11/01/2025

Giành lại sự sống cho những đứa trẻ vô tội

Những đứa trẻ mới vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị vùi sâu dưới huyệt mộ. Nhiều người dù rất thương những đứa trẻ vô tội nhưng cũng không dám chống lại lệ làng, chống lại tập tục của cha ông.

 

Giành lại sự sống cho những đứa trẻ vô tội

Những đứa trẻ mới vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị vùi sâu dưới huyệt mộ. Nhiều người dù rất thương những đứa trẻ vô tội nhưng cũng không dám chống lại lệ làng, chống lại tập tục của cha ông.
 
 
 
Bà Huỳnh chuẩn bị bữa cơm trưa cho Thương
 /// Ảnh: Đức Nhật

Bà Huỳnh chuẩn bị bữa cơm trưa cho Thương  ẢNH: ĐỨC NHẬT

 
Dưới chân núi Tung Ke (xã Ayun, H.Chư Sê, Gia Lai) có một người mẹ dám đứng lên chống lại những hủ tục ám ảnh lâu đời, giành lấy sự sống cho những đứa trẻ vô tội.

Những đứa trẻ bị chối bỏ

 
 
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch xã Ayun, cho biết: “Bà Huỳnh trước đây là cán bộ phụ nữ của xã, hoạt động rất năng nổ. Bà đóng vai trò rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con tại địa phương bước qua hủ tục. Việc cứu sống, nhận nuôi những cháu bé của bà Huỳnh là một nghĩa cử cao đẹp cần được tuyên dương. Đến nay hủ tục chôn con theo mẹ đã hoàn toàn được xóa bỏ. Đây là một trong những nỗ lực không nhỏ của người dân và chính quyền địa phương”. 
 

Chúng tôi đến thăm bà Đinh Nay Huỳnh (59 tuổi, làng Tung Ke) vào một ngày tháng 3 nắng như đổ lửa. Nghe có người hỏi thăm, bà Huỳnh lật đật chạy từ phía cuối vườn lên mở cửa đón khách. Chẳng ai nghĩ rằng người đàn bà đã U.60 ấy lại đang là mẹ của mấy đứa trẻ con. Khó tưởng tượng hơn nữa là chuyện bà dám chống lại hủ tục để cứu mạng 3 đứa trẻ bị chối bỏ vì hủ tục.

Từ xa xưa người Bana quan niệm rằng người mẹ nào qua đời khi vừa sinh con là điều xui xẻo. Đứa trẻ sinh ra nếu còn sống thì hồn ma của người mẹ sẽ không siêu thoát. Những đứa trẻ ấy sẽ mang vận xui đến cho cả làng, yàng sẽ phạt tội lũ làng. Vì vậy, đứa trẻ phải chết theo mẹ càng sớm càng tốt. Lúc ấy, linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát, người sống cũng khỏi bận lòng. Những đứa trẻ đáng thương ấy sẽ bị xử tội chết, bằng cách để đói khát, sau đó mang đi chôn cùng với người mẹ.
 
Bên cạnh đó, những cô gái nào có thai trước hôn nhân sẽ phải tự tay bóp chết đứa con mình vừa sinh ra. Nếu người mẹ không thể giết con thì anh em dòng họ của cô sẽ… giúp một tay. Người Bana quan niệm những đứa trẻ không cha sinh ra cũng là điềm gở, mang xui xẻo đến cho chính bản thân người mẹ và người dân trong làng. Hơn nữa, nếu người mẹ cố tình nuôi đứa con không cha này thì sẽ không có người đàn ông nào dám lấy cô làm vợ nữa.
 
Những người phụ nữ đã chết chồng nhưng lại có thai với người khác cũng chịu chung số phận như vậy. Theo lệ làng, đứa trẻ này sẽ bị xử tội chết. Những người họ hàng, thân thích nhà chồng sẽ kéo nhau đến chứng kiến cảnh xử tử đứa trẻ tội nghiệp.

