22/12/2024

Tự tin để trở thành những mảnh ghép xuân

Thế kỷ 21 là thế kỷ của từ ‘cộng tác’. Nếu ta làm đúng phận sự nhỏ xinh được giao cho mảnh ghép, ta trở thành một phần của tác phẩm vĩ đại cùng dệt nên thế giới sắc màu này.

Tự tin để trở thành những mảnh ghép xuân

 

Thế kỷ 21 là thế kỷ của từ ‘cộng tác’. Nếu ta làm đúng phận sự nhỏ xinh được giao cho mảnh ghép, ta trở thành một phần của tác phẩm vĩ đại cùng dệt nên thế giới sắc màu này.

 

Sự dũng cảm là nền tảng đầu tiên trong đời để làm được bất cứ chuyện gì, bắt đầu một thói quen mới, bắt đầu một lớp học mới, bắt đầu một công việc mới, bắt đầu một cuộc sống mới

 

Có một bạn trẻ đến gặp tôi trình bày dự án khởi nghiệp của mình. Tôi nói: “Dự án này không khả thi vì em chỉ có một mình”. Bạn chới với, giấc mơ bao năm không lẽ kết thúc bằng một câu rất ngắn và có phần tàn nhẫn ấy.

Ngoài kia chả có gì đáng sợ!

Ở thời khắc này của thế kỷ 21, thế kỷ 4.0, và thế giới của những vấn đề chồng chéo, phức tạp, không ai có thể tự mình, một mình giải quyết được vấn đề. Kiến thức của một người là có hạn. Góc nhìn của một người là phiến diện. 

Nguồn lực của một người chẳng đủ làm đòn bẩy để vươn xa. Ta sinh ra, đương nhiên đã là công dân toàn cầu, đương nhiên sẽ làm việc, đóng góp, hay kinh doanh quốc tế. Tư duy đó, đâu cần ai phải truyền cảm hứng mới có. Nó đã là quyền cơ bản của ta mà.

Có điều, khi đã là người của thế giới rồi, ta nên nghĩ, làm, hợp tác theo mô hình chung của tương lai và thế giới. Mô hình chung, là không có mô hình nào, không có cái khung nào, không có giới hạn nào. Nó là sự lắp ghép đầy tư duy và nghệ thuật giữa những mảnh ghép quyền lực lại với nhau. Mới nói, kinh tế của thế kỷ 21 là kinh tế sáng tạo. 

Đã là sáng tạo, thì đâu có đóng khung. Mới nói, kinh tế thế kỷ 21 là kinh tế chuyên môn hoá (expertise economy). Kinh tế chuyên môn hoá, thì hai, ba, bốn người có chuyên môn giỏi khác nhau, hợp nhất thành một đội vi diệu cùng làm. Một mình, ì ạch mãi, bao giờ mới đến vạch xuất phát thi thố cùng thế giới?

Bạn trẻ, sau khi nghe, xám xanh mày mặt, hỏi, “Vậy em phải làm sao?”. Tôi trả lời:

“Em đi tìm người có chuyên môn cụ thể như vậy, cùng triển khai với mình đi”. Bạn lại rụt rè: “Em biết phải tìm ở đâu và tìm làm sao chị?”.

Nếu ta còn không biết cách đi tìm cho mình mảnh ghép quyền lực để bắt đầu, chắc ta khỏi bắt đầu. Sự dũng cảm là nền tảng đầu tiên trong đời để làm được bất cứ chuyện gì, bắt đầu một thói quen mới, bắt đầu một lớp học mới, bắt đầu một công việc mới, bắt đầu một cuộc sống mới… 

Hôm trước, trong buổi gặp gỡ với thủ tướng Pháp Édouard Philippe tại TP.HCM, ông kể, ở Pháp, nhiều bạn trẻ tìm không ra việc làm, bị từ chối vài lần đã nản, bèn xông ra startup. “Nếu việc làm tìm còn không ra, sao tìm khách hàng cho doanh nghiệp của mình?”

