27/12/2024

Giăng bẫy lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc

Đằng sau lời hứa hẹn tình yêu đường mật, các đối tượng buôn người ngày càng sử dụng những thủ đoạn tinh vi “bẫy” nhiều cô gái trẻ vùng cao các tỉnh Lào Cai, Yên Bái trở thành món hàng, bán sang biên giới Trung Quốc.

 

Giăng bẫy lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc

Đằng sau lời hứa hẹn tình yêu đường mật, các đối tượng buôn người ngày càng sử dụng những thủ đoạn tinh vi “bẫy” nhiều cô gái trẻ vùng cao các tỉnh Lào Cai, Yên Bái trở thành món hàng, bán sang biên giới Trung Quốc.
 
 
 
 
 

Châu Thị D. (giữa) và Châu Thị C. kể lại hành trình bị lừa bán /// Ảnh: Hằng Hậu

Châu Thị D. (giữa) và Châu Thị C. kể lại hành trình bị lừa bán  ẢNH: HẰNG HẬU

 
 
Đại tá Tống Chính Phúc, Trưởng phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm (Bộ đội biên phòng – BĐBP Lào Cai), cho biết trong 3 năm trở lại đây, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Lào Cai diễn biến phức tạp.
 
 
“Bẫy” tình qua mạng xã hội
Từ thông tin của BĐBP tỉnh Lào Cai, mới đây chúng tôi tìm đến nhà 2 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc (TQ) mới được giải cứu trở về vào tháng 2 là Châu Thị D. (17 tuổi) và Châu Thị C. (16 tuổi) ở thôn Chu Lìn 1, xã Trung Trải (H.Sa Pa). Nhà của D. là nhà gỗ xập xệ, ẩm thấp nằm tít trên núi cao. Trong nhà tối om, mẹ em là bà Sùng Thị Chú, ngoài 40 tuổi, dáng khắc khổ và không biết nói tiếng Kinh. D. là con thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 9, D. phải nghỉ học, ở nhà làm ruộng. Được sự động viên, D. và C. (chị họ của D.), nhà ở bên cạnh, mới rụt rè kể lại chuyện bị bán sang TQ.
 
C. kể: “Năm ngoái, em được bố mẹ mua cho 1 chiếc điện thoại. Em lên mạng chơi thì có người giới thiệu tên là Sùng Seo Tráng, nhà ở H.Mường Khương (Lào Cai) gửi lời mời kết bạn trên Zalo. Sau vài lần nói chuyện, nó ngỏ lời muốn lấy em làm vợ, rồi rủ em sang nhà nó. Buổi chiều cuối tháng 10.2017, em và D. đang đi gặt lúa trên nương, nó gọi điện rủ em đi. Em sợ đi một mình nên rủ thêm D.”, C. kể.
 
Giăng bẫy lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc - ảnh 1

Các đối tượng thường lập thành đường dây dụ dỗ lừa bán phụ nữ qua biên giới  ẢNH: TRUNG DŨNG

 

 
Các đối tượng buôn người không đưa 2 cô gái về Mường Khương như đã hẹn mà chở thẳng sang TQ bán cho 2 vợ chồng già. D. nhớ lại: “Bọn em ở đó được 5 ngày, chờ đến đêm, lúc vợ chồng họ đang ngủ, hai chị em chạy trốn lên núi. Bọn em cứ đi không biết phương hướng, đêm ngủ rừng, ngày ăn rau cải sống, hái trộm cam quýt ăn qua ngày. Sau 2 ngày đói khát, bọn em cũng lết ra được đến đường cao tốc vẫy xe cầu cứu. Rồi người ta đưa chúng em đến đồn công an TQ. Ngày 27 Tết Mậu Tuất vừa rồi, sau 3 tháng ở TQ, 2 chị em được trao trả về VN”.
 
Theo cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, các đối tượng buôn bán người thường chọn các cô gái từ 15 – 26 tuổi ở vùng sâu, vùng xa có trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội còn hạn chế, hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm; một số học sinh (HS) trường THCS và THPT tập trung địa bàn các huyện Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn (Lào Cai). Qua mạng xã hội, các đối tượng còn lừa được nạn nhân ở các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên và một số tỉnh phía nam.
 
 
 
Giăng bẫy lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc - ảnh 2
Hảng Seo Phong bị BĐBP tỉnh Lào Cai bắt giữ

 

Chúng tôi đến Trường THPT Bát Xát 2 vào những ngày cuối của năm học để kịp gặp 2 trong 3 HS là nạn nhân mua bán người được giải cứu năm 2017. Nạn nhân Vừ Thị S. (xã Trịnh Tường, H.Bát Xát) kể: “Em học cùng trường cấp 2 với Sùng A Tủa. Nó đi làm ăn xa, tết năm 2017 về quê bọn em gặp lại và kết bạn trên Facebook. Tháng 4.2017, khi tình cảm thân mật hơn, Tủa về rủ em đi Mường Khương chơi. Em rủ thêm Vàng Thị S. và Sùng Thị N. đi cùng. Ô tô chở bọn em đi trong đêm đến một nơi hoang vắng, toàn đồi núi. Sáng tỉnh dậy, nhìn thấy bên đường cột điện có chữ TQ, bọn em đoán mình bị bạn lừa bán, nhưng không dám khóc, chạy cũng không thể thoát vì sợ bị đánh đập”. Bọn buôn người đã bán 3 nữ sinh với giá 45.000 nhân dân tệ (hơn 150 triệu đồng). Trong đó, em Vừ Thị S. bị bán cho một gia đình TQ ở tỉnh Sơn Đông. Sau 8 tháng phải làm vợ người đàn ông của gia đình này, em Vừ Thị S. quyết định chạy trốn, tìm đến công an cầu cứu. Cuối năm 2017, em được công an TQ trao trả cho BĐBP tỉnh Lào Cai.
 

