Đưa ba đi ăn, tôi giật mình nhìn lại…
Chúng tôi mải mê quay cuồng. Và chúng tôi quen dần với ý nghĩ ba mẹ thì có gấp gì, lúc nào cũng có thể gặp gỡ, báo hiếu, đâu nhất thiết phải là mấy thứ vật chất tầm phào như thế…
Đưa ba đi ăn, tôi giật mình nhìn lại…
Đợt rồi, ba từ quê vào nhà tôi ở hơn tuần để khám bệnh. Cả ngày đi làm, tới chiều tối mới về nhà, nên hôm ấy tôi quyết định đưa cả gia đình ra ngoài ăn quán cho tiện.
Hỏi thích gì, bọn nhóc ỏng eo chọn lựa rồi bảo hay mình đi ăn món Nhật mẹ nhé, từ trước tết tới giờ mình chưa nếm lại rồi.
Tôi thấy hợp lý, nên quay sang hỏi ý ba. Ông có phần e dè khi nói sao cũng được, chủ yếu cho mấy cháu vừa lòng…
Chúng tôi ghé một nhà hàng Nhật có nhiều chi nhánh trong thành phố. Từ người giữ xe tới phục vụ, mở cửa đều ân cần lịch sự.
Ba nói nhỏ với con gái, khi chúng tôi đứng đối diện với những dãy bàn khá đông khách, rằng đâu cần phải vào chỗ sang trọng mắc tiền như vậy hở con. Tôi chỉ biết cười, trấn an ba đừng bận tâm.
Ba chưa từng biết sushi ở ngoài đời. Trông thấy trên tivi, cứ nghĩ là mỗi cuốn sushi ấy phải to… như cổ tay kia, ai dè bé xíu vậy!
Tôi nghe xong, vừa bất ngờ xa xót vừa đan xen xấu hổ. Có lẽ mình là đứa con gái vô tâm nhất trên cõi đời này, nên tới từng tuổi này ba tôi mới có dịp ngỡ ngàng nhìn món cơm cuộn của Nhật nằm đẹp đẽ và cầu kỳ trên chiếc đĩa sứ trắng muốt…
Bởi vì xong phổ thông, tôi rời quê đến thành phố học tập, ở lại lập nghiệp, kết hôn, sinh sống hẳn. Hoạ hoằn ba mới vào, chủ yếu quanh quẩn ở nhà, buổi tối mới được con cái chở ra ngoài, ghé đây đó ăn phở ăn kem.
Chúng tôi quên mất ba tôi đâu đã mấy khi được nếm thử các món lạ, đi những nơi chưa từng có dịp đặt chân. Chúng tôi bận rộn.
Chúng tôi mải mê quay cuồng. Và chúng tôi quen dần với ý nghĩ ba mẹ thì có gấp gì, lúc nào cũng có thể gặp gỡ, báo hiếu, đâu nhất thiết phải là mấy thứ vật chất tầm phào như thế…
“Trước giờ ba luôn tưởng là sushi của Nhật cũng như… cơm nắm của mình vậy thôi. Ai dè khác quá, đủ thứ “nhân” mà lại toàn là đồ cao cấp lạ lùng”.
Ba tôi nói thế khi tỉ mẩn ngắm mấy loại trứng cá vừa được dọn ra. Tôi gọi khá nhiều thức ăn so với bình thường: cá hồi nướng, sushi các loại, bánh xèo Nhật, rong biển nấu đậu hũ, trứng hấp… Chẳng phải tôi phung phí, nhưng tôi biết người già ngại ăn nếu thấy ít.
Hôm đưa ba ra xe về lại quê nhà, tôi ghé một quán hủ tiếu khá nổi tiếng để ba ăn sáng. Nhìn quanh thấy khách khứa tấp nập, ba tôi tặc lưỡi bảo bây giờ người ta tiêu xài hoang phí quá, giá cả mắc mỏ vậy mà vẫn đông nườm nượp. Sao con không ghé chỗ nào bình dân hơn, để dành tiền mà lo cho cháu?
Tôi im lặng không trả lời, chỉ biết giục ba ăn nhanh cho nóng. Lòng cứ loay hoay nghĩ tới mấy bàn tiệc ê hề thừa mứa mình từng tham dự, những bữa cơm trưa cà phê đãi đằng bạn bè đối tác ở các nơi chốn đẹp đẽ hoành tráng.
Chẳng biết mình có sai không, hay cuộc sống giờ là như vậy rồi, chỉ có ba tôi cứ mãi như cái thuở “hồi xưa” lơ lắc năm nào.