Để cơn ghen không thành ‘trái đắng’
“Lòng ghen, thực ra ai cũng có, nhưng ghen thế nào để có thể giữ được tổ ấm, để không dẫn tới hệ luỵ đáng tiếc là điều cần cân nhắc”.
Để cơn ghen không thành ‘trái đắng’
“Lòng ghen, thực ra ai cũng có, nhưng ghen thế nào để có thể giữ được tổ ấm, để không dẫn tới hệ luỵ đáng tiếc là điều cần cân nhắc”.
Những người tham gia câu chuyện về ghen nói như vậy, nhất là khi những vụ ghen tuông gần đây thành vấn đề “nóng” trên mặt báo…
Anh/chị đã bao giờ ghen chưa? Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi tại “bàn tròn” trên Facebook và 100% người tham gia khẳng định ngay là có, “ít hoặc nhiều phải có chứ”. Có bao giờ cơn ghen khiến anh/chị muốn làm một cái gì đó?
Ghen quá hoá hại
Chị T.Hà (Đà Nẵng) chia sẻ: “Lần đầu phát hiện ông xã có những tin nhắn “lạ”, tôi rất đau khổ, tính làm lớn chuyện nhưng rồi kềm lại được. Tôi đã hỏi anh ấy là anh còn yêu em nữa không?”. Chồng chị Hà trả lời “còn”, “anh yêu gia đình mình”, chị bảo “em tin anh, em sẵn sàng bỏ qua nhưng nếu còn bất cứ lần nào, em sẽ dứt áo ra đi”.
Với sự cứng rắn đó, chị Hà nói chồng chị đã thay đổi. Tất nhiên, không phải ai cũng xử trí như chị Hà. Như chị T. (Hà Nội) kể về cuộc hôn nhân gãy đổ của mình: “Vì quá tức giận, tôi đã kiên quyết phải tìm ra bằng chứng ngoại tình của chồng.
Sau khi tìm được, quá uất ức, không thể đánh ghen nhưng sự ám ảnh về việc chồng mình “có gì đó” với người đàn bà khác khiến tôi không thể bình thường với chồng được nữa. Tôi quyết định chia tay”.
Hỏi chị về việc làm cho ra lẽ nên hay không, chị T. bảo đó là tuỳ mỗi người. Nhưng nếu chọn làm lại thì “tôi vẫn sẽ làm như vậy”, chị T. khẳng định vì không thể chấp nhận sống chung với người ngoại tình.
Là đàn ông, anh Minh (Quảng Nam) khẳng định ai cũng có thể có những phút giây “ngoài vợ ngoài chồng”. Tuy nhiên, bên cạnh cảm xúc hay những phút “sai lầm”, nếu đứng đắn và bản lĩnh thì nên biết mình đang có gì, đang ở vị trí nào và cần sống ra sao.
Theo anh Minh, nhiều người ngoại tình là do sống quá “nhẹ dạ” và luôn tự huyễn rằng việc ngoại tình của mình sẽ là bí mật không bao giờ được “bật mí”, nhưng “đi đêm có ngày gặp ma”, nên chắc chắn sẽ có lúc “cái kim trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra”.
Bàn về vài vụ “ngoài vợ ngoài chồng” ầm ĩ gần đây mà người trong cuộc có vị trí trong xã hội, anh Minh cho rằng người trong cuộc thiếu bản lĩnh nên đã để sự vụ trở nên trầm trọng.
“Khi anh đi qua cơn “say nắng” hay “cơn mê”, rồi mọi chuyện đổ vỡ, anh mất gia đình và cả công việc, khi đó anh nhận ra không nơi nào bình yên bằng chính đời sống đạo đức trong cuộc hôn nhân: một vợ, một chồng, chung thủy, giữ gìn cho nhau và cùng chăm sóc con cái” – anh Minh chia sẻ.
Chị Loan (TP.HCM) kể chị từng ghen và từng làm dữ, vì nghĩ sẽ giữ được chồng nhưng không thể. Nói như rút ruột, chị Loan phân tích rằng một người không còn yêu gia đình mới đi ngoại tình, hoặc người đó không đủ bản lĩnh mới sa ngã.
