13/01/2025

Làm gì khi không có điều kiện cho con trải nghiệm dịp hè?

Nhiều bậc cha mẹ than rằng không có điều kiện cũng như thời gian để cho con trải nghiệm dịp hè. Vậy cách nào để giúp con vẫn có thể có được mùa hè ý nghĩa và an toàn?

 

Làm gì khi không có điều kiện cho con trải nghiệm dịp hè?

Nhiều bậc cha mẹ than rằng không có điều kiện cũng như thời gian để cho con trải nghiệm dịp hè. Vậy cách nào để giúp con vẫn có thể có được mùa hè ý nghĩa và an toàn?
 
 

 

Nếu không có điều kiện cho con trải nghiệm trong dịp hè thì hãy cho con đến với sách /// HOA NỮ

Nếu không có điều kiện cho con trải nghiệm trong dịp hè thì hãy cho con đến với sách  HOA NỮ

 

 

Cha mẹ đâu được “nghỉ hè”

Đó là chia sẻ của nhiều bậc phụ huynh khi cứ đến dịp hè lại loay hoay không biết làm thế nào để cho con có được mùa hè ý nghĩa, được trải nghiệm dịp hè trong khi bản thân phải sớm tối với công việc.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương (ngụ chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) có 2 bé nhỏ kề kề tuổi nhau, một bé 9 tuổi, một bé 7 tuổi và cũng đang đau đầu khi hai vợ chồng phải thay phiên nhau ở nhà trông và chơi với các bé. Chị Hương nói: “Mình rất thích con được trải nghiệm và vui chơi lành mạnh trong dịp hè. Nhưng cả hai vợ chồng đều bận công việc và ngày nào cũng phải đi làm. Cũng may công việc của ông xã và mình đều làm về thiết kế nên cũng có thể linh động được và chia thời gian để ở nhà với con. Nhưng mỗi người chỉ được một buổi và dù ở nhà thì cả mình và chồng cũng phải tranh thủ làm việc nên không đưa con đi chơi đâu được”.

Làm gì khi không có điều kiện cho con trải nghiệm dịp hè? - ảnh 1

Không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện để cho con trải nghiệm dịp hè   HOA NỮ

 

Cùng nỗi lòng với chị Hương, chị Nguyễn Thị Diễm (trọ trên đường Kinh Dương Vương, Q. Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Cứ hè đến là mình về quê đưa bà ngoại của sắp nhỏ vào chơi với các cháu, nên không lo chuyện chăm con. Thế nhưng mình muốn con có những ngày hè bổ ích và ý nghĩa chứ mình cũng không muốn con suốt ngày chỉ ở nhà. Hai vợ chồng thì làm công nhân, nên cũng khó khăn trong việc cho con theo học các khóa rèn luyện kỹ năng hay đi du lịch các nơi”.

Nói rồi chị Diễm cho hay đã được nghe nhiều người khuyên nên cho con tự chơi ở nhà và kết hợp tập cho con thói quen đọc sách. Vì sách là một thế giới rất phong phú để giúp trẻ khám phá và phát triển bản thân.

“Nhưng vợ chồng mình không biết làm cách nào để con có thể đam mê và yêu thích việc đọc sách. Mình có dẫn các bé đi nhà sách nhiều lần và cũng mua về nhiều sách bé thích, nhưng ở nhà bé chỉ mãi chơi chứ rất ít khi động đến các cuốn sách”, chị Diễm trăn trở.

Hãy cho con đến với sách

Bàn về câu chuyện nếu không có điều kiện cho con đi du lịch, trải nghiệm dịp hè, tham gia học các khóa rèn luyện kỹ năng… tiến sĩ xã hội học, chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia) khuyên các bậc phụ huynh nên cho con đến với sách. Trẻ ở nhà nhưng vẫn có thể để con đến với thế giới rộng lớn bao la từ trong trang sách và vượt ra ngoài cả trang sách. Vậy làm sao để con có được một mùa hè ý nghĩa, vừa vui nhưng cũng học được nhiều điều bổ ích qua sách.

Làm gì khi không có điều kiện cho con trải nghiệm dịp hè? - ảnh 2

Các bé được ba mẹ đưa đến đường sách Nguyễn Văn Bình để đọc sách   HOA NỮ

Theo chị Thuý, việc đầu tiên để con yêu đọc sách thì hãy tạo cho con thói quen chứ đừng bắt ép trẻ. Muốn như vậy thì việc đầu tiên là cha mẹ phải thích đọc sách để là tấm gương cho con.

