26/01/2025

Nguy cơ chiến tranh lạnh tái diễn

Kể từ khi khủng hoảng chính trị bùng nổ tại Venezuela, chính quyền Nga và Mỹ đã thể hiện những quan điểm tiếp cận vấn đề trái ngược, thậm chí xung đột nhau gay gắt.

 

Nguy cơ chiến tranh lạnh tái diễn

Kể từ khi khủng hoảng chính trị bùng nổ tại Venezuela, chính quyền Nga và Mỹ đã thể hiện những quan điểm tiếp cận vấn đề trái ngược, thậm chí xung đột nhau gay gắt.
 
 
 

Nguy cơ chiến tranh lạnh tái diễn - Ảnh 1.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp ở Venezuela năm 2014 – Ảnh: AFP

Những phát ngôn chính thức từ Matxcơva và Washington kể từ sau khi lãnh đạo phe đối lập, chủ tịch Quốc hội Venezuela, ông Juan Guaido, tự xưng là tổng thống lâm thời tại quốc gia Nam Mỹ, khiến giới quan sát thế giới có cảm tưởng dường như hai quốc gia này đang quay trở lại thế đối địch của giai đoạn chiến tranh lạnh trong quá khứ.

Chỉ có điều khác với tình thế của giai đoạn 1947-1991, bức tranh thế giới lúc này còn có thêm một thế lực mới – Trung Quốc. Và trong cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Venezuela, vai trò của Trung Quốc là yếu tố chi phối không nhỏ.

Thách thức học thuyết Monroe?

Trên thực tế, chỉ vài ngày trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton, không loại trừ khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela khi nói “mọi lựa chọn đã được đặt trên bàn”. 

Cũng chính ông Bolton là người công bố việc Mỹ sẽ đóng băng mọi nguồn thu nhập phát sinh từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela. Không chỉ thế, theo báo New York Times, chính quyền ông Trump cũng đã cho phép lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido được toàn quyền kiểm soát những nguồn tài chính bị họ đóng băng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhiều lần lặp lại cảnh báo Mỹ không được can thiệp quân sự vào Venezuela. Tháng 12-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh cho hai máy bay ném bom siêu âm tới Venezuela, một động thái rõ ràng mang tính thị uy và ngầm truyền đi thông điệp Matxcơva sẵn sàng hỗ trợ, bảo vệ cho chính quyền của tổng thống đương nhiệm Venezuela, ông Nicolas Maduro.

Tuy nhiên, không giống với Mỹ và Nga, Trung Quốc chọn một “giọng điệu” ôn hòa hơn khi nói tới tình thế khủng hoảng hiện nay của quốc gia Nam Mỹ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hối thúc những người ủng hộ của cả hai phe (phe của Tổng thống Maduro và phe của Chủ tịch Quốc hội Guaido) hãy kiềm chế những căng thẳng.

Trong một thời gian dài, Bắc Kinh đã dành sự ủng hộ rất lớn cho chính quyền Venezuela. Theo Đài DW (Đức), trong 10 năm qua, Bắc Kinh đã “đổ” vào quốc gia Nam Mỹ này hơn 60 tỉ USD nhằm hỗ trợ ông Maduro củng cố vị thế. Đài Đức cũng khẳng định không nước nào trên thế giới nhận nhiều khoản vay từ Trung Quốc như Venezuela. 

Trong 15 năm qua, có thể nói không quá khi cho rằng Venezuela là minh chứng tiêu biểu cho thấy Trung Quốc đã nâng tầm ảnh hưởng của họ tại châu Mỹ Latin lên mức đáng kể như thế nào.

Châu Mỹ Latin với khoảng 650 triệu dân sống tại 23 quốc gia từng được Mỹ coi như “sân sau” trong hơn 2 thế kỷ. Trở lại năm 1823, khi tổng thống Mỹ lúc đó là ông James Monroe công bố học thuyết Monroe với nhiều nội dung, trong đó bao gồm quy định các cường quốc châu Âu không được phép can thiệp hay thiết lập thuộc địa ở cả Bắc và Nam Mỹ. Nếu xảy ra những hành động như vậy, họ sẽ bị coi là xâm lược và theo đó sẽ đòi hỏi sự can thiệp của Mỹ. 

Nói cách khác, học thuyết Monroe dường như biến toàn bộ khu vực từ Mexico cho tới mũi cực nam của châu Mỹ Latin thuộc vùng ảnh hưởng độc quyền của Mỹ.

Ngày nay, chủ nghĩa bành trướng mới của Trung Quốc tại các nước châu Mỹ Latin được cho là đang thách thức học thuyết Monroe.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Mỹ Latin

Thoạt đầu Trung Quốc chỉ tính tới những cơ hội mở rộng tiếp cận trữ lượng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng tại châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, hiện tại toàn bộ khu vực này lại đang phụ thuộc vào việc xuất khẩu quặng sắt, đậu nành, đồng và dầu mỏ sang Trung Quốc. Trung Quốc đã đầu tư khoảng 150 tỉ USD vào khu vực này, con số vượt qua tổng mức đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi.

Các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc cũng đã tiến hành thâu tóm nhiều nhà máy, các mạng lưới phân phối và nhiều cảng biển tại châu Mỹ Latin. Người Trung Quốc cũng đã xây dựng các tuyến đường xe lửa và tạo ra các vùng tự do thương mại, trong đó có một nhánh Con đường tơ lụa mới ở châu Mỹ Latin, cũng như đầu tư cho các nền tảng hạ tầng sản xuất xe hơi và công nghệ số. Có tới 14 quốc gia đã ủng hộ hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

Các nước như Chile, Peru và Colombia (những nước đều có đường bờ biển thuộc Thái Bình Dương) đã cạnh tranh để giành vị thế là trung tâm hàng nhập khẩu Trung Quốc, theo đó không khó hiểu nếu họ sẵn sàng tùy chỉnh quan điểm chính trị để đạt được mục tiêu này.

Các nước như Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama năm ngoái đã cắt quan hệ ngoại giao với vùng lãnh thổ Đài Loan để thắt chặt hơn quan hệ với Trung Quốc. Để bày tỏ thái độ hoan nghênh việc này, Bắc Kinh đã phê duyệt 20 dự án hạ tầng lớn với Panama, một việc khiến Washington đương nhiên không hài lòng vì lâu nay Mỹ lệ thuộc vào kênh đào Panama để bảo đảm thế thống trị của họ trong khu vực.

Tân tổng thống theo quan điểm cánh tả của Mexico, ông Andres Manuel Lopez Obrador, cũng đã thể hiện quan điểm hoan nghênh hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

Quốc hội Mỹ phản đối can thiệp quân sự tại Venezuela

Ngày 13-2 (giờ Mỹ), các nghị sĩ Đảng Dân chủ cho biết Quốc hội Mỹ sẽ phản đối việc can thiệp quân sự tại Venezuela. Hãng tin Reuters dẫn lời chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hạ viện Mỹ, ông Eliot Engel, bày tỏ quan ngại sau khi Tổng thống Donald Trump bóng gió nói về một lựa chọn hành động quân sự tại quốc gia Nam Mỹ, đồng thời khẳng định Quốc hội sẽ không ủng hộ lựa chọn này.

 

D.KIM THOA