Để xuất khẩu cá tra ai cũng vui
Sau năm 2018 “thành công rực rỡ” khi sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra đều đạt kỷ lục chưa từng có, vấn đề là làm sao để tiếp tục phát triển.
Để xuất khẩu cá tra ai cũng vui
Sau năm 2018 “thành công rực rỡ” khi sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra đều đạt kỷ lục chưa từng có, vấn đề là làm sao để tiếp tục phát triển.Xuất khẩu cá tra hướng đến mục tiêu cao hơn sau khi năm 2018 xuất khẩu 1,4 triệu tấn, trị giá 2,3 tỉ USD – Ảnh: Chí Quốc
Ngày 18-2, tại tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị tìm kiếm giải pháp “giữ đỉnh” trong năm 2019 và đưa mục tiêu sản lượng 1,5 triệu tấn cá tra, vượt kỷ lục cũ.
Một năm “ai cũng cười”
Ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã nói như vậy và phân tích VN đang có nhiều cơ hội từ các thị trường khi kim ngạch xuất sang Hong Kong, Trung Quốc đạt hơn 500 triệu USD và Mỹ hơn 550 triệu USD.
Sắp tới đây nếu Trung Quốc kiểm soát chặt hơn nguồn lợi trong nước thì năm 2019 sẽ tươi sáng hơn cho ngành cá tra VN.
Có tình trạng bùng phát nuôi cá tra thương phẩm ở các tỉnh không có trong quy hoạch nuôi cá tra. Nếu chúng ta không kiểm soát, ngày nào đó cung vượt cầu thì vàng cũng phải ế.
Ông Trần Anh Thư
Hiện giá trị và lợi nhuận của hộ nuôi cá tra ở mức không quá cao cũng không quá thấp.
Giá thành dao động từ 22.000 đến 24.000 đồng/kg và giá bán có lúc cao đến 36.000 đồng/kg, và nếu giữ được mức này thì tất cả từ hộ nuôi, doanh nghiệp, nhà xuất khẩu đến người tiêu dùng sẽ… cùng cười, vì vậy cần có biện pháp để giữ được sự ổn định này.
Ông Doãn Tới, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Việt, nhận định: “Chưa có năm nào nghề cá tra có doanh số kỷ lục như năm qua. Giá bán cá tra của VN trong suốt 20 năm qua cho thị trường Mỹ chưa khi nào đạt mức 5-7 USD/kg”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng thành công của ngành cá tra năm qua là sự kế thừa, tích lũy, chọn lọc, thậm chí từ những bài học phải trả giá trong quá trình phát triển 20 năm qua.
Ngoài ra là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của 3 khu vực nhà nước, doanh nghiệp và người dân đồng hành.
Ông nói rõ về sự quyết liệt của khu vực nhà nước khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia, đấu tranh thị trường.
Trực tiếp Thủ tướng khi làm việc tại Mỹ cũng đưa vấn đề này ra, rồi tất cả các bộ cũng vào cuộc mạnh mẽ…
Lại lo vỡ trận
Tuy được cho là “thành công rực rỡ”, nhưng theo các đại biểu, không phải không có những thách thức cho ngành hàng cá tra trong thời gian tới.
Trong đó, các chuyên gia và nhà quản lý lo lắng nhất là câu chuyện giá cá ở mức cao khiến bùng phát nuôi cá tra đến mức “vỡ trận”.
Ông Trần Anh Thư cảnh báo tình trạng bùng phát nuôi cá tra thương phẩm ở các tỉnh không có trong quy hoạch nuôi cá tra.
Ông Thư cho rằng quan trọng là chính quyền có muốn vậy không, hay là âm thầm cho phép dân tự chuyển đổi.
Thứ hai là trong khi hướng tới quy trình giống theo quy chuẩn nhưng vẫn tồn tại cơ sở sản xuất giống không theo quy chuẩn, kém chất lượng.
Ngoài ra, ông Thư cũng cảnh báo về thị trường dù đang gặp rất nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như đã xảy ra với lúa gạo, thanh long khi Trung Quốc ngưng các hợp đồng.
Vì vậy, ông Thư khuyến cáo các tỉnh có nuôi cá tra cần đa dạng hóa. Diện tích nông nghiệp còn lại cần triển khai các mô hình nuôi cá thát lát, lươn, cá lóc… Riêng ngành cá tra cũng cần đa dạng hóa sản phẩm như làm dầu ăn và các sản phẩm khác.
Ông Lê Minh Hoan – bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – nhấn mạnh sau một thời gian khó khăn trước đây, những doanh nghiệp làm ăn bát nháo đều bị loại, để những doanh nghiệp còn lại như hiện nay có quyết tâm cao hơn nữa.
Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp còn đưa ra những thông tin khác nhau khiến bức tranh chung về ngành hàng này không rõ ràng.
“Chúng ta thành công như vừa qua có lý do có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp. Vì vậy cần tiếp tục liên kết lại” – ông Hoan nói.
Dứt khoát không để nuôi tràn lan
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định năm 2019 cơ bản có nền tảng tốt từ năm 2018 và thêm vào đó thị trường đang được mở rộng.
Tuy nhiên, ông Cường yêu cầu không được ngủ quên trên chiến thắng khi năm 2019, dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm so với năm ngoái bởi một loạt vấn đề địa chính trị, địa thương mại và các vấn đề tiềm ẩn rủi ro khác.
Nếu kinh tế không tăng trưởng bằng năm ngoái sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, trong đó có cá tra.
Sau 3 năm liên tục tăng trưởng “ai cũng lãi, ai cũng thắng”, theo quy luật khi diện tích mở rộng, cộng với biến đổi khí hậu, nguy cơ bệnh tật của cá tra là rất lớn, vì vậy ông Cường yêu cầu chính quyền các địa phương ở ĐBSCL phải quản lý thật chặt.
Dứt khoát phải kiểm soát được quy hoạch, không để xảy ra tình trạng nuôi tràn lan như trước đây.
Các doanh nghiệp cần tập trung ứng dụng công nghệ mới nhất vào tất cả các khâu, các công đoạn của ngành hàng cá tra, kể cả ở khâu thương mại.
Về hướng phát triển bền vững, ông Cường nói theo báo cáo hiện 80% hộ nuôi đã liên kết, còn 20% cần rà lại và vận động liên kết, không để dân nuôi tự phát.
“Trách nhiệm này là của chúng ta, không chỉ là của người dân” – ông Cường lưu ý lãnh đạo các địa phương.
“Thành công rực rỡ”
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, 2018 là năm sản lượng cá tra đạt 1,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỉ USD – mức chưa từng có trong lịch sử. Tiếp “đà thắng lợi” này, Bộ NN&PTNT đặt ra chỉ tiêu: năm 2020 cá tra đạt sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch trên 2,4 tỉ USD.
Ông Võ Hùng Dũng (phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN):
Có lên sẽ có xuống, lo môi trường
Bất cứ chu kỳ nào cũng có lúc lên rồi sẽ xuống trở lại, đây là điều rất bình thường. Vì vậy, sắp tới sản lượng duy trì ở mức nào, có cần kìm sản lượng để bán được giá cao?
Thời gian tới nếu Trung Quốc không sản xuất được cá tra thì nhu cầu vô biên của họ sẽ làm cho ngành cá tra VN phát triển ở mức mất cân bằng, nhưng một thời gian ngắn sẽ gây áp lực về chất thải và môi trường.