24/01/2025

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về “Nếp người”

Dựng lại nếp người, càng lúc càng là một đòi hỏi bức thiết. Nhưng phải bắt đầu từ đâu?

 

Dựng lại nếp người, càng lúc càng là một đòi hỏi bức thiết. Nhưng phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

on người tử tế là con người dùng lý trí và tình cảm của mình để làm sao trong cuộc sống bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của bản thân với lợi ích của người khác và cộng đồng xung quanh. 

Một con người như vậy sẽ không lường gạt, dối trá, chèn ép, trộm cắp, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, thậm chí làm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, dù là người thân, bạn bè hay đồng nghiệp để đạt được điều mình muốn.

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 2.

Lương Văn Lý(Công ty luật Phước & Partners)

Một đất nước, một cộng đồng chỉ có thể phồn vinh và trường tồn khi tỉ lệ thành viên tử tế chiếm đa số áp đảo đến mức có thể biến suy nghĩ, văn hóa hành vi và cư xử của mình thành suy nghĩ và văn hóa chung cho cả đất nước, cả cộng đồng.

Để xây dựng con người tử tế, nhất thiết phải bắt đầu bằng giáo dục. Lời khẳng định của nhiều nhà giáo dục, bắt đầu bằng John Locke (1632 – 1704): 

“Tôi nghĩ tôi có thể nói trong tất cả những người mà chúng tôi đã gặp, chín người trên mười người là con người hiện nay, tốt hay xấu, có ích hay vô dụng là do giáo dục mà ra” là rất chí lý. 

Chỉ có giáo dục (ở nhà trường và ở gia đình) mới tạo nên con người. Các công dân, bậc cha mẹ, lãnh đạo đất nước, doanh nhân, quan tòa… tốt hay xấu đều do giáo dục đúng hay sai. Ví dụ: trong việc xây dựng và bảo toàn cho xã hội, người ta nói nhiều đến vai trò pháp luật. 

Nhưng pháp luật không tạo ra con người tử tế, pháp luật chỉ nhắc nhở cả người tử tế và người không tử tế đâu là ranh giới giữa cái tốt và cái xấu và nếu vượt qua lằn ranh ấy, họ sẽ chịu những trừng phạt gì của xã hội.

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 3.

Ở nhà trường, một chương trình dạy và học hoàn toàn mới cần được ban hành và thực hiện, thay thế hoàn toàn chương trình giáo dục hiện nay, không phải một chương trình cải cách từng phần, chắp vá như mấy mươi năm nay. 

Chương trình này, ngay từ mầm non lên đến cấp II cần đặt ưu tiên là dạy cho học sinh cách làm người tử tế. Dạy về những thang giá trị để trên cơ sở đó biết phân biệt tốt xấu, hay dở trong cư xử, trong lời nói và trong hành vi. 

Nội dung về kiến thức sẽ là phần thứ yếu cho đến hết cấp II để bắt đầu từ cấp III trở đi sẽ chiếm vị trí ưu tiên cho đến hết bậc đại học và xa hơn. 

Thật là viển vông khi bắt học sinh cấp I thuộc làu Truyện Kiều trong khi các cháu còn chưa tự hiểu được những điều thường thức nhất diễn ra quanh mình hằng ngày như vì sao các bạn đánh nhau, vì sao mẹ hay cô giáo khen điều này, không bằng lòng điều kia…

Trong gia đình, cha mẹ và các anh chị hỗ trợ cho chương trình của nhà trường thông qua đối thoại, giải thích nhưng quan trọng nhất là làm gương cho con em thông qua việc tự mình ăn nói, hành xử theo đúng những thang giá trị đã được dạy cho con em ở nhà trường.

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 4.

hoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã có những lời cảnh báo trên báo chí về sự lung lay, rạn nứt các giá trị gia đình – nền tảng của nếp nhà. 

Các vết rạn nứt không phải đến lúc đó mới xuất hiện, nhưng sức mạnh của kinh tế thị trường và sự hình thành nhanh các giá trị hiện đại nhưng không cốt lõi như khả năng kiếm tiền nhanh và nhiều, danh tiếng, sắc đẹp… đã thúc đẩy các vết nứt nhanh hơn, rộng hơn, sâu hơn. 

Trong nhiều gia đình, giữa sự chao lắc của các giá trị sống, các bậc cha mẹ đã nỗ lực củng cố nếp nhà với các giá trị cốt lõi như tình yêu thương, sự quan tâm giữa các thành viên; ý thức lao động, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và sự khiêm tốn, giản dị.

