Người nước ngoài phát sợ thấy cha mẹ Việt vừa đút cơm, vừa cho con xem iPad
Chuyên gia Wilfriend Gontran chia sẻ hình ảnh đập vào tâm trí ông khi đến Việt Nam khiến ông thấy sợ là phụ huynh đưa điện thoại, iPad cho con và cứ thế đưa thức ăn vào miệng trẻ.
Người nước ngoài phát sợ thấy cha mẹ Việt vừa đút cơm, vừa cho con xem iPad
Chuyên gia Wilfriend Gontran chia sẻ hình ảnh đập vào tâm trí ông khi đến Việt Nam khiến ông thấy sợ là phụ huynh đưa điện thoại, iPad cho con và cứ thế đưa thức ăn vào miệng trẻ.
Ngồi trong quán cà phê, những người trẻ càng ngày càng ít trò chuyện với nhau. Thay vào đó họ chăm chú vào màn hình điện thoại – ẢNH: NAM TRẦN
Trong thời gian ở Việt Nam, chuyên gia Wilfriend Gontran – nhà phân tâm học, nhà tâm lý học, giảng viên dạy tâm lý học tại Trường ĐH Toulouse Jean-Jaurès (Pháp) và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), thành viên tổ chức ADEPASE (Hiệp hội Phát triển giáo dục học và tâm lý học ở Đông Nam Á) – có buổi trò chuyện với các bạn trẻ, phụ huynh Hà Nội về câu chuyện Giới trẻ và hiện thực ảo – Sự ham mê các loại màn hình.
Một bà mẹ có đứa con 6 tuổi, cũng là cô giáo, chia sẻ những khó khăn của cha mẹ trong việc quản lý con sử dụng điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử. Cũng vậy, bà Mai ở Hà Nội kể bà có đứa cháu 11 tuổi đang học trường quốc tế ham mê điện thoại, iPad bất kể trong thời gian học hay thời gian rảnh rỗi…
“Trẻ dưới 3 tuổi bị cuốn hút mạnh bởi hình ảnh. Đưa điện thoại cho con ở giai đoạn này đồng nghĩa việc bạn chấp nhận khi con bước sang tuổi vị thành niên không tránh khỏi được màn hình. Bạn đang “ru ngủ” con chứ không phải cho con ăn” – ông Gontran nói.
Ông đánh giá những đứa trẻ từ 0-5 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử sớm thường gặp nhiều vấn đề tâm lý hơn các trẻ sau 10 tuổi tiếp xúc các thiết bị này. Ông chỉ ra những nguy hiểm khi trẻ ngồi sau màn hình điện thoại như: bỏ lỡ cơ hội làm những điều khác, lười gặp gỡ, trò chuyện ngoài đời thực, né tránh, sợ hãi khi đối mặt với nguy hiểm ngoài đời thực.
Tuy nhiên thực tế hiện nay là trẻ đã ham mê với các thiết bị điện tử, làm cách nào giúp con rời xa “màn hình”? Theo ông Wilfriend Gontran, đừng lấy lý do quá bận để biện minh. Nếu bận, cha mẹ hãy tìm đến sự trợ giúp của người thân trong gia đình, không được để con một mình vì hậu quả sẽ rất lớn.
“Không cấm đoán con, nhưng làm sao để hạn chế? Quan trọng là trong thời gian hạn chế con sử dụng điện thoại, tivi…, phụ huynh cần chuyển hướng con sang việc khác, hướng quan tâm của trẻ để con bước ra thế giới bên ngoài.
Bạn có thể cùng con đi dạo, đùa giỡn, thậm chí “xung đột” với trẻ, đừng quên đôi khi những đứa trẻ lại thích “xung đột” – ông Gontran nói.
Nguyên tắc vàng 3-6-9-12
Tại chương trình, nguyên tắc sử dụng thiết bị điện tử của bác sĩ tâm thần người Pháp Serge Tisseron được đưa ra. Theo đó:
– Dưới 3 tuổi: Cùng chơi với trẻ là cách tốt nhất thúc đẩy sự phát triển của trẻ.
– Từ 3-6 tuổi: Thiết lập thời gian sử dụng thiết bị điện tử.
– Từ 6-12 tuổi: Đề ra nguyên tắc sử dụng thiết bị di động, trao đổi với trẻ nên sử dụng thiết bị điện tử như thế nào.
– Từ 9-12 tuổi: Trao đổi với trẻ về thời gian sử dụng điện thoại thông minh.
– Sau 12 tuổi: Trẻ có thể sử dụng Internet một mình nhưng bố mẹ nên giới hạn thời gian.