Khi ta gởi vào vũ trụ một thông điệp, ắt sẽ có hồi âm. Và bạn trẻ này, sau hai tháng, hớn hở khoe với tôi: “Chị ơi, em không ngờ mình tìm được người trong mơ để đồng hành trong dự án này rồi”. Hỏi sao em tìm được, bạn trả lời “Dạ em theo lời chị đi đến các sự kiện liên quan, tình cờ gặp”.

À, cuộc đời ngẫm lại cũng thật là đơn giản nhỉ? Ta sợ hãi, trốn trong nhà, nghĩ cho nó phức tạp lên, tự hù doạ lấy mình, rồi thui thủi một thân làm làm, học học. 

Thế giới càng kết nối, con người càng cô đơn. Thế giới càng một một không không, con người càng mất dần khả năng nhìn vào mắt nhau, nói với nhau một lời chân thật. Thế giới càng dang rộng những cánh tay robot, trái tim người càng co rúm trước vài áng xúc cảm thô ráp, chưa kịp xử lý bằng thực tế ảo tăng cường. 

Vậy, rồi ta len lén nép vào một góc tối của cuộc đời, nhìn hào hứng nhưng chưa một lần sẽ chạm bước chân trần đầu tiên vào thực tại. Bàn chân đặt xuống, nỗi sợ hãi bốc hơi. Thì ra, ngoài kia chả có gì đáng sợ.

Đừng bình tĩnh, đừng hốt hoảng

Những bạn trẻ mà tôi gặp, thường chia thành hai nhóm. Một là, cuống cuồng lên về công nghệ, sống, thở, mơ giấc mơ tỷ phú lụa là trên gối mền công nghệ. 

Hai là, chẳng quan tâm, chẳng cập nhật, hay đơn giản chẳng liên quan gì đến thế giới đang lao đi từng giây một ngoài kia. Hai thái cực bị xé toạc ra bằng 4.0, nơi đâu là điểm tựa?

Tôi có người bạn, tên Ben, làm cho Liên Hiệp Quốc. Anh kể, bữa nọ làm hội thảo 4.0 cho sinh viên ở Bắc Kinh, có một sinh viên hỏi : “Nếu hệ thống giáo dục chạy không kịp với tốc độ phát triển khoa học và công nghệ như hiện nay, xin ai đó trên sân khấu hãy cho em lời khuyên bỏ học”. 

Học làm gì, nếu kiến thức vừa học đã lỗi thời? Học làm gì, khi 65% việc làm trong tương lai còn chưa kịp sinh ra? Ben nói, thiệt tình thì, hỏi chi khó quá.

 

Có điều, thế kỷ cực đoan đâu có nghĩa ta cứ phải cực đoan. Khắc lại khắc qua, cuối cùng cũng chỉ là đánh nhau cho vỡ khổ. Ngoài kia càng cực đoan, trong đây ta càng phải cân bằng. Ngoài kia thế trận vỡ sấp vỡ ngửa rồi, trong đây ta lại cần xếp cây vào chậu. Ừ thì công nghệ mới. Ừ thì kiến thức mới. 

Ừ thì cách tiếp cận mới. Không biết thì xách giỏ đi học cho biết chứ có gì ghê gớm lắm đâu. Học trường chưa xong, thì ta đi học đời, học bạn. Học, ấy là chuyện cả đời. Mới tới đâu, ta cập nhật tới đó. Học, giờ không phải là chuyện của lớp, ở trường. Học, giống như là ham vui, thấy gì hay hay, mới mới, là xông vào hỏi cho ra lẽ. 

Nếu đã thế, thì học đâu phải là chuyện của hệ thống giáo dục, nhà trường, ba mẹ, thầy cô. Tất cả mọi thứ xung quanh ta, giờ cứ coi như là công cụ và nguồn lực. Cần công cụ gì để đạt được mục đích của mình, ta cầm lên sử dụng. Đồ chơi chưa đủ, ta đi tìm chỗ khác thôi à. 

