Khi cha mẹ sợ con trai… ít nam tính
Không dễ để trả lời “nam tính” là gì, nhưng không ít bậc cha mẹ lại lo lắng khi thấy con trai mình có những biểu hiện như thích màu hồng, nói năng nhẹ nhàng, hay khóc, thích chơi búp bê…
Khi cha mẹ sợ con trai… ít nam tính
Vì lo nên có phụ huynh đã định hướng cho con mình thay đổi một số sở thích trong ăn uống, sinh hoạt.
Cấm chơi búp bê
Mỗi lần cho con về nhà ngoại chơi, chị P. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thường giấu những con búp bê chị bắt gặp. Bởi nếu bé B. (3 tuổi – con trai chị P.) thấy sẽ đòi chơi cho bằng được. Không những thế, mỗi lần đưa bé đi đâu, chị đều né tránh khu vực có trưng bày búp bê để B. không đòi. Theo chị P.: “Ngay từ nhỏ phải cho con chơi đồ chơi, trò chơi của con trai để con không… nữ tính”.
Chị P. không hiểu vì sao bé B. thích chơi búp bê trong khi trong nhà chị chỉ toàn đồ chơi của con trai. Tuy nhiên vợ chồng chị tạm lý giải là “có lẽ do xung quanh nhà có nhiều bé gái cùng trang lứa, bọn trẻ chơi với nhau hằng ngày nên bắt chước nhau”.
Không chỉ dừng lại ở việc cấm con chơi búp bê với các bạn, chị P. cũng né tránh việc cho con mình chơi những trò các bé gái hay chơi như nấu ăn. Thay vào đó, vợ chồng chị mua cho con nhiều xe mô hình, kiếm, siêu nhân… để “cháu nó mạnh mẽ hơn, nam tính hơn” – như lời chị P. tâm sự.
Trường hợp của bé B. không phải hiếm bởi nhiều trẻ em nam vẫn thích chơi trò chơi mà người lớn cho rằng trò chơi đó chỉ nên dành cho con gái hoặc là “của con gái”. Cũng như chị P., có phụ huynh lo ngại con trai mình “ẻo lả”, nữ tính nên tìm mọi cách để định hướng nhằm hình thành tính cách “nam tính” cho con.
Khuyến khích… uống bia!
Đã nhiều lần tôi chứng kiến cảnh vợ chồng bạn tôi khuyến khích con trai (đang học cấp 3) của mình uống bia thay vì uống nước ngọt, trà sữa… trong một số buổi gặp gỡ, tiệc tùng. Món uống chính của bé là bia (có thể uống một chút rượu).
Có lần, tôi đem những thắc mắc về việc “khuyến khích con dùng bia” trao đổi với bạn và câu trả lời cũng khá bất ngờ. Bạn tôi cho rằng không nên cấm con trai dùng bia rượu bởi “nam vô tửu như kỳ vô phong” và còn dẫn rất nhiều lý do để chứng minh tính “đúng đắn” trong việc khuyến khích con sử dụng bia, rượu bởi “các loại nước khác có phần không nam tính cho lắm!”…
Trong những lý do bạn tôi nêu ra, tôi để ý đến chi tiết “không nam tính” nên phản biện lại: Tại sao bạn lại cho rằng uống bia, rượu mới nam tính? Như được gợi mở một dòng suy nghĩ dồn nén lâu ngày, bạn tôi tâm sự: cơ quan bạn tôi có một số nam nhân viên lúc nào cũng chải chuốt mượt mà, ẻo lả từ dáng đi, cách ăn mặc đến cả giọng nói… Thì ra, việc bạn tôi khuyến khích con trai uống bia có căn nguyên của nó.
Dù biết con trai có nữ tính một chút đâu có sao, dù không ủng hộ việc cấm trẻ em trai chơi trò chơi con gái, dù không khuyến khích trẻ uống bia rượu để nam tính hơn, nhưng những lo ngại của một số phụ huynh tôi đã gặp khiến tôi không thể không suy nghĩ…
Cha mẹ lo thái quá sẽ ảnh hưởng đến trẻ
TS tâm lý Lê Minh Công – phó trưởng khoa tâm lý học cơ bản Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM – cho rằng việc trẻ phát triển giới tính phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ hormon giới tính, môi trường, di truyền… Nhân dạng giới tính (bản dạng giới, giới tính tự xác định của một người) là một quá trình lâu dài.
Trẻ trai 3 tuổi cần chơi với trẻ gái, trong quá trình chơi có nhiều trò chơi khác nhau trẻ thích và tự lựa chọn cho phù hợp với mình. Quan trọng, việc chơi với trẻ khác giới giúp trẻ nhận thức được giới tính của mình là trai hay gái. Vậy nên về nguyên tắc cha mẹ cần nhận thức nếu lo lắng thái quá có thể khiến quá trình dạy dỗ sẽ không phù hợp với đứa trẻ. Đôi khi là phản tác dụng, khiến trẻ không phát triển tốt về mặt nhân cách và tâm lý.
Trẻ còn nhỏ đã khuyến khích uống rượu bia hoàn toàn không thể hiện được “bản lĩnh đàn ông”. Bản tính của trẻ là một quá trình học tập xã hội liên tục lâu dài, và sau tuổi dậy thì việc học tập xã hội này diễn ra mạnh mẽ, hình thành nhân cách trẻ rõ ràng hơn.
DIỆU NGUYỄN ghi
MAI ANH