22/01/2025

Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

Triết lý giáo dục của Việt Nam, theo nhiều người, chưa thấy rõ nét ở cả chương trình giáo dục hiện hành và chương trình mới ban hành.

 

Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

Triết lý giáo dục của Việt Nam, theo nhiều người, chưa thấy rõ nét ở cả chương trình giáo dục hiện hành và chương trình mới ban hành.
 
 
 

Triết lý giáo dục của VN là gì? - Ảnh 1.

Triết lý giáo dục Việt Nam còn đang có rất nhiều tranh luận, ý kiến mà theo bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có thể có trưng cầu ý dân. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các đại biểu tham dự tọa đàm “Triết lý giáo dục và triết lý giáo dục trong Luật giáo dục sửa đổi” vừa được tổ chức.

Nhận diện triết lý giáo dục Việt Nam

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng nguyên tắc cốt lõi của nền giáo dục là: Dân tộc/Dân chủ – Nhân văn – Hiện đại/Sáng tạo. Đây là nguyên tắc được chắt lọc từ huấn đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hệ thống giáo dục quốc dân, quan hệ thầy trò, tu dưỡng nhân cách…

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng triết lý giáo dục ngày nay là “hợp tác”. Đó là quan hệ hợp tác giữa nhà trường – xã hội, nhà trường – gia đình, thầy – trò, thầy – thầy, học trò – học trò. Và khi đã hợp tác thì phải theo nguyên tắc thoả thuận, không ai áp đặt ai.

Trong khi đó, TS Giáp Văn Dương, hiệu trưởng Vietschool, bày tỏ quan điểm nên theo đuổi một triết lý, mục đích giản dị hơn là con người tự do.

Theo TS Dương, trong giáo dục, học sinh và giáo viên phải được quyền tiếp cận với các nguồn tư liệu và tài liệu tham khảo khác nhau, thể hiện trước hết ở nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau được lưu hành. Việc thi cử khi đó trở thành thước đo cho sự trưởng thành của người học, quan trọng nhất là sự trưởng thành trong tư duy, thể hiện qua năng lực tư duy độc lập của họ.

Tại tọa đàm trên, một số nhà giáo dục lại cho rằng không nên xác định triết lý giáo dục quá ngắn gọn. “Triết lý giáo dục là đích hướng đến nhằm giải quyết các vấn đề giáo dục đang đặt ra” – TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết quan điểm tương đối thống nhất của nhiều chuyên gia về vấn đề này sau khi đã thảo luận, phản biện.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Triết lý giáo dục VN: từ truyền thống đến hiện đại” – cho rằng khái niệm triết lý giáo dục gồm năm thành tố. Trong đó sứ mệnh giáo dục là thành tố gốc, mục tiêu giáo dục là thành tố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối ba thành tố còn lại là nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và nguyên lý giáo dục.

Nên hay không nên đưa vào luật?

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phủ nhận ý kiến cho rằng VN chưa có triết lý giáo dục vì “giáo dục VN hiện vẫn đang vận động dưới dẫn dắt của một triết lý giáo dục, biểu hiện qua các phát biểu tường minh về sứ mệnh, mục tiêu, nguyên lý giáo dục”.

Theo ông Tiến, triết lý giáo dục VN có sự vận động cùng với bước tiến về kinh tế – xã hội của đất nước, được quy định trong các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa trong các văn bản luật, từ Luật giáo dục 1998 đến Luật giáo dục 2005, Luật giáo dục ĐH 2012, Luật giáo dục nghề nghiệp 2014.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng nhìn chung các nước không tuyên bố rõ ràng về triết lý giáo dục trong luật mà ngoài mục đích, luật giáo dục các nước thường đưa ra các điều khoản về các thành tố quan trọng khác của triết lý giáo dục như mục tiêu, nguyên lý, trong đó mục tiêu luôn là thành tố xuất hiện phổ biến nhất.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng chia sẻ khi xây dựng chương trình đã tham khảo các nước và thấy không có chương trình nào có mục về triết lý giáo dục, mà chỉ thể hiện ở mục tiêu, quan điểm thực hiện chương trình.

Nhưng đại diện cho thế hệ những người nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Quốc Vương – giảng viên khoa lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội, tác giả cuốn Đi tìm triết lý giáo dục VN (NXB Tri Thức, năm 2017) – lại viện dẫn triết lý giáo dục của Nhật thể hiện trong luật giáo dục cơ bản với tựa Mục đích và triết lý giáo dục.

“Triết lý giáo dục bao gồm hai bộ phận chính là hình ảnh con người mơ ước (con người mà nền giáo dục muốn tạo ra) và xã hội tương lai mơ ước (xã hội mà con người mơ ước sẽ tạo ra, bảo vệ). 

 

Ở đó, triết lý giáo dục thể hiện qua hình ảnh xã hội mơ ước được xác định là “quốc gia hòa bình – dân chủ” và con người mơ ước là “quốc dân khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời có đầy đủ phẩm chất cần thiết với tư cách là người làm chủ xã hội – quốc gia hòa bình và dân chủ”.

