27/11/2024

Người khuyết tật lo bị… từ chối bay

Anh Nguyễn Khánh Lâm (Hà Nội) – người bị mắc bệnh xương thuỷ tinh phải sử dụng xe lăn từng nhận cú điện thoại từ chối bay vào phút chót chặng bay Hà Nội – Đà Nẵng.

 

Người khuyết tật lo bị… từ chối bay

Anh Nguyễn Khánh Lâm (Hà Nội) – người bị mắc bệnh xương thuỷ tinh phải sử dụng xe lăn từng nhận cú điện thoại từ chối bay vào phút chót chặng bay Hà Nội – Đà Nẵng.

 
 
 

Vận động viên khuyết tật làm thủ tục bay (ảnh minh họa) /// Ảnh M.H

Vận động viên khuyết tật làm thủ tục bay (ảnh minh hoạ)   Ảnh M.H

 

 
Tại hội nghị về quyền tiếp cận hàng không cho người khuyết tật mới đây, anh Lâm cho biết nhận được điện thoại của nhân viên một hãng hàng không giá rẻ từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển (chặng bay Hà Nội – Đà Nẵng ngày 4.4) với lý do không có nhân viên hỗ trợ do hành khách cần sử dụng dịch vụ xe lăn đặc biệt. Việc không được bay vào phút chót khiến anh gặp khó khăn khi phải di chuyển bằng phương tiện khác, tốn hơn 12 giờ.
 

Trước anh Lâm, đã có một số trường hợp người khuyết tật bị các hãng hàng không giá rẻ từ chối bay. Theo bà Nguyễn Thanh Thuý, Chánh văn phòng Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em, anh Lê Đức Hiền (Đồng Nai) cũng từng bị từ chối vận chuyển vì hành khách sử dụng xe lăn không có người đi cùng trên chuyến bay TP.HCM – Hà Nội. Dù hành khách này cho biết có thể tự di chuyển một mình, chỉ cần hỗ trợ khi lên xuống máy bay.
 
“Đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không cần xác định việc trợ giúp người khuyết tật di chuyển bằng máy bay là trách nhiệm và cần tìm hướng tháo gỡ, chứ không phải thấy khó là từ chối. Cần có sự trợ giúp thì người khuyết tật mới có cơ hội thực hiện quyền tự do di chuyển theo cách mình muốn bình đẳng như người khác”, bà Thuý cho hay.
 
Không chỉ gặp khó khăn với các hãng, người khuyết tật còn gặp khó khăn do nhiều cảng hàng không, sân bay thiếu hẳn trang thiết bị phục vụ hỗ trợ như xe nâng, đường ống lồng. Hiện chỉ một số sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc… có xe nâng, đường ống lồng hay thiết bị hỗ trợ riêng cho hành khách khuyết tật di chuyển từ mặt đất lên cửa máy bay như “thang trượt” tại sân bay Vinh.
 
Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết, một số sân bay chưa có thiết bị chuyên dụng khiến nhân viên của hãng phải cõng hoặc bế hành khách lên, xuống máy bay có thể gây mất an toàn. Việc thiết kế hạ tầng tại các cảng hàng không chưa phù hợp như không có khu vệ sinh riêng, lối đi lại riêng… ảnh hưởng việc phục vụ hành khách tại sân bay.
 
Hiện một số sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng có quầy riêng phục vụ người cần trợ giúp đặc biệt. Riêng Vietnam Airlines, hãng này đã mua sắm, thay mới trên 300 xe lăn tại các sân bay trên, các tàu bay B787, A350, A330 và A321 đều được trang bị xe lăn đầy đủ.
 
Từng có trải nghiệm bay của Vietnam Airlines, theo anh Lâm, hãng có sự cầu thị, hỗ trợ hành khách khuyết tật chu đáo, nhưng vẫn cần phải cải thiện lại vấn đề kỹ thuật. “Người khuyết tật muốn được bình đẳng, với những người đủ khả năng di chuyển một mình thì không cần người đi cùng. Hiện nay, người khuyết tật muốn đăng ký lấy vé ngay rất khó, do vẫn phải chờ để đăng ký dịch vụ xe nâng lên máy bay”, anh Lâm chia sẻ và cho rằng những vướng mắc này rất cần được cải thiện sớm.
 
Trong khi đó, theo đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Bộ cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm với các trường hợp từ chối người khuyết tật bay với ý do không chính đáng, đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị tại các sân bay, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người khuyết tật.
 
 
MAI HÀ