Hít một hơi thật dài, thế kỷ này hay nhất là chuyện gì cũng trở thành có thể. Cuối cùng, phương pháp vẫn cứ là tìm mảnh ghép xếp hình. Thế kỷ nào, ta ghép hình theo thiết kế và sắc màu thế kỷ ấy mà thôi.

Nhưng cũng đừng bình tĩnh ngồi im như thế. Thế kỷ lao đi, ta ở lại nơi nào? Tương lai lướt qua, ta thơ thẩn, thờ ơ, trông đợi chiếc thìa bạc may mắn, dỗi hờn không ai dạy thì em chả học… 

Thế kỷ 21 là thế kỷ của tự thân vận động.  Ai chủ động lao vào thì người đó nhận tấm vé tương lai. Kẻ đứng bên vệ đường bận tám chuyện linh tinh, tàu rời bến, sân ga buồn quá khứ.

Quan hệ 4.0 

Chưa bao giờ thế giới lại bắt con người dù lao đi phải dừng lại lâu hơn và nhiều hơn như thế. Vì có chạy thì, chắc gì đã biết cần phải chạy về đâu. Muốn chạy nhanh, muốn đỡ tốn sức thì, có vài vấn đề thế kỷ ta cũng cần sắp xếp. 

Người và máy, liệu ta có đủ phẩm chất người để cộng tác và trở thành một đội? Bố mẹ và con, liệu ta có biết chữ “cộng tác” là từ khoá chính để sắp xếp lại cách tương tác của thế kỷ này? 

Sếp với nhân viên, xử làm sao khi đứa thực tập nó hiểu hơn sếp vạn lần về công nghệ? Khởi nghiệp với dăm ba đứa đồng sáng lập, cuối cùng ai cộng tác với ai? 

Thành phố với người dân, như thế nào là thông minh và điện tử? Đã gọi là thế kỷ phá vỡ tất cả những nền tảng truyền thống mà con người từng bám víu, phải chăng mọi quan hệ xã hội giờ đây cũng không ngoại lệ chút nào?

Nên thế kỷ 21 là thế kỷ của từ “cộng tác”, cũng có nghĩa là chẳng ai nên được đặt vào vị trí trội hơn ai. Chẳng ai ra lệnh, thúc ép ai. Chẳng ai có trách nhiệm phải làm thêm việc của người khác cả.  Nếu ta làm đúng phận sự nhỏ xinh được giao cho mảnh ghép, ta trở thành một phần của tác phẩm vĩ đại cùng dệt nên thế giới sắc màu này. 

Nếu chuyện của mảnh ghép mà còn làm chẳng ra gì, cầm dao chặt lấy ngón tay, ta đã tự loại mình khỏi bàn cờ thế kỷ. Mảnh ghép, không cao thấp mà cân bằng. Mảnh ghép, không nhiều ít mà vừa vặn. Mảnh ghép, không bắt ép mà tự nguyện. 

Những mảnh ghép cùng nhau, là một đội tôn trọng nhau và tôn trọng mục tiêu chung. Dễ, rất dễ, nhưng lại là rất khó.

Gió xuân ngang qua, một năm vừa trút lá. Cành mai trước nhà đến độ lại cười xuân. Đầu có đủ mở, tim có đủ bao la, để xếp lại bức tranh giao mùa thế kỷ? 

Bàn tay tự tin đưa ra, bàn chân bước vững trên đất. Dũng cảm để bắt đầu cùng nhau, ta mới thật làm người. Lựa chọn là ở ta trên từng bước trở về.

Mỗi chúng ta đều có một thứ nào đó mà thế kỷ này cần. Đó có thể là kiến thức chuyên môn, là công nghệ, tư duy, kinh nghiệm, trải nghiệm, khả năng, nguồn lực…

Nhưng thế kỷ 21 là thế kỷ của những vấn đề siêu phức tạp nên thế giới không cần chỉ có mỗi ta. Bất cứ dự án nào, tổ chức nào, gia đình nào, quốc gia cũng cần nhiều mảnh ghép. Mà đã là mảnh ghép thì thiếu đi dù chỉ một mảnh be bé, bức tranh cũng chưa thể nên hình.