“Bất kỳ thói quen nào cũng cần có thời gian để con làm quen, chứ không thể nào ép trẻ được. Chúng ta chỉ có thể truyền niềm đam mê đọc sách cho trẻ qua chính việc chúng ta làm gương, thông qua những môi trường, sân chơi về sách”, chị Thúy khuyên.

Minh chứng từ chính câu chuyện của mình, chị Thúy kể không gian của gia đình chị được bao quanh bởi những tủ sách và như vậy sách đã ở trong tầm mắt của trẻ, và trẻ thích đọc lúc nào, thích quyển sách gì là có thể lấy đọc. Đây chính là cách để trẻ làm quen với sách và hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày.

“Chiêu” thứ 2 theo chị Thúy là nên có cách dụ trẻ. Như những ngày hè này, chị sẽ nói với con mình là nhà có nhiều sách hay, con thích cuốn nào thì con đọc, sau đó tóm tắt được nội dung của cuốn sách thì con sẽ có thưởng. Và nên để trẻ chủ động chọn phần thưởng dành cho mình.

Làm gì khi không có điều kiện cho con trải nghiệm dịp hè? - ảnh 3

Tạo thói quen để trẻ tìm đến sách chứ đừng bắt ép trẻ  HOA NỮ

“Như bé trai của tôi thường phải nhận nhiệm vụ rửa bát, nên bé chọn phần thưởng là ‘nếu con đọc xong cuốn sách thì mẹ rửa bát cho con 2 tuần, con đọc hết 5 cuốn sách thì mẹ rửa bát cho con hết hè nhé’. Và đương nhiên là tôi đồng ý liền. Đây là một cách ‘dụ’ vui nhưng lại có hiệu quả”, chị Thuý kể.

Cách thứ 3 theo chị Thúy là cha mẹ nên dạy con đọc sách và chọn sách. Chọn sách là điều rất quan trọng, những cuốn sách nào chúng ta muốn con đọc thì chúng ta nên đọc trước để xem những cuốn nào phù hợp với con, cuốn nào cần cho con. Vì ở những giai đoạn lứa tuổi sẽ cần những cuốn sách khác nhau.

“Lúc đầu dạy trẻ cách chọn nhưng sau này chúng ta hãy hướng cho trẻ tự chọn sách và chúng ta chỉ là người định hướng. Nhưng các bậc phụ huynh cũng nên nhớ là đừng áp đặt mà quan trọng là cuốn sách hợp với trẻ và trẻ thích, trẻ muốn đọc. Chỉ trừ những cuốn sách có hình ảnh minh họa bạo lực hay khỏa thân khiêu gợi, những nội dung không phù hợp thì chúng ta không chọn, còn lại hãy để trẻ chọn theo sở thích”, chị Thuý nhắn gửi.

Và điều cuối cùng theo chị Thúy là phương pháp đọc sách. “Làm sao để đọc tích cực, làm sao để trẻ học được nhiều điều tốt nhất từ sách, khám phá được tất cả những thứ trẻ muốn từ sách chứ không phải đọc để giết thời gian….”.

Để giúp trẻ vừa được trải nghiệm dịp hè ý nghĩa, vừa học được những điều bổ ích từ sách, chị Thúy chỉ ra có 4 cấp độ để chúng ta dạy trẻ cách đọc sách. Cấp độ đầu tiên là cấp độ đọc sơ cấp (dành cho trẻ tiểu học), ở cấp độ này trẻ chỉ cần biết nội dung từ, nghĩa của từ và ý nghĩa nội dung của câu mà trong sách đề cập. Cấp độ tiếp theo là đọc kiểm soát, hay còn gọi là đọc lướt. Ở cấp độ này có các câu hỏi cơ bản là cuốn sách muốn nói lên điều gì? kết cấu cuốn sách này là gì? cuốn sách này gồm những phần nào? Cấp độ 3 là đọc phân tích, hay còn gọi là nhai và tiêu hóa sách. Nếu mà trẻ đọc được với cấp độ này thì sẽ rất tốt cho khả năng tự học của trẻ. Cấp độ 4 là cấp độ cao nhất, đọc đồng chủ đề hay còn gọi là đọc so sánh. Tức là trẻ đam mê một chủ đề nào đó và trẻ sẽ đọc nhiều cuốn sách để so sánh, chắt lọc những điều hay và từ đó trẻ sẽ có được những ý tưởng mới cho chủ đề đó.

 

HOA NỮ