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 6.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh

Cũng cùng lúc đó, ở nhiều gia đình khác, đặc biệt là gia đình cán bộ có chức quyền, đã xuất hiện một cách hành xử được coi là “thức thời” của người làm cha mẹ: bắt đầu khai thác triệt để đặc điểm cung – cầu của kinh tế thị trường trong các mối quan hệ xã hội.

Tiền bạc, địa vị đã được nhiều người chủ gia đình ngấm ngầm hoặc công khai xem là chuẩn mực tối quan trọng để đánh giá con người, để kết giao và kết hôn! 

Ngay như với câu răn từ ngàn đời của tiền nhân “Con hơn cha là nhà có phúc”, thay vì nhấn mạnh giá trị tinh thần ẩn chứa trong đó như tri thức, tài năng, đức độ; nhiều bậc cha mẹ đã hướng con cái đến sự giàu có, danh tiếng và địa vị theo cách “xí phần”, bất chấp sự trung thực và liêm sỉ. 

Tận dụng mọi mối quan hệ nhằm có cơ hội, kể cả cơ hội tước đoạt của người khác, để kiếm tiền và kiếm chức đã trở thành một hiện tượng mà nhiều năm gần đây người ta khoe ra như một lợi thế thay vì e ngại giấu giếm. 

Khó mà chỉ ra chính xác từ lúc nào mà hiện tượng đáng buồn ấy phô bày và lây lan trong xã hội.

Nhưng cũng khó mà quên trong thực tế đã từng có nhiều gia đình cán bộ, kể cả lãnh đạo cấp cao, luôn nêu tấm gương liêm sỉ của bậc công bộc: không giành bất cứ lợi thế nào cho con cái trong việc học hành, thi cử, làm việc; luôn khuyến khích con thực thi nghĩa vụ công dân, kể cả việc đi làm nhiệm vụ ở chiến trường ác liệt.

Có lẽ vì đã quên những gương sống tốt đẹp có giá trị an dân dựa trên lẽ công bằng đó nên bây giờ mới có những gia đình cán bộ mà nếp nhà gần như chỉ dựa trên việc xây dựng quyền thế và sự giàu có. 

Xã hội hiện giờ vẫn lan truyền câu chuyện không vui về một bà mẹ – người trong suốt nhiều năm đã dùng ảnh hưởng rất lớn của chồng và sự đáo để của mình để “sắp xếp” nhằm tạo dựng chức vụ và tài sản cho gia đình và cho con cái, bất chấp những gì mà một gia đình cán bộ lãnh đạo không nên làm, không được làm. 

Không thể nói lối sống ấy đã không hằn vết lên cuộc đời các con bà. Sau này, khi người con trai còn rất trẻ của bà lên rất cao, rất nhanh và rơi cũng rất nhanh trên đường hoạn lộ, nhiều người tỏ chuyện đã bảo rất chân thành rằng đó là thất bại của bà mẹ chứ không chỉ là của đứa con.

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 7.

Câu chuyện không vui, chắc cũng chưa phải là hiếm hoi về gia đình cán bộ lãnh đạo đã khiến nhiều người càng tin rằng sự đảo lộn các giá trị xã hội như ta đang thấy chắc chắn sẽ dần trật tự trở lại nếu như mọi người cùng nỗ lực xây dựng nếp nhà, khi cha mẹ thực sự là tấm gương hướng các con đến giá trị của tri thức và lao động. Niềm tin đó có cơ sở, ít nhất là từ câu chuyện sau đây của hai người cha.

Một ông từ An Giang ra Trung ương làm tới vị trí cao hơn Bộ trưởng, bảo với cô con gái của mình: Con đã học hành đàng hoàng, có nghề nghiệp đàng hoàng và mức lương đủ sống. Con đừng mở doanh nghiệp, bởi nếu vậy thì sớm hay muộn, ít hay nhiều, ngẫu nhiên hay cố ý con sẽ nhận được những “ưu đãi hơn người khác” từ nơi này nơi nọ vì người ta biết con là con của ba.

Người cha thứ hai, từng làm đến vai Chánh thứ của chính quyền TP.HCM, thì nói với cấp dưới của mình: Con tôi tôi biết, năng lực rất vừa phải, ý chí phấn đấu cũng vừa phải, các anh chớ có mà quy hoạch nó vào hàng ngũ quản lý này nọ, kẻo mà vừa lấy mất chỗ của người xứng đáng hơn, vừa gây họa cho uy tín của tôi, của mấy anh và xa hơn là bộ máy của mình.

Nếp nhà, hóa ra có thể kết thúc hay tiếp tục qua nhiều đời, bắt đầu từ những câu chuyện cụ thể như thế của các gia đình thời nay – thời mà Internet có thể đem lại cho người ta vô số ích lợi và niềm vui, nhưng niềm hạnh phúc được làm người tử tế vì đã sinh ra và trưởng thành trong một gia đình tử tế thì chưa chắc đã tìm thấy trên mạng. 

