Giằng co chết trộm, có bị xử lý hành vi làm chết người?
Trong vụ giằng co làm chết trộm, chồng chị Hằng và Nguyễn Thành Trung đã chết. Nhiều người thắc mắc: không rõ chị Hằng có bị xử lý về hành vi làm chết người hay không? Có vướng tù tội vì “quá tay” hay không?
Giằng co chết trộm, có bị xử lý hành vi làm chết người?
Trong vụ giằng co làm chết trộm, chồng chị Hằng và Nguyễn Thành Trung đã chết. Nhiều người thắc mắc: không rõ chị Hằng có bị xử lý về hành vi làm chết người hay không? Có vướng tù tội vì “quá tay” hay không?
Đám tang nghi phạm Nguyễn Thành Trung, người bị chị Hằng chém trúng trong lúc chạy thoát thân – Ảnh: MINH HOÀNG
Khi bị trộm đột nhập vào nhà, nếu chủ nhà không bình tĩnh xử lý sẽ dễ vướng vào tù tội vì xử lý tên trộm ‘quá tay’..
Công an huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đang xem xét có khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chị Nguyễn Thúy Hằng (31 tuổi, ngụ ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành) hay không.
Theo lời khai ban đầu của chị Hằng, rạng sáng 11-3, khi nghe tiếng kêu và tiếng va chạm rất mạnh trong nhà, chị dậy thì phát hiện kẻ trộm là người hàng xóm tên Nguyễn Thành Trung đã đâm chồng chị nằm gục dưới nền nhà.
Khi chị ẵm đứa con 1 tuổi bỏ chạy thì Trung đuổi theo và dùng hung khí chém vào người chị. Lúc này chị chụp được con dao chém thẳng ra phía sau khiến Trung gục xuống sàn nhà. Sau đó chị chạy ra cửa kêu cứu rồi bất tỉnh.
Xử lý ra sao?
Hiện nay chồng chị Hằng và Nguyễn Thành Trung đều đã tử vong. Nhiều người thắc mắc không rõ chị Hằng có bị xử lý về hành vi làm chết người hay không?
Luật gia Nguyễn Thanh Lương (Hội luật gia quận 9, TP.HCM) cho biết trong vụ án này, chị Hằng có thể được xem xét miễn khởi tố vì đây là trường hợp giết người do phòng vệ chính đáng.
Theo luật gia Lương, nếu đúng như lời chị Hằng khai thì Nguyễn Thành Trung đã có hành vi đâm chết chồng chị. Nếu còn sống, Trung cũng sẽ bị khởi tố về hành vi giết người. Trong trường hợp bị tấn công nguy hiểm, nếu chị Hằng không tự vệ sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của mình và con. Việc chị Hằng cầm dao đâm Trung là để phòng vệ. Hành vi này xuất phát từ phần lớn lỗi của nạn nhân.
“Khi có án mạng, công an sẽ khởi tố vụ án. Tuy nhiên căn cứ vào lời khai của chị Hằng, công an sẽ xác định có khởi tố bị can hay không. Trường hợp này theo tôi là không khởi tố vì không có dấu hiệu tội phạm” – luật gia Lương cho biết.
Nhiều vụ trộm chết, chủ nhà vào tù
Thực tế có nhiều vụ án mạng đáng tiếc xảy ra vì chủ nhà vô tình làm chết kẻ trộm. Vào tháng 11-2017, ông Lê Minh Phương (ngụ quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) phát hiện trộm đột nhập vào tiệm tạp hóa của mình. Trước đó do nhiều lần bị mất trộm hàng nên ông Phương bực tức dùng thanh kiếm chém nhiều nhát khiến tên trộm ngã gục. Kết quả, tên trộm bị tổn hại 61% sức khỏe, riêng ông Phương bị khởi tố về tội giết người.
Cũng trong năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Ánh (63 tuổi, ngụ P.Ninh Sơn, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) lãnh án về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Lý do, khi phát hiện hai thanh niên vào trộm gà, ông Ánh dùng dao đâm khiến hai tên trộm bị thương.
Lúc đầu, hành vi của ông Ánh bị Công an TP Tây Ninh khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên sau khi xem xét, cơ quan điều tra đã chuyển đổi tội danh đối với ông Ánh sang tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với mức hình phạt nhẹ hơn.
Năm 2018, Lê Văn Hòa và Nguyễn Văn B. (ngụ huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đã rủ nhau đi ăn trộm chó của người dân xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên. Khi cả hai dùng súng bắn điện trộm được 4 con chó thì bị người dân phát hiện, truy đuổi. Do lo sợ bị bắt nên Hòa và B. đã chống trả quyết liệt.
Trong lúc giằng co, hai người dân trong làng là Nguyễn Văn Thức và Hoàng Văn Tặng đã đâm chết B. tại chỗ. Hậu quả, cả hai đều bị khởi tố, xét xử về hành vi giết người với mức án là 7 và 6 năm tù. Riêng tên trộm còn sống cũng phải lãnh 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Đừng quá tay cho hả giận
Nếu phát hiện kẻ trộm đột nhập vào nhà, chủ nhà nên làm thế nào để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra? Khó có lời khuyên nào chính xác bởi tùy hoàn cảnh mà mỗi người sẽ có cách xử trí khác nhau.
Luật gia Nguyễn Thanh Lương đưa ra cảnh báo: “Dù trong hoàn cảnh nào chủ nhà cũng cần thượng tôn pháp luật. Người dân cần phòng vệ chính đáng nhưng nếu vượt qua sự phòng vệ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng cần lưu ý tránh trường hợp quá tay cho hả giận hoặc bõ tức”.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết hiện nay quy định của pháp luật về cơ chế bảo vệ người bắt trộm có nhiều bất cập.
“Mình là chủ nhà, khi phát hiện tên trộm đột nhập thì ý thức bảo vệ bản thân, tài sản rất cao, vì vậy hành vi thường dễ mất kiểm soát. Tuy nhiên, nếu mình đánh tên trộm sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, nếu không may tên trộm chết thì chủ nhà bị xử lý về tội giết người.
Vì vậy, khi phát hiện có trộm vào nhà, nếu thấy trộm có hành vi hung hãn thì nên nằm im, giả vờ như không thấy gì. Khi có đường thoát thân mới nên hô hoán hoặc chống trả lại. Bởi trộm khi cùng đường rất dễ manh động tấn công lại chủ để thoát thân”.
Thế nào là phòng vệ chính đáng?
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, hành vi tấn công của tên trộm và hành vi tự vệ của chủ nhà phải diễn ra song song thì chủ nhà mới được coi là phòng vệ chính đáng và không bị xử lý nếu làm tên trộm bị thương. Ngược lại, hành vi của tên trộm đã kết thúc nhưng chủ nhà vẫn tấn công, tức vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì có thể bị xử lý hình sự.