Với người không còn yêu mình và gia đình thì mình giữ lại làm gì; còn người kém cỏi trong tình trường – khi đã có gia đình và vợ/chồng, con cái mà không thể chối từ cuộc vui chốc lát – anh/cô ta không còn xứng đáng để được “giữ lại”, cũng không thể đủ sự cao thượng để làm hình mẫu cho con cái, do vậy hãy… buông tay.
Chia sẻ về việc ghen rồi “trả thù” bằng cách “ông ăn chả bà ăn nem”, mọi người đều không đồng ý, bởi “như vậy thì mình cũng không thua người kia”. Tại sao chúng ta phải trở nên xấu đi chỉ vì người kia không tốt, mọi người đặt vấn đề.
Làm chủ lòng mình
Nói về “chuyện muôn thuở” này, thạc sĩ tâm lý học Hoàng Minh Phú, giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, cho rằng ghen tuông tạo ra bầu không khí khó chịu, ngột ngạt trong quan hệ tình cảm giữa hai người, thực sự không hề có tác dụng bảo vệ hạnh phúc như nhiều người lầm tưởng.
Lý do kết luận như vậy là vì “khi ghen, bản thân người đó trở nên bất an và yếu ớt” và hậu quả là ghen làm cho sự ngăn cách giữa bạn và vợ/chồng mình ngày càng lớn hơn. Ghen khiến vợ chồng không lắng nghe và cảm thông cho nhau, làm không khí gia đình trở nên ngột ngạt và khó chịu, dễ xảy ra cãi vã, thậm chí là đánh đập nhau.
Ngoài ra, khi ghen bạn sẽ không kiềm chế được cảm xúc, có lối ứng xử thiếu tế nhị, khiến những người xung quanh dần dần xa lánh bạn.
“Có một số người ghen đến nỗi mất hết lý trí, gây ra những chuyện tàn nhẫn, vô tâm để rồi ân hận suốt đời hoặc vướng vào vòng lao lý”, ThS Hoàng Minh Phú cảnh báo.
Nhưng ghen là một dạng cảm xúc, cho nên theo ThS Phú, điều quan trọng là bản thân người trong cuộc phải làm chủ được cảm xúc, phải biết cân bằng và giải toả cảm xúc khó chịu, bực bội đó.
Để giải tỏa và cân bằng cảm xúc, chúng ta có thể tìm một người thân quen đứng tuổi nào đấy (để đảm bảo tính khách quan và sự chín chắn) chia sẻ. Và tự nhắc mình mỗi ngày lúc thức dậy: “Tôi có thể điều khiển được cảm xúc của mình. Ghen tuông sẽ khiến tôi và người thân của tôi đau khổ” – ThS Hoàng Minh Phú hướng dẫn.
Một việc nữa mà những người đang ghen nên làm, theo thầy Phú, là lên danh sách những điều tốt đẹp bạn muốn làm cho vợ/chồng của mình, sau đó lần lượt thực hiện những điều đó. Đồng thời, thực hiện lại một số cử chỉ thể hiện sự quan tâm, yêu thương mà từ lâu rồi bạn không còn làm cho người mình yêu nữa.
Làm những việc này thì sẽ hâm nóng lại tình cảm vợ chồng và khiến người đang ngoại tình sẽ sớm quay về với gia đình hơn.
Trong hôn nhân, khi nào người ta ghen?
Khi thấy vợ/chồng của mình dành thời gian và sự quan tâm đặc biệt đến một đối tượng nào đó nhiều hơn mình, thấy mình ít hấp dẫn hơn, yếu thế hơn đối tượng kia thì người ta bắt đầu nổi ghen.
Khi có sự ghen tuông có nghĩa là thiếu sự tin cậy lẫn nhau, nghi ngờ về sự chung thuỷ của vợ/chồng, không yên tâm về sự gắn kết giữa hai người, cảm thấy mối quan hệ ấy bị đe doạ, uy hiếp nên người ta muốn làm gì đó để bảo vệ mối quan hệ của mình, để lôi kéo vợ/chồng về phía mình.
ThS HOÀNG MINH PHÚ