Thêm trường hợp rắc rối vì mua nhà đang cho thuê
Dù mua nhà đúng thủ tục, xem thực tế căn nhà, nhưng sau gần 2 năm, bên mua nhà vẫn không nhận được nhà lẫn tiền thuê nhà.
Thêm trường hợp rắc rối vì mua nhà đang cho thuê
Dù mua nhà đúng thủ tục, xem thực tế căn nhà, nhưng sau gần 2 năm, bên mua nhà vẫn không nhận được nhà lẫn tiền thuê nhà.
Ông Trần Trung Xô chưa nhận được căn nhà đã mua từ 2 năm trước ẢNH: QUANG NHẬT
Đòi bồi thường 550 triệu đồng mới giao nhà
Báo Thanh Niên số ra ngày 15.2 phản ánh trường hợp ông Trần Huy Hoàn Bảo (47 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) bỏ ra gần 11 tỉ đồng để mua một căn nhà tại Q.5 năm 2018 nhưng đến nay ông Bảo không nhận được nhà do vướng hợp đồng thuê nhà giữa chủ nhà cũ và bên thuê.
Chiều 15.2, bạn đọc là ông Trần Trung Xô (40 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) cũng đến Báo Thanh Niên phản ánh, năm 2017, ông Xô mua căn nhà trên đường Phước Thiện (P.Long Thạnh Mỹ, Q.9) với giá gần 3 tỉ đồng. Quá trình mua, ông xuống xem thực tế căn nhà, biết chủ nhà là bà Nguyễn Thị Ngọc Mai đang cho bà H.T.B.Th thuê mở cửa hiệu kinh doanh, thời hạn thuê đến năm 2020.
Bà Mai cũng cho ông Xô biết, bà Th. vi phạm hợp đồng thuê nhà khi chậm thanh toán tiền nhà liên tục trong 3 tháng liền. Trước khi bán nhà, bà Mai đã ra thông báo cho bà Th. biết trước ít nhất 3 tháng như thoả thuận trong hợp đồng thuê nhà. Ngày 13.7.2017, giữa bà Mai và ông Xô hoàn tất thủ tục mua bán, giấy chứng nhận nhà đất được cập nhật sang tên ông Xô.
Tuy nhiên, theo ông Xô, đến nay bên thuê nhà là bà Th. vẫn chưa trả nhà cho ông, bà Th. cũng không trả tiền thuê nhà. Bà Th. còn làm đơn khởi kiện ra TAND Q.9 về việc “tranh chấp hợp đồng thuê nhà” đối với chủ nhà cũ là bà Mai, trong đó bà Th. yêu cầu bà Mai bồi thường thiệt hại hơn 550 triệu đồng, do bà Mai tự ý ngưng hợp đồng trước thời hạn, bao gồm tiền đặt cọc thuê nhà 4 triệu đồng và các thiệt hại khác.
“Chưa dừng lại ở đây, khi vụ kiện trên chuẩn bị đưa ra xét xử thì tháng 8.2018, bà Th. lại khởi kiện bổ sung yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở… của tôi. Tôi không hiểu bà Th. dựa căn cứ nào để khởi kiện tôi, nhưng TAND Q.9 cũng thụ lý và chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền”, ông Xô bức xúc và cho biết thêm: “Ngay từ đầu, tôi chủ quan không khởi kiện yêu cầu bên thuê rời khỏi căn nhà bởi nghĩ rằng, tranh chấp giữa bà Mai và bà Th. sẽ được giải quyết nhanh, nhưng khi vụ án sắp được xét xử thì bà Th. lại tiếp tục khởi kiện nội dung khác nhưng tiền nhà bà Th. lại không thanh toán theo hợp đồng”.
Vì vậy, đầu tháng 1.2019, khi hồ sơ vụ án được chuyển lên TAND TP.HCM, ông Xô làm đơn phản tố, yêu cầu TAND TP.HCM giải quyết buộc bà Th. trả lại nhà và đất số 16A Phước Thiện; buộc bà Th. thanh toán tiền thuê nhà từ tháng 7.2017 đến thời điểm mà bà Th. bàn giao trả lại nhà theo bản án tuyên.
Ngày 16.2, trả lời với PV Thanh Niên qua điện thoại, bà Th. cho biết các sự việc tranh chấp của bà đang được TAND TP.HCM thụ lý, vì vậy dù là ai đi nữa cũng phải chờ tòa án giải quyết.
Nên có cơ chế giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, để lấy được nhà trong những trường hợp trên, chỉ có cách duy nhất là người sở hữu hợp pháp phải khởi kiện đòi lại nhà. Từ đó mới có cơ chế cưỡng chế khác đối với bên thuê, đồng thời cũng là bên phải thi hành án đối với bản án tuyên.
Tuy nhiên, từ trước đến nay nhiều người dân vẫn lo lắng về thời gian xảy ra tranh chấp kéo dài, có thể vài năm nên trong một số trường hợp, nhiều người đã phải sử dụng biện pháp khác, như thuê người vào phá khoá, tự dọn đồ bên thuê ra ngoài dẫn đến hệ lụy pháp lý khác không cần thiết.
Luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM) cho biết nếu đương sự xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản thì có thể gửi đơn yêu cầu thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn. Nhưng theo LS Hải, việc tòa giải quyết theo thủ tục này rất khó, vì từ trước đến nay chưa có tiền lệ. “Luật có quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại tòa án cấp sơ thẩm, rằng trong thời hạn không quá 1 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định. Nhưng vì luật không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên thẩm phán ngại áp dụng”, LS Hải nói.
LS Trần Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay: “Với những vụ kiện như thế này, khi giấy tờ nhà đã rõ ràng, thì việc bàn giao nhà là câu chuyện của toà án. Cần thiết TAND tối cao phải có quy định hướng dẫn, rằng những vụ việc tương tự như trên thì tòa án phải áp dụng thủ tục giải quyết vụ án rút gọn. Khi đương sự cung cấp được giấy tờ hợp pháp và họ có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc bên thuê giao nhà thì toà phải ra quyết định tố tụng liên quan đồng thời áp dụng thủ tục giải quyết vụ án rút gọn”.
Hiện nay, TAND tối cao có một số quy định riêng về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Chẳng hạn, điều kiện giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn; điều kiện thực hiện theo thủ tục rút gọn đối với giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá, khiếu nại, khởi kiện về hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, việc hủy kết quả đấu giá tài sản…
|
PHAN THƯƠNG