Đạp lên hủ tục

Từ nhỏ, cũng như lũ làng, bà Huỳnh đã nhiều lần phải chứng kiến những đám tang kép như vậy. Những đứa trẻ mới vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị vùi sâu dưới huyệt mộ. Nhiều người dù rất thương những sinh linh vô tội nhưng cũng không dám chống lại lệ làng, chống lại tập tục của cha ông.
Giành lại sự sống cho những đứa trẻ vô tội - ảnh 1
Thương luôn được bảo bọc, chở che trong vòng tay của người mẹ già nhân hậu

 
Năm 2001, lúc bấy giờ bà Huỳnh đang là giáo viên tiểu học tại làng Kpái, xã Ayun. Khi nghe dân làng bắt chị Đinh N. phải giết chết con mình, cô giáo Huỳnh đã theo chân lũ làng đến xem sự tình. Nhưng khi đến nơi, đứa trẻ đã bị bóp chết từ lúc nào.
 
“N. nó chưa có chồng mà, nhưng yêu người ta rồi có thai. Anh em dòng họ bắt nó giết đứa con. N. thương con lắm nên không chịu. Vậy rồi cả dòng họ thay nhau lấy đá đánh chết đứa nhỏ. Sáng hôm sau mình mới nghe chuyện nên đến xem thế nào thì chỉ thấy đứa bé bị bỏ vào bao tải rồi đem đi chôn. Nhìn đau lắm, thương lắm nhưng biết làm sao được”, bà Huỳnh nhớ lại.
 
Vụ xử tử đứa trẻ mới lọt lòng cứ ám ảnh bà Huỳnh mãi. Bà bảo rằng: “Cứ nhắm mắt đi ngủ mình lại thấy dòng máu nơi khóe miệng đứa bé tuôn ra, không tài nào chợp mắt. Nó cứ ám ảnh mình mãi không thôi”. Thế rồi bà quyết tâm sẽ không để một đứa trẻ nào phải chết oan nữa. Phải chống lại luật tục để cứu những đứa trẻ.
 
Nghĩ là làm, bà Huỳnh báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương. Cũng từ đó, bà liên tục cùng cán bộ xã xuống các làng bản vận động bà con. Một thời gian sau bà được bầu làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã.
 
Cho đến một đêm đầu hạ năm 2005, vị cán bộ thôn Tung Ke thông báo cho bà Huỳnh rằng tại nhà chị Đinh Sang sắp có một vụ xử tử trẻ sơ sinh. Vừa nghe xong tin báo, suy nghĩ lớn nhất trong đầu bà là phải cứu đứa trẻ tội nghiệp này.
 
Vậy rồi bà theo chân cán bộ thôn đến nơi đã trình báo. Trước mặt bà Huỳnh là một người phụ nữ đang quỳ dưới đất, hai tay níu vào bậu cửa rặn đẻ. Xung quanh là hàng chục người đang cầm gậy gộc sẵn sàng xuống tay. Mãi sau đó, khi hỏi thăm mọi người, bà Huỳnh mới biết chị Đinh Sang đã từng có chồng. Nhưng 2 năm trước người chồng đã mất vì bạo bệnh. Bỗng dưng đến nay chị có thai rồi sinh con. Không chấp nhận kẻ không cùng huyết thống, cả dòng họ nhà chồng đến đây để xử tử đứa bé.
 
“Bên nhà chồng cầm gậy đứng chờ đứa trẻ ra đời là đập thôi. Trong làng không có ai dám vào đỡ đẻ hết. Vậy là mình lao vào luôn. Lúc này mình cũng có tiếng nói, uy tín vì là cán bộ xã mà”, bà Huỳnh nhớ lại.
 
Khi đứa trẻ vừa ra khỏi bụng mẹ, bà Huỳnh dùng kéo cắt dây rốn, cởi áo quấn lấy đứa bé rồi vội vàng chạy đến trạm y tế xã. Ở phía sau hàng chục người phẫn nộ dùng gậy gộc vụt tới tấp vào lưng bà Huỳnh. Khi đứa trẻ được trao đến tay cán bộ trạm y tế xã cũng là lúc bà ngất lịm. Sau đó, bà Huỳnh đã nhận đứa bé làm con nuôi và đặt tên là Đ.H.P.

