11/01/2025

‘Trảm’ con chốn đông người, tội lắm!

Ai cũng mong có một đứa con ngoan, giỏi. Nhưng nếu con trẻ chưa ngoan, chưa giỏi như ta mong muốn thì lẽ nào cha mẹ có quyền ‘xử trảm’ con ở chỗ đông người?

 

‘Trảm’ con chốn đông người, tội lắm!

Ai cũng mong có một đứa con ngoan, giỏi. Nhưng nếu con trẻ chưa ngoan, chưa giỏi như ta mong muốn thì lẽ nào cha mẹ có quyền ‘xử trảm’ con ở chỗ đông người?
 
 
 

Trảm con chốn đông người, tội lắm! - Ảnh 1.

11h trưa. Một chiếc xe máy đỗ xịch dưới bóng râm trứng cá trước hiên nhà tôi. Người mẹ tầm bốn mươi tuổi mở vội mũ bảo hiểm và khẩu trang treo lủng lẳng trước tay lái rồi quay lại chỉ thẳng mặt cậu con trai khoảng lớp 7 lớp 8, xối xả: “Tau dặn bao lần rồi mà”, “Mi muốn chi?”, “Tau mua xích chó cột lại mới không trốn đi chơi à?”…

Mọi người nghe ầm ĩ chạy lại vây quanh. Mấy đứa trẻ con lấp ló trước cửa nhà chong mắt nhìn. Người mẹ vẫn mắng xối xả, chỉ tội cậu con trai nửa đứng nửa ngồi trên yên sau cúi mặt, im thin thít.

Em họ tôi là một người khá nóng tính. Cậu con trai lên 6 lại quá nghịch ngợm, bướng bỉnh đến lì lợm. Em thương con thì thương đến vô tận, nhưng mỗi lần con bướng cũng ra tay đánh con đến lằn ngang lằn dọc khắp mình mẩy. Ở trong nhà, ngoài ngõ hay bất kỳ nơi đâu, hễ cơn giận bùng lên là đòn roi lại vung xuống. 

Không chỉ đánh bằng roi, em còn dùng những lời nói trong lúc nóng giận của mình quất thẳng vào mặt con: “Mi không phải con tau!”, “Tau đánh mi chết cho chừa cái tật lì”, “Tau đẻ mi ra thật tốn công tốn của”…

Sau một trận đòn và không tiếc lời chì chiết con, khi cơn giận đã nguôi ngoai và vết lằn trên tay chân thằng bé in hằn trong mắt em thì em lại ôm lấy con. Và khóc. Và “mẹ xin lỗi”. “Kịch bản” ấy được lặp đi lặp lại khiến người thân, người quen lúc đầu cũng vào can ngăn, sau thì dần bỏ mặc hai mẹ con.

Tôi có cô bạn thân cùng xóm giờ là một giáo viên cấp II. Hồi nhỏ, bạn luôn phải đối diện với cha mẹ bằng sự phủ nhận: “Tau không có đứa con lười biếng, dốt nát như mi”, hoặc bằng sự chê bai: “Biết thế tau đẻ ra củ khoai ăn vào no bụng còn hơn”… 

Những câu từ như búa bổ vào tai ấy tuôn ra trước hàng xóm láng giềng, trước bàn dân thiên hạ như cứa vào lòng bạn những nhát cắt rỉ máu.

 

Đỉnh điểm nỗi đau trong bạn là những năm cấp III, mỗi lần bạn bè đến chơi, ghé rủ đi học mà gặp lúc người mẹ đang cơn tức giận lại: “Chơi chi với cái thứ như nó!”, “Loại như nó chỉ có nước mua cái trang về thờ”. 

Bạn bảo, tim bạn đau nhói và chỉ muốn biến mất khỏi thế gian này. May thay, những vết thương trong quá khứ cũng dần khép miệng, bạn đang sống có trách nhiệm với con cái và cố gắng không đi vào “vết xe đổ” ngày xưa.

Ai cũng mong có một đứa con ngoan, giỏi. Nhưng nếu con trẻ chưa ngoan, chưa giỏi như ta mong muốn thì lẽ nào cha mẹ có quyền “xử trảm” con ở chỗ đông người? Tôi nhớ khá nhiều lần báo chí xôn xao chuyện người mẹ này bắt con trần truồng đứng cạnh đường ray xe lửa, người cha khác xích chân con vào cột điện để trị bệnh “nghiện game”. Có phụ huynh còn bắt con quỳ trước ngõ với tấm bảng “Tôi học dốt”, “Tôi nói dối” cho thiên hạ qua lại chỉ trỏ, xầm xì.

Và trong thế giới công nghệ này, hành động hạ nhục con cái càng đáng sợ hơn. Chỉ vài cú kích chuột là trăm nghìn hình ảnh con trẻ bị bêu xấu đã lan truyền, bỏ xa tốc độ của “miệng lưỡi”.

Những hình phạt đáng sợ giữa chốn đông người, những lời xỉ mắng trong cơn giận dữ không chỉ khiến con trẻ phải “đau”, phải “tởn tới già” trong thời điểm ấy. Mà bằng chính cách “xử trảm” con ở nơi công cộng ấy, lòng tự trọng của một đứa trẻ sẽ vỡ vụn, sự tự chủ của một đứa trẻ sẽ trở nên còi cọc và những khái niệm như “chính kiến”, “lạc quan”, “tự tin” sẽ rất khó đâm chồi tươi tốt trong tâm hồn bị tổn thương bởi lời mạt sát, hành động hạ nhục nơi công cộng.

Trong khi ở nhiều nước phát triển, bất kỳ hành động nào của mẹ cha làm tổn thương thân thể, tinh thần con trẻ đều phải chịu sự ràng buộc của pháp luật thì chúng ta vẫn còn khư khư giữ quan niệm “áo mặc không qua khỏi đầu”, “thương cho roi cho vọt”, “những nơi cay đắng là nơi thật thà” ư?

 

THANH NGUYỄN (Thừa Thiên – Huế)