Còn Vàng Thị S. được gả bán cho một gia đình TQ, may mắn hơn, trong lúc gia đình chồng trả tiền, nữ sinh này bỏ trốn vào vườn chuối gần đó. Nhà chồng và những kẻ môi giới đuổi theo truy tìm, nhưng nhờ có người tốt giúp đỡ nên em được đưa đến đồn công an. Sau 1 tuần, ngày 24.4.2017, Vàng Thị S. được đưa về VN. Khoảng 2 tháng sau, Sùng Thị N. may mắn được giải cứu. Hiện Vàng Thị S. học lớp 12, còn Vừ Thị S. học lại lớp 11. Thầy giáo Phạm Hoàng, Bí thư Đoàn Trường THPT Bát Xát 2, cho hay: “Khi biết các em được giải cứu trở về, nhà trường đến nhà động viên các em đi học tiếp. Nhưng chỉ có 2 em quay lại trường, còn em N. do mặc cảm, xấu hổ nên đã bỏ học”.

 
Những “anh mìn” gắn mác Việt kiều
Theo đại tá Phúc, nếu như trước đây đối tượng lừa bán phụ nữ thường là những “mẹ mìn” dụ các cô gái trẻ với hứa hẹn giúp đỡ tìm việc làm, thu nhập cao thì gần đây, xuất hiện thêm các nam giới giả danh doanh nhân thành đạt ở nước ngoài, thậm chí giả làm BĐBP.
 
 
Thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, giai đoạn 2011 – 2017, cả nước xảy ra trên 2.700 vụ mua bán người, liên quan đến hơn 4.100 đối tượng, với gần 6.000 nạn nhân bị lừa bán. Trong đó, có gần 450 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân với hơn 900 đối tượng và hơn 1.100 nạn nhân bị lừa bán. Trên 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu qua tuyến biên giới giữa VN với Campuchia, Lào, TQ.

 

Vừa qua, Lý Thị S. (15 tuổi), dân tộc Mông ở H.Mường Nhé (Điện Biên) bị người yêu giả “Việt kiều” lừa bán sang TQ. Lý Thị S. kể, sau một thời gian chơi Facebook, em quen một thanh niên 20 tuổi, giới thiệu tên Vừ Mua, quốc tịch Thái Lan, đang làm bác sĩ bên Thái. Đầu tháng 3 vừa qua, Mua ngỏ lời yêu Lý Thị S. và thông báo về nước thăm người yêu. Ngày 7.3, Mua gọi điện báo đã bay về Hà Nội nhưng trên đường từ Lào Cai sang Điện Biên thăm người yêu thì bị Công an Lào Cai giữ lại vì thiếu thủ tục nhập cảnh. “Nó nhờ em sang Lào Cai làm thủ tục bảo lãnh cho nó. Em tin lời nó, nhưng chưa gặp nhau lần nào nên cẩn thận nhờ bố đi cùng. Sau khi nói chuyện điện thoại với nó, bố em đồng ý đi”, Lý Thị S. nói.

Đến Bến xe Lào Cai, 2 bố con Lý Thị S. được 2 người tự giới thiệu là bạn của Mua đến đón đưa tới nhà Mua. Khi đi qua dòng suối, bố Lý Thị S. đưa con qua trước, sau đó quay lại lấy xe máy thì bên kia suối, bọn buôn người đã chở S. đi mất hút. “Em bị nhốt vào một ngôi nhà cao tầng đúng 1 tuần rồi bị đưa đến tỉnh An Huy (TQ) bán làm vợ người ta. Họ nói đã mua em với giá 1 vạn nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng). Sau 1 tuần ở nhà chồng, em tìm mọi cách bỏ trốn và may mắn được công an giải cứu đưa về VN”, Lý Thị S. kể.
 

Cũng bị người yêu là Việt kiều “dởm” lừa bán sang TQ, nhưng chị Hẩu Thị S. (20 tuổi) ở H.Sìn Hồ (Lai Châu) may mắn hơn vì được các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai giải cứu. Hẩu Thị S. nhớ lại: “Do em nhầm số nên gọi vào số máy của người lạ. Sau này, nó gọi lại cho em giới thiệu tên là Sinh, người Mông, đang sinh sống ở Thái Lan. Sau một thời gian làm quen, Sinh báo tin sẽ bay về VN vào ngày 27.4.2018 và hẹn em ra Bến xe Lai Châu để gặp. Khi em đến bến xe, Sinh lại gọi điện nói do thiếu thủ tục nhập cảnh, đang bị công an giữ nên nhờ em xuống Lào Cai bảo lãnh. Khi em đang đi cùng Sinh thì bị Đồn biên phòng bắt. Sau này, em mới biết bố mẹ em nghi ngờ em bị bán sang TQ, nên đã gọi điện nhờ đồn biên phòng mật phục giải cứu”.

 
Trung tá Hoàng Quốc Phong, Trưởng đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cho biết qua khai thác và điều tra đối tượng Sinh, phát hiện đây là “Việt kiều dởm” trong đường dây lừa các cô gái người Mông bán sang TQ. Sinh tên thật là Hảng Seo Phong (trú H.Văn Yên, tỉnh Lào Cai), sử dụng nickname Facebook “Nco Koj Nco Kjo” giả làm bác sĩ trẻ người Mông ở Thái Lan. “Hảng Seo Phong khai đã tham gia 3 vụ, mỗi vụ đều được chia từ 1.000 – 2.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 – 7 triệu đồng)”.
 
 
THU HẰNG – PHAN HẬU