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 8.

ó vô số góc nhìn về con người và dựng người, nhưng ở đây tôi chỉ chia sẻ một lát cắt nhỏ về vấn đề này. Để dựng người, ta có thể hình dung cấu trúc văn hóa của con người gồm có ba lớp. 

Lớp bên ngoài là hành vi và thái độ, lớp thứ hai là bản tính và giá trị, và lớp trong cùng chính là căn tính và đức tin – thứ làm nên cốt cách của con người. Việc dựng người lâu nay, với rất nhiều môn học và vô số bài học về văn hóa, đạo đức, nhưng thực ra vẫn chưa chú trọng đến chuyện hình thành cốt cách này.

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 10.

Giản Tư Trung(Viện trưởng Viện giáo dục IRED)

Con người sống có đức tin sẽ có lý tưởng, mà khi có lý tưởng thì cũng thường sống dấn thân, và như vậy thì thế nào cũng có thành tựu. 

Thành tựu thì không chỉ là tiền tài, địa vị hay danh vọng…, mà thành tựu lớn nhất đó là được sống cuộc đời mình muốn, được sống đúng cốt cách của mình, được là người và được là mình. Ngược lại, khi không có thiện căn và cũng chẳng có đức tin thì ta có thể hình dung được cuộc đời ấy sẽ ra sao.

Tuy nhiên, khi đề cập đến đức tin thì không thể không bàn đến khai minh. “Khai” là mở và “minh” là sáng, khai minh tức là mở con người vô minh (tăm tối) của mình ra để đưa ánh sáng vào làm cho mình “sáng ra”, và thứ ánh sáng quan trọng nhất đó chính là chân lý, tự do và sự thật.

Những kẻ cuồng tín IS hay phát xít cũng có đức tin, nhưng đó là những đức tin trên nền tảng của sự vô minh chứ không phải khai minh. Tuy nhiên, có điều còn đáng ngại hơn nữa, đó là có đức tin và luôn miệng nói về đức tin đó nhưng thực ra lại chẳng tin gì vào nó cả. Khi đó con người ta sẽ trở nên trí trá, hai mặt (thậm chí nhiều mặt) và đáng sợ biết bao.

Căn tính và đức tin, cái lõi sâu nhất trong cấu trúc văn hóa của con người, thì không chỉ có “bề trên” (Chúa, Phật, Thánh, Trời, Tổ tiên…) mà còn có cả “bề trong” (lương tri và phẩm giá của mình). Trong 100 việc mà ta làm thì có khi chỉ có 1 việc là người khác biết, còn 99 việc kia chẳng ai biết cả. 

Do vậy, nếu ta không có “bề trên”, cũng chẳng có “bề trong” thì có nghĩa là ta không có “chân thắng”, cũng chẳng có “chân ga” cho cuộc đời của mình. Khi đó đâu có gì ngăn ta lại trước cái sai, cái xấu và cũng đâu có động lực gì thôi thúc ta dấn thân cho điều đúng, điều đẹp.

Như vậy, dựng lại người hay dựng mới người thì cần giúp con người biết cách tự lực khai phóng, từ đó biết cách dựng cái “bề trong và bề trên” cho chính con người và cuộc đời của mình. Khi đó ta không chỉ có những con người tử tế, những gia đình tử tế, những tổ chức tử tế, mà còn có cả một xã hội tử tế.

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 11.

ất Việt trời Nam;
Da vàng tóc đỏ.
Trong họ ngoài hàng;
Quê cha đất tổ.

Bốn nghìn năm một góc giang sơn;
Hăm lăm triệu con người lớn nhỏ.
Vốn xưa nay cùng chung một gốc, tre già măng mọc, đùm bọc lấy nhau;
Dẫu Bắc Nam nước chảy đôi dòng, suối đục ngòi trong, đổ dồn một chỗ.

Nghề văn học lấy mở mang nền vũ trụ, cha truyền con nối, dốc một lòng tin một đạo, trải bao năm hun đúc, mới có ngày nay; 

Hội cạnh tranh lai láng cõi hoàn cầu, trống ngược kèn xuôi, kẻ thế nọ người thế kia, mới dăm kỷ lênh chênh, kể từ thủa nọ.

Mẹ gà con vịt, kẻ bắc người đông;
Cá nước chim trời, bèo trôi sóng vỗ.

Thế mà: 

Qua cầu cất nhịp, ninh ních đò đầy;
Nhờ gió bẻ măng, trơ trơ mặt gỗ.
Thớt trên đè thớt dưới, bóp nặn ruột gan;
Cá lớn nuốt cá bé, tranh vanh đầu sỏ.

