Làm bạn với con, làm bạn với cháu là từ ngữ những bậc phụ huynh, người làm cha mẹ, ông bà đều đã thấy rất quen thuộc. Tuy nhiên, vận dụng vào thực tế mỗi gia đình, để mỗi đứa con thật sự là người bạn của mình không hẳn là việc đơn giản.
Đừng coi chuyện con kể là ‘điều vớ vẩn’
Chị Đỗ Thị Thương, 29 tuổi, làm tự do trong mảng truyền thông, hiện đang trú ở đường Xuân Hồng, Quận Tân Bình, TP.HCM tâm sự:“Tôi nghĩ là trẻ con sẽ có những tâm sự, thắc mắc, câu chuyện dưới góc nhìn của nó. Từ nhỏ hãy tập thói quen nói chuyện thật nhiều với con, dù chỉ từ chuyện trăng sao, cái cây, con vịt nhưng nó cho con cảm giác, mẹ cha là bạn, là nơi con có thể kể bất cứ điều gì con muốn. Đừng coi chuyện con kể là điều vớ vẩn. Nếu sau này, có những khó khăn, những áp lực, những điều khiến con bất an, con cũng không ngại ngùng sẻ chia cùng cha mẹ”.
Với nhiều người mẹ, làm bạn với con, là cùng con đọc sách, dạo phố, cà phê, mua sắm, hay cùng đi xem phim, vẽ tranh, chụp ảnh với nhau.
Trong không gian khá thư giãn tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM vừa cho phép khách hàng thưởng thức đồ uống và vẽ bức tranh của mình, chúng tôi gặp Nguyễn Anh Thư, 27 tuổi và mẹ là Nguyễn Thị Hồng, 57 tuổi. Họ là đôi bạn thân, từng cùng nhau khám phá nhiều hàng cà phê, cửa hàng quần áo và quán ăn. Một sáng thứ bảy họ quyết định cùng nhau đi vẽ tranh. Với bà Hồng, ngồi nhìn con vẽ tranh, dù chỉ im lặng, hoặc thi thoảng góp ý “chỗ này nên đậm hơn” thôi, cũng là một cách chia sẻ cùng con.
“Cô ngồi và nhìn con vẽ. Nó thích vẽ lắm, ngày nhỏ cô hay mua màu và giấy. Hai mẹ con đi và chụp với nhau nhiều ảnh đẹp, sau này nó lấy chồng rồi, làm gì còn được đi chung nhiều thế nữa”, bà Nguyễn Thị Hồng mỉm cười, nhìn bàn tay con gái đang quết màu xanh dương thành những đám mây.
Cha mẹ lơ là vấn đề của con, “bão tố” xảy ra
Tiến sĩ, nhà quản lý giáo dục Bùi Trân Phượng trong một buổi trò chuyện tại Đường sách TP.HCM về chủ đề giáo dục trẻ em rất vui vẻ kể câu chuyện của chính gia đình bà. Vì thấu hiểu tâm lý trẻ thơ, hay đọc sách, trò chuyện với cháu nội, bà Bùi Trân Phượng rất được cháu của mình yêu quý.
Mỗi lần bà từ TP.HCM ra Hà Nội thăm, cháu nội đã đón tận cửa và luôn miệng hỏi “bà nội mua sách gì cho con vậy”. Hai bà cháu rất hay nói chuyện qua điện thoại với nhau. Một lần trong một câu chuyện vui, không biết người mẹ của em bé đã nghe con nói điều gì đó với bà thì nhắc “không được nói như thế nhé”, em bé nói lớn “nhưng bà nội không phải là bà nội. Bà nội là bạn của con mà”. Mẹ em bé ngơ ngác, còn bà Bùi Trân Phượng thì thấy trong lòng lâng lâng, xúc động. Người cháu nội của mình đã thật sự coi mình là bạn.
Trước khi làm bạn với cháu, nhà quản lý giáo dục Bùi Trân Phượng cũng chia sẻ, bà và chồng mình đã là người bạn lớn của các con mình. Con trai bà khi có bất cứ khó khăn nào, từ chuyện “làm sao để biết cô gái đó có thích mình hay không”, “nên tặng món quà gì đầu tiên cho bạn gái” anh đều mang tới “chuyên gia gỡ rối” là hai cha mẹ.
“Có lần chồng tôi đóng vai người đưa thư để tặng hoa cho cô bé mà con trai tôi đang rất thích. Rồi có một lần, chồng tôi bảo tôi phải làm gì đi thôi, ông ấy phát hoảng vì con trai kêu chán đời, không thiết sống gì trên đời này nữa. Tôi thì rất bình tĩnh, tôi vào bếp, nấu một vài món mà con thích và gọi nó xuống ăn, nó ăn rất hào hứng và quên hết chuyện “không thiết sống”. Cha mẹ hãy tôn trọng con, lắng nghe con, đừng coi thường những vấn đề con nêu ra, có những giai đoạn con ở lằn ranh giữa trẻ con – người lớn, chỉ cần mình lơ là một chút thôi thì bão táp sẽ xảy ra, không thể lường trước được”, bà Bùi Trân Phượng chia sẻ.
Do đó, nữ tiến sĩ cho rằng, sẽ thật hạnh phúc, nếu mỗi người con, coi cha mẹ, ông bà là người bạn tin cậy, gần gũi để sẵn sàng chia sẻ câu chuyện.
|
|
|
Cha mẹ hãy tôn trọng con, lắng nghe con, đừng coi thường những vấn đề con nêu ra, có những giai đoạn con ở lằn ranh giữa trẻ con – người lớn, chỉ cần mình lơ là một chút thôi thì bão táp sẽ xảy ra, không thể lường trước được
|
|
|
TS Bùi Trân Phượng
|
|
|
MC Thanh Thảo, mẹ của hai người con thì cho hay, một trong những cách để chị làm bạn với con, là có thể hỏi con với những khúc mắc của chính mình: “Các cha mẹ đừng nghĩ là con còn nhỏ, con không hiểu chuyện, nói với con cũng không giải quyết được việc gì. Có những lần Thảo có những chuyện căng thẳng, áp lực trong công việc, Thảo về nói chuyện cho con nghe và con cho Thảo những lời khuyên rất bất ngờ. Trẻ em với những góc nhìn đặc biệt, đôi khi sẽ có những giải pháp hay không ngờ cho những khó khăn mà các ông bố bà mẹ đang nghĩ là nó rất trầm trọng”., Thảo nhắn nhủ.
THUÝ HẰNG