Vì tham, mất cả lối về
Tuổi thanh xuân với lựa chọn sai lầm, phải trả giá đắt. Đến lần thứ hai gặp người mới, chị lại không kìm được ma tâm, để rồi vướng vào vòng tù tội.
Vì tham, mất cả lối về
Tuổi thanh xuân với lựa chọn sai lầm, phải trả giá đắt. Đến lần thứ hai gặp người mới, chị lại không kìm được ma tâm, để rồi vướng vào vòng tù tội.
Không chỉ huỷ hoại đời mình mà gia đình cũng sóng gió lao đao…
Bị cáo tên Lê Thị B., 30 tuổi, tiều tuỵ, giờ nghị án chị xin phép được gặp con. Khi được phép, chị vội vã đến ôm hai con (đứa 9, đứa 7 tuổi).
Tiếng khóc vỡ oà.
Lựa chọn sai lầm
Từ ngày mẹ đi làm xa, rồi bị tạm giam, tới nay mới được vùi vào lòng mẹ nên nụ cười trẻ thơ vụt nở trên môi, đến khi thấy mọi người khóc nức nở nó mới mếu máo khóc theo.
Người mẹ xoa đầu từng đứa con, dặn dò: “Các con ráng học, nghe lời ông bà ngoại, ngoan, rồi mẹ sẽ về”.
Ba mẹ con ghì chặt nhau trong nước mắt…
Khi còn con gái, chị yêu người cùng xóm nhưng cha mẹ không đồng ý bởi người thanh niên đó không nghề nghiệp, suốt ngày chỉ nhậu nhẹt, nhưng chị vẫn nhất quyết với lựa chọn của mình.
Chị vô hụi kiếm lời rồi sau đó hốt hụi và cùng người yêu bỏ lên Sài Gòn sinh sống. Tiền cạn, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống của hai vợ chồng khó khăn, đứa con đầu lòng ra đời trong cảnh nhà bốn bề túng thiếu…
Thấy con quá khổ nên dẫu không dư dả, cha mẹ chị đón vợ chồng chị về quê. Và rồi người chồng mà chị đã bỏ hết tuổi xuân để đi theo ngày càng bộc lộ tính xấu, khi chẳng những say xỉn mà còn đánh đập chị, dù chị đang mang bầu đứa con thứ hai.
Chịu không nổi nên chị ly thân và quyết định một mình nuôi 2 con. Tuy nhiên, công việc làm thuê không đủ sống nên chị gửi 2 con cho cha mẹ chăm sóc, còn chị nhờ người quen đưa xuất cảnh sang Malaysia dưới hình thức du lịch nhưng thực chất là đi lao động tự do.
Lòng tham trỗi dậy
Tại toà, những giọt nước mắt của người phụ nữ lăn dài kể lại đời mình, đại để rằng sau khi chị qua tới Malaysia, người đưa chị đi đòi lại khoản tiền hơn 10 triệu đồng đã cho mượn để xuất cảnh.
Bấy giờ công việc rửa chén thuê không đủ cho chị trả dứt nợ. Đúng lúc đó, Uche đứng ra trả nợ cho chị, chị quyết định sống với Uche như vợ chồng.
Rồi lòng tham nổi lên, muốn mau chóng làm giàu, chị đã đồng ý tham gia cùng Uche và Francis (bạn Uche) vào chuyện lừa gạt chiếm đoạt tiền của nhiều phụ nữ.
Họ thực hiện kế hoạch: Uche và Francis lên Facebook tìm kiếm, kết bạn với phụ nữ Việt Nam. Cả hai giới thiệu mình là kỹ sư xây dựng, thương nhân hoặc nhà đầu tư muốn vào Việt Nam du lịch, đầu tư hoặc tìm vợ kết hôn.
Sau thời gian giao tiếp trên mạng, Uche nói sẽ gửi “quà” cho người làm đại diện nhận tiền đầu tư hoặc giữ tiền giùm, trong “quà” có tiền USD với số lượng từ vài nghìn đến vài trăm nghìn.
Riêng phần chị giả danh nhân viên công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế thông báo là “gói bưu phẩm của chị được gửi từ Anh về có số lượng USD quá lớn nên muốn nhận bưu phẩm họ phải nộp phí vận chuyển, phí hải quan, phí chống rửa tiền với số tiền từ 1.000USD đến vài nghìn USD”.
Tin lời nên đã có 14 phụ nữ chuyển qua tài khoản cho chị trên 2,6 tỉ đồng. Những đồng tiền lừa đảo đó được chị đưa cho Uche và Francis, rồi cả hai chia tiền cho chị.
Chị gửi tiền về quê cho cha 116 triệu đồng cất nhà; chuyển cho mẹ 212 triệu đồng trả nợ, nuôi 2 con chị ăn học.
Trôi vào vòng tù tội
Phàm làm việc xấu sẽ lãnh hậu quả đắng. Chị không thoát được luật nhân quả khi các bị hại đồng loạt tố cáo và chị đã bị bắt khi về nước.
Chị trình bày tại tòa rằng mỗi lần nhận được tiền từ các bị hại chị đều đưa hết cho Uche. Uche chia cho Francis và chia cho chị 15%.
Nhưng lời trình bày của chị đã bị hội đồng xét xử bác bỏ bởi chị không đưa ra bằng chứng gì để chứng minh lời nói của mình. Bởi chứng cứ trong vụ án này chị đóng vai trò rất lớn, chính chị đã giả danh nhân viên hải quan nên nhiều phụ nữ mới tin và chuyển tiền cho chị để rồi số tiền kia đến tay Uche và đồng bọn.
Trong khi đó, dù cơ quan điều tra đã uỷ thác nhưng tới giờ vẫn chưa có thông tin về Uche và Francis, nên số tiền 2,6 tỉ đồng chị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nghe vậy, chị nước mắt lưng tròng đáp giờ chị đã ở tù, nhờ cha mẹ trả giúp được khoản nào hay khoản đó.
Ngồi nghe, người cha buồn bã khi biết rằng số tiền con gửi về sửa nhà là tiền con đi lừa đảo, nếu biết vậy ông không lấy tiền của con.
Ông đã nộp 15 triệu đồng thi hành án để con gái được giảm nhẹ tội. Khoản tiền mấy trăm triệu đồng còn lại, để ông vay mượn người thân nộp thi hành án sau.
TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt chị 14 năm tù và tuyên buộc phải bồi thường các khoản tiền đã chiếm đoạt.
Nhìn dáng người phụ nữ liêu xiêu bị dẫn giải xuống xe tù, phía sau cha mẹ mệt mỏi phờ phạc và 2 con đang khóc rấm rứt, nhiều người không khỏi buồn cho chị.
Giá mà chị đừng lừa gạt người khác, đừng lạc vào đường dữ để rồi vướng vòng tù tội, đẩy người thân và nhiều người khác vào cảnh khó khăn, khốn đốn…
Mẹ chị Lê Thị B. cho hay việc học của 2 cháu gái mỗi tháng cần hơn 2 triệu đồng. Rồi chi phí sinh hoạt, chi tiêu gia đình khiến vợ chồng bà không kham nổi bởi cả hai đều làm thuê làm mướn kiếm sống.
Giờ tiền đâu khắc phục hậu quả cho con…