Bà mẹ U.60

Đến một ngày đầu năm 2012, chị Đinh Hem (sát bên nhà bà Huỳnh) lên rẫy thăm lúa rồi bị nhiễm độc thuốc trừ cỏ. Mãi đến tối, người chồng không thấy chị về nên đi tìm. Thấy chị bất tỉnh, cả nhà mới đưa về chuẩn bị hậu sự.
 
Nghe tin dữ, bà Huỳnh vội chạy sang chia buồn. Bà cầm tay chị Hem thì thấy người chị vẫn còn ấm, bụng đạp dữ dội. Bà hỏi gia đình thì được biết chị đang mang thai ở tháng thứ 7. Bà Huỳnh liền hét toáng lên: “Con Hem còn sống mà! Đứa nhỏ vẫn còn sống!”. Sau đó chẳng kịp giải thích, bà Huỳnh cõng chị Hem chạy một mạch tới trạm xá. Tại đây, các bác sĩ đã sơ cứu cho chị Hem đồng thời gọi điện cho xe cấp cứu, chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. Đến 10 giờ ngày 22.4.2012, sau mọi nỗ lực của các bác sĩ, đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời.
 
“Nó sinh ra chỉ bé bằng con chuột thôi, nên mình định đặt tên nó là Đinh Kne (con chuột rừng). Được vài tiếng sau thì Hem chết. Gia đình Hem muốn đưa đứa bé về chôn chung với mẹ… Mình sợ đứa trẻ này lại phải chết oan nên ôm chặt lấy nó suốt 3 ngày 3 đêm trong phòng hậu sản không rời một bước. Thấy mình nhịn đói, nhiều phụ sản cũng san sẻ đồ ăn và cho cháu bú nhờ. Lúc ấy, có cô y tá nhìn mặt mình rồi gắt: “Đã già thế này rồi còn đẻ cố làm gì”. Nghe xong mình chỉ biết cười trừ”, bà Huỳnh kể.
 
Sau đó, bà Huỳnh vội làm các thủ tục rồi bế cháu bé về nhà trong đêm, đóng kín cửa không ra ngoài. Sau đó vài ngày, bà đến UBND xã làm giấy khai sinh, nhận cháu làm con nuôi. Rồi đặt tên đứa trẻ tội nghiệp là Đinh Nay Thương với mong muốn mọi người sẽ thương yêu và không làm hại nó nữa.
 
Cuối năm 2012, qua công tác phụ nữ tại địa phương, bà Huỳnh biết được hoàn cảnh của chị Đinh Bách. Dù đã lớn tuổi nhưng chị Bách không có chồng. Vì khao khát có đứa con bầu bạn nên chị đã tìm đến một vài người đàn ông trong làng để xin con. Điều này đã vô tình đụng đến luật tục của cha ông. Khi biết chị có mang, tất cả dân làng đều gây sức ép khiến chị phải phá thai.
 
Biết chuyện, bà Huỳnh liền về địa phương vận động người dân cũng như làm công tác tư tưởng cho chị Bách. Sau nhiều lần, lũ làng cũng nghe theo và không còn ý định bắt Bách phá thai nữa. Cuối cùng đứa trẻ cũng được sinh ra và nhận bà Huỳnh làm mẹ đỡ đầu.
 
Câu chuyện của bà Huỳnh vừa kết thúc cũng là lúc bé Thương tan trường về. Đứa trẻ vừa xà vào lòng mẹ đã khoe tíu tít rộn cả nhà: “Hôm nay con đi học được bạn cho một gói mì tôm. Mẹ xem này, con tặng lại mẹ”. Nói xong, cô bé Thương lôi trong cặp ra một gói mì.
 
 
ĐỨC NHẬT