Triết lý giáo dục của VN là gì? - Ảnh 2.

Theo nhiều ý kiến, triết lý giáo dục thế nào sẽ thiết kế chương trình đào tạo, tổ chức thi cử thế ấy. Trong ảnh: một tiết học toán của học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.Tân Phú, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Triết lý thế nào, thiết kế chương trình thế ấy

Trong văn bản góp ý Luật giáo dục ĐH sửa đổi, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ VN hai lần kiến nghị phải bổ sung vào chương 1 của luật điều về triết lý giáo dục ĐH. Theo lý giải của hiệp hội, việc bổ sung này rất cần thiết vì “cần thể hiện những quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước về giáo dục ĐH để thống nhất định hướng cho phát triển giáo dục ĐH VN”.

Đáp lại kiến nghị này, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng triết lý giáo dục nói chung, triết lý giáo dục ĐH nói riêng là “khái niệm còn có rất nhiều tranh cãi, chưa có sự thống nhất” ngay cả trong giới nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, ủy ban xác định nội dung này “sẽ là một trong những chủ đề được quan tâm, lựa chọn để tổ chức các hội nghị, hội thảo của ủy ban thời gian tới nhằm thảo luận kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong dư luận và trong giới học thuật trước khi pháp điển hóa khi sửa đổi toàn diện Luật giáo dục ĐH”.

Ngày 7-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Viết Khuyến – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ VN – khẳng định cần xây dựng được triết lý giáo dục để giáo dục phát triển mạch lạc hơn. “Triết lý giáo dục phải ngắn gọn, súc tích mới bền vững, còn cứ dông dài thì đường hướng phát triển rất dễ mông lung” – ông Khuyến nói.

Ông Khuyến dẫn chứng UNESCO đã xác định tinh thần “học suốt đời” cùng với 4 trụ cột giáo dục gồm: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Đây được coi là triết lý giáo dục phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay đào tạo ĐH đang theo xu hướng “học để có việc làm”, nhiều trường đang cắt dần nội dung giáo dục đại cương, tăng dần nội dung đào tạo nghề nghiệp. “Nhưng nếu đi theo triết lý phát triển con người toàn diện thì cấu trúc, nội dung chương trình sẽ phải khác” – ông Khuyến phân tích.

Theo ông Khuyến, nếu xác lập triết lý cần đặc biệt quan tâm đến đòi hỏi mới với giáo dục ĐH là tính đại chúng.

Có thể trưng cầu ý dân

Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe, chắt lọc các ý kiến góp ý và thảo luận kỹ. Có thể sẽ có các cuộc trưng cầu ý dân về triết lý giáo dục và việc đưa triết lý giáo dục vào luật như thế nào. Triết lý giáo dục có thể gói trong 5-10 chữ nhưng thể hiện được rõ vấn đề giáo dục sẽ phải giải quyết, hướng đến.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Phùng Xuân Nhạ

Triết lý giáo dục chưa được gọi tên

Dù chưa xuất hiện cụm từ “triết lý giáo dục” trong các văn bản liên quan đến giáo dục, VN trên thực tế đã xác lập một triết lý giáo dục.

Nhưng cái rắc rối và phức tạp ở VN là trong khi diễn đạt và thực thi triết lý giáo dục, cả người làm quản lý và giáo viên không gọi tên hay chỉ ra triết lý giáo dục đó là gì, vai trò của nó như thế nào đối với toàn bộ hệ thống giáo dục.

Do vậy, khi nhìn vào giáo dục VN, người ta sẽ vừa thấy sự hiển hiện của triết lý giáo dục vừa… không thấy rõ nó. Hệ quả là sự lúng túng thể hiện ở cả lý luận và thực tiễn.

Nói cho công bằng thì có nhiều vấn đề giáo dục VN đang đối mặt ở trên thế giới cũng có. Ví dụ ở Nhật vẫn có bắt nạt trường học, có hiện tượng học sinh cự tuyệt trường học… Nhưng sự xuất hiện toàn diện và dày đặc các vấn đề ở trường học sẽ đặt ra câu hỏi về ngọn nguồn của các vấn đề.

Khi muốn chỉnh sửa toàn diện các vấn đề của giáo dục thì đương nhiên phải đặt ra câu hỏi về “đường hướng” – tức là triết lý – vì nó chi phối toàn bộ các công việc tiếp theo của giáo dục từ tổ chức hành chính, cơ cấu trường học tới nội dung chương trình, SGK, phương pháp…

Việc nhìn lại vấn đề này trong bối cảnh hiện tại là vô cùng cần thiết vì nếu không làm sáng tỏ đích đến của giáo dục, tương lai lý tưởng của giáo dục, những người làm giáo dục sẽ dễ lấy các con số (chủ nghĩa thành tích) để biện minh cho mục đích giáo dục.

Ông Nguyễn Quốc Vương

tác giả cuốn Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam

 

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