Ông nói gà bà nói vịt, lợn lành chữa lợn toi;
Thanh cậy thế Nghệ cậy thần, ma mới nạt ma cũ.
Uống nước không chừa cặn, quen mùi đâu thấy bở thì đào;
Theo đóm chực ăn tàn, thấy người sang bắt quàng làm họ.

Gà đẻ gà cục tác, quái nhỉ cá vàng bụng bọ, ăn sống nuốt tươi;
Dòi trong xương dòi ra, ghê thay mặt sứa gan lim, đỏ lòng xanh vỏ.
Chẳng xét cành khô thì lá héo, ăn quả đào cây;
Lại còn dạ cá với lòng chim, thả bờ đơm đó.

Vung tay quá trán, trống bỏi đập lưng;
Khoác áo qua đầu, lấy tròng đeo cổ.
Vũ thần lừa nhau miếng mộc, đục nước béo cò;
Gà què ăn quẩn cối xay, bới bèo ra bọ.

Ngày mùng 2 Tết, nói chuyện về Nếp người  - Ảnh 13.

Máu loãng còn hơn nước lã, nào có biết môi hở răng lạnh, gàn toét trông chàng;
Lửa cháy lại đổ dầu thêm, mà cam lòng dục bị xui nguyên, đâm pha chầy củ.

Ăn cây bới gốc chỉ làm thầm;
Vạch lá tìm sâu không biết hổ.
Vỏ đậu nấu đậu nghĩ mà thương;
Lá khoác che khoai nên phải rõ.

Em nâng chị ngã, chớ cậy ốc mang mình ốc nổi, nhắm mắt bước qua; 
Cú có vọ mừng, đừng tưởng trâu buộc ghét trâu ăn, ra tuồng ghét bỏ.
Ngán ngẩm thay, trâu ngã lắm kẻ cầm dao;
Nào có biết ngựa đau cả tàu không ngon cỏ.

Ra chi tuồng ăn xổi ở thì;
Ra chi lũ đổi không làm có.
Ăn mắm ngắm về sau, chú khi ni, mi khi khác, đắp đổi luân hồi;
Làm nhân thân chẳng khốn, đông có mây tây có sao, đỡ đần nghèo khổ.
Con chị cõng con em, kính trên thì bền dưới, gìn giữ trước sau;
Của anh như của chú, sẩy vai xuống cánh tay, đi đâu thiệt lỗ.

Đất có tuần nhân có vận, luân hoàn kẻ trước người sau;
Trên trông xuống dưới trông lên, san sẻ kẻ bần người phú.
Làm giầu sao bằng làm phúc, nên theo đòi những cách tân trào;
Thương người như thể thương thân, chớ bắt chước những phường cực hủ.

Trăm đời cùng chung một tổ, tứ hải giai huynh đệ, chớ tưởng xa xôi;
Một cây há dễ nên rừng, cửu đại hơn ngoại nhân, vài lời gắn bó.

Phạm Ngọc Đường
(Nam Phong số 125 năm 1928)

Đây là một bài phú đăng trên tạp chí Nam Phong của ông chủ bút Phạm Quỳnh số 125 đúng 90 năm trước (1928). Tác giả Phạm Ngọc Đường chỉ xuất hiện một lần với chỉ một bài phú này. 

Đọc nó để thấy gần một thế kỷ trước vấn đề đạo đức nhân sinh trong lối sống người Việt đã được gióng lên tiếng chuông báo động, cảnh tỉnh. “Uống nước không chừa cặn, quen mùi đâu thấy bở thì đào; theo đóm chực ăn tàn, thấy người sang bắt quàng làm họ…. Chẳng xét cành khô thì lá héo, ăn quả đào cây. Lại còn dạ cá với lòng chim, thả bờ đơm đó”…

Ngót trăm năm đọc lại, lại thấy nhiều tính hư thói xấu của người Việt vẫn còn đó, có cái theo thời thế, còn trầm trọng, nguy hiểm hơn. Đất Việt trời Nam, “trải bao năm hun đúc mới có ngày nay”, nên bài phú nói là khuyên nhưng thực là một tiếng kêu thương, một niềm đau đớn.

Và tác giả dùng thể phú này với những câu thành ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày được dùng một cách đăng đối, linh hoạt, là muốn lay động tâm can người mình để tỉnh ngộ họ.

“Khuyên người ta nên yêu nhau” như vậy là một lời khuyên không bao giờ cũ, luôn cần được nói lên và lắng nghe, bởi vì ở đời người ta “làm giàu sao bằng làm phúc”.

Phạm Xuân Nguyên


 

VŨ HOÀNG

 

BẢO SUZU