Khi luật sư nhập nhèm tiền bạc…
Sứ mệnh của luật sư là tìm mọi lý lẽ để bảo vệ cho thân chủ của mình. Nhưng không ít luật sư lại bất minh trong chuyện tiền bạc, dẫn đến những xung đột gay gắt.
Khi luật sư nhập nhèm tiền bạc…
Sứ mệnh của luật sư là tìm mọi lý lẽ để bảo vệ cho thân chủ của mình. Nhưng không ít luật sư lại bất minh trong chuyện tiền bạc, dẫn đến những xung đột gay gắt.
Đa số tranh chấp về tiền giữa khách hàng với luật sư là đưa tiền để thực hiện việc tiêu cực. Số tiền đó trên danh nghĩa là trả phí luật sư nhưng thực chất là dùng để “bôi trơn” quan hệ, dùng để làm việc này việc nọ mờ ám
Luật sư Trần Văn An
Đa số tranh chấp về tiền giữa khách hàng với luật sư là đưa tiền để thực hiện việc tiêu cực. Số tiền đó trên danh nghĩa là trả phí luật sư nhưng thực chất là dùng để “bôi trơn” quan hệ, dùng để làm việc này việc nọ mờ ám
Luật sư Trần Văn An
Thực tế cho thấy nhiều trường hợp luật sư xung đột với khách hàng, khiến cả hai khiếu nại, tố cáo lẫn nhau. Hậu quả là có luật sư bị kỷ luật, bị tước thẻ hành nghề hoặc vướng vòng lao lý.
Tiền bạc không minh bạch
Luật sư Trần Hữu Kiển (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của thân chủ mình.
Vụ việc khởi nguồn từ khi luật sư Kiển được bà Trương Thị Thu Thủy (ngụ tại Đồng Nai) ký hợp đồng dịch vụ pháp lý để hỗ trợ trong vụ chia di sản thừa kế. Hợp đồng có nội dung luật sư Kiển sẽ đảm bảo cho bà Thủy nhận được khoảng 2 tỉ đồng thừa kế.
Nhưng chi phí và thù lao mà bà Thủy phải trả cho luật sư Kiển lên tới 1,7 tỉ đồng. Nhận thấy hợp đồng dịch vụ pháp lý có phí quá cao, bà Thuỷ nhiều lần yêu cầu thay đổi nhưng không được.
Khi bản án được thi hành, bà Thủy nhận 1,4 tỉ đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của luật sư Kiển. Ông Kiển lại không chuyển số tiền cho thân chủ mà lấy lý do vụ việc rất phức tạp, chưa giải quyết xong, cần liên hệ TAND Tối cao để giải quyết.
Bà Thủy biết luật sư Kiển lần lữa không trả tiền trong suốt 3 năm nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra. Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre giải quyết. Nếu bị xử lý hình sự, ông Trần Hữu Kiển sẽ bị tước thẻ hành nghề luật sư.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với thù lao gần 500 triệu đồng để bảo vệ cho khách hàng trong vụ án hành chính. Nhưng khách hàng thua kiện ở cả hai cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm nên làm đơn tố cáo luật sư của mình.
Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn Luật sư Hà Nội kết luận vị luật sư này nhiều lần nhận tiền ngoài hợp đồng, ký xác nhận các giấy viết tay như: nhận 200 triệu đồng để đi lấy công văn của cơ quan nhà nước, nhận 2 lượng vàng SJC để làm việc với các cơ quan, nhận 50 triệu đồng để khởi kiện quyết định hành chính tại tòa, nhận 50 triệu đồng để làm việc với tòa án… Kết quả là luật sư bị kỷ luật với hình thức xóa tên khỏi danh sách của đoàn.
Tương tự, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cũng bị xoá tên khỏi danh sách của đoàn vì bị khách hàng tố cáo nhận 1 tỉ đồng mà không trả lại tiền cho thân chủ dù không làm gì. Hiện luật sư đang làm đơn khiếu nại và vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Hứa hẹn nhưng không làm
Luật sư Trần Văn An (chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) cho biết việc phát sinh tranh chấp thường xảy ra khi giao kết hợp đồng không có sự minh bạch ngay từ đầu, không lý giải rõ ràng cho khách hàng hiểu.
Nhiều khách hàng nghĩ với số tiền thù lao bỏ ra cho luật sư, họ sẽ thắng kiện hoặc thu được quyền lợi gì đó. Đến khi bị thua kiện, khách hàng mới “ngã ngửa” và đi kiện ngược lại luật sư. Theo luật sư An, có luật sư hành nghề không đúng, cung cấp các tài liệu giả tạo, không khách quan… Khi bị khách hàng khiếu nại, luật sư lại thách thức, làm cho mối quan hệ giữa khách hàng với luật sư trở nên căng thẳng.
“Theo tôi, luật sư phải minh bạch ngay từ đầu, không được thỏa thuận tiêu cực với khách hàng. Đa số tranh chấp về tiền giữa khách hàng với luật sư là đưa tiền để thực hiện việc tiêu cực.
Số tiền đó trên danh nghĩa là trả phí luật sư nhưng thực chất là dùng để “bôi trơn” quan hệ, dùng để làm việc này việc nọ mờ ám. Ẩn sau đó là những lời hứa hẹn. Nên khi không được việc, khách hàng quay ra khiếu nại.
Đối với luật sư, trong quá trình giải quyết không nên chăm chăm thực hiện theo hợp đồng. Nếu nảy sinh xung đột mà khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng thì luật sư nên linh hoạt theo hướng thực hiện đến đâu trừ phí đến đấy. Rất không nên thách đố khách hàng, kiểu chờ xem ông làm gì được tôi” – luật sư Trần Văn An phân tích.
Theo quy định hiện hành, khi khách hàng muốn thực hiện dịch vụ pháp lý với luật sư thì phải ký hợp đồng với công ty, tổ chức nơi luật sư hành nghề. Luật sư không được phép trực tiếp nhận tiền của khách hàng. Ký hợp đồng xong, nếu luật sư muốn nhận thêm tiền thì ký phụ lục hợp đồng.
Tuy nhiên, luật sư Hoàng Ngọc Biên, phó chủ tịch Hội đồng khen thưởng – kỷ luật Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết hiện nay các luật sư thường thu phí dưới hai dạng: thứ nhất là ký hợp đồng trọn gói thù lao luật sư và dùng tiền đó để xử lý các việc chân chính; thứ hai là ký hợp đồng lấy phí thấp hoặc trung bình nhưng khi thực hiện hợp đồng sẽ có những khoản phát sinh. Điều này rất dễ dẫn đến việc luật sư nhận tiền ngoài hợp đồng.
“Việc nhận tiền ngoài hợp đồng là vi phạm pháp luật, lẽ ra luật sư phải giải quyết khi khách hàng khiếu nại. Nếu không trả lại được 100% thì cũng nên trả 50-60%.
Nhưng nhiều luật sư kiên quyết không trả, lợi dụng kiến thức pháp luật để kiện ngược lại khách hàng hoặc tìm sơ hở của khách hàng để trừ dần vào khoản tiền đã chi. Khách hàng cần lưu ý nếu muốn giải quyết công việc gì với luật sư thì nên đưa vào hợp đồng rõ ràng để tránh nảy sinh các tranh chấp về sau” – ông Hoàng Ngọc Biên đưa ra cảnh báo.