Giảm lãi suất cho vay tiêu thụ lúa xuống mức thấp nhất
Lần đầu tiên một hội nghị về tiêu thụ lúa có sự đồng chủ trì của thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bộ trưởng Bộ NN&PTNT và một lãnh đạo Bộ Công thương.
Giảm lãi suất cho vay tiêu thụ lúa xuống mức thấp nhất
Lần đầu tiên một hội nghị về tiêu thụ lúa có sự đồng chủ trì của thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bộ trưởng Bộ NN&PTNT và một lãnh đạo Bộ Công thương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết như vậy tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL ở Đồng Tháp ngày 26-2.
Các tỉnh muốn có giải pháp lâu dài
Được mời phát biểu đầu tiên, ông Lê Tiến Châu – chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – bày tỏ tự hào về thành tựu của ngành lúa gạo VN, nhưng “rất băn khoăn, trăn trở vì sao Chính phủ, bộ ngành liên tục phải có hội nghị để giải cứu thế này, cần có cách làm căn cơ hơn trong thời gian tới”.
Ông Trần Văn Chuyện, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cũng nêu băn khoăn vì sao ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước nhưng ai cũng biết dân ở đây… “khổ” nhất. Ông nhận định “phản ứng của Nhà nước như năm nay là rất tốt, nhưng cần có chính sách căn cơ lâu dài, chứ không thể hết giải cứu tôm rồi tới củ hành, heo, lúa, cá”. Còn giải pháp lâu dài là gì, ông Chuyện nói “phải liên kết lại, chứ như thế này thì rất khó khăn”…
“Phải thoát khỏi lời nguyền”…
Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cũng cho rằng nên xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với một ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân. Để không tiếp tục bị “giải cứu”, để nông dân không còn “ngồi trên đống lửa”, cần một chương trình hành động cụ thể, liên tục, kiên trì để thoát khỏi “lời nguyền” chi phí cao, chất lượng kém. Mà để làm được như vậy thì không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện và hợp tác xã là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo ông Phạm Thái Bình – giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, mô hình cánh đồng mẫu lớn theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân hiện chỉ chiếm khoảng 100.000ha trong tổng số 2 triệu ha. “Đề nghị bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem đã có mô hình cụ thể rồi, và mô hình này cũng thể hiện bằng nghị định 98/2018 của Chính phủ rồi thì nó vướng chỗ nào? Nếu chúng ta không làm mô hình này được, tôi cam kết không bao giờ VN thôi giải cứu lúa gạo” – ông Bình quả quyết.
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thông báo đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm mức lãi suất cho vay tiêu thụ lúa đông xuân xuống mức thấp nhất là 6%/năm.
Vấn đề tiêu thụ lúa làm sao tới tay nông dân cũng được các đại biểu gửi gắm tại hội nghị. Ông Lê Tiến Châu đề nghị phân bổ chỉ tiêu mua lúa tại các tỉnh thành. Bộ Công thương cần
tiếp tục đàm phán với các thị trường truyền thống và tìm thị trường mới.
Kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay thời gian tới sẽ giảm diện tích sản xuất lúa trong 4 triệu ha. Hiện việc này đang tập trung nghiên cứu, đánh giá để báo cáo cấp có thẩm quyền. Về liên kết, ông Cường dẫn ngành cá tra có 80% đã liên kết, ngành lúa đặc thù diện tích nhỏ lẻ, dù khó khăn nhưng cũng phải tính tới.
Ông Trần Quốc Khánh (thứ trưởng Bộ Công thương):
“Đừng chạy theo số lượng”
Mùa nào, năm nào cũng đề nghị cấp vốn ưu đãi không được mà cần giải quyết câu chuyện lớn hơn là nâng cao thu nhập cho người dân ĐBSCL. Nếu tổng sản lượng dành cho xuất khẩu dao động khoảng 5 triệu tấn, việc tiêu thụ sẽ ổn định hơn nhiều. Nếu bằng 6,1 triệu tấn của năm ngoái là cả vấn đề lớn. Đừng chạy theo số lượng. Hãy cố gắng xuất khẩu ở số lượng mà mình có thể kiểm soát được chất lượng.