu, chủ phương tiện, địa chỉ trên hệ thống… trước khi gửi thông báo qua bưu điện cho người vi phạm, đồng thời đăng trên trang thông tin của Phòng CSGT và Cục CSGT.
Nếu người vi phạm không đến nộp phạt trong thời gian theo quy định, thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan đăng kiểm và cơ quan này sẽ từ chối đăng kiểm cho đến khi chủ phương tiện nộp phạt.
“Sau khi triển khai việc xử phạt nguội qua camera, tình hình giao thông tại Đà Nẵng đã có sự chuyển biến tích cực rất rõ. Các vi phạm như vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy quá tốc độ… đã giảm rõ rệt” – thượng tá Lực cho hay.
Mỹ: nếu không nộp phạt sẽ phải hầu toà
Tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, ảnh và video do camera quay được từ người phạm luật giao thông sẽ được gửi thẳng tới Trung tâm dữ liệu giải pháp giao thông Mỹ (ATS). Sở cảnh sát Seattle sẽ kiểm tra dữ liệu này và ra quyết định xử phạt.
Người vi phạm giao thông bị camera ghi hình lại sẽ được gửi thông tin vé phạt qua email 14 ngày sau khi vi phạm. Nếu người vi phạm lái xe thuê, công ty cho thuê xe cần xác định danh tính của người lái. Trên vé phạt cũng có hướng dẫn cụ thể cách xử lý nếu chủ xe xác định bản thân không phạm luật. Tấm vé vi phạm này có tác dụng như vé phạt đỗ xe.
Nếu người vi phạm phớt lờ vé phạt tới quá hạn nộp phạt, vé phạt sẽ được gửi tới tòa để thi hành án phạt dân sự. Tùy thuộc quyết định của toà, người vi phạm có thể phải nộp phạt bổ sung kèm theo một khoản án phí theo luật dân sự.
Việc áp dụng xử phạt nguội vi phạm giao thông ở Mỹ khá hiệu quả. Trong năm đầu tiên thí điểm, chỉ với 6 điểm camera giao thông, tỉ lệ vi phạm giao thông ở thành phố Seattle đã giảm tới 50%. Tỉ lệ phạm luật giao thông ở thành phố Houston, bang Texas giảm 30% chỉ trong 6 tháng đầu áp dụng.
Cần có quy định xử lý những trường hợp không chấp hành vi phạm
Trung tá Lý Ngọc Hạnh – đội trưởng đội tham mưu Phòng CSGT Công an Cần Thơ – cho biết việc phạt nguội được tiến hành từ tháng 12-2012. Đến cuối năm 2018, đã gửi 24.000 thông báo cho chủ xe vi phạm nhưng chỉ xử lý được 12.300 trường hợp (chiếm 50%), với số tiền phạt gần 13 tỉ đồng.
6 tháng đầu năm 2019, gửi thông báo 315 trường hợp vi phạm nhưng cũng chỉ xử lý được 71 trường hợp. Theo trung tá Hạnh, cần có quy định để xử lý những trường hợp không chấp hành vi phạm, tạo sự công bằng giữa người vi phạm bị phạt trực tiếp và bị phạt nguội.
Nghệ An: Tạm dừng “mắt thần” vì…thiếu tiền bảo dưỡng
Tại Nghệ An, từ tháng 8-2017 đến nay, CSGT Công an tỉnh đã gửi thông báo đến nơi cư trú trên 500 trường hợp vi phạm, nhưng chỉ có khoảng 200 trường hợp đến nộp phạt với số tiền hơn 300 triệu đồng.
Theo đại tá Cao Minh Phượng – trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An, do số tiền phạt nguội thu được chưa nhiều, thiếu kinh phí bảo dưỡng nên hệ thống “mắt thần” tại một số khu vực phải tạm dừng hoạt động.
Thiếu tá Diệp Xuân Quyền – đội trưởng đội xử lý Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh – cho biết từ ngày hệ thống camera được gắn tại các điểm quy định cho đến nay, đơn vị đã xử lý được 19.000 lượt xe, phạt tiền hơn 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20.000 lượt xe đã lập biên bản xử phạt nguội nhưng chưa thực hiện.