Tình yêu không tật nguyền: Mơ ngôi nhà và những đứa trẻ
Các cặp vợ chồng khuyết tật vừa khát khao sớm có con vừa phải vượt qua những nỗi sợ hãi để có những sinh linh chào đời.
Tình yêu không tật nguyền: Mơ ngôi nhà và những đứa trẻ
Các cặp vợ chồng khuyết tật vừa khát khao sớm có con vừa phải vượt qua những nỗi sợ hãi để có những sinh linh chào đời.
Hạnh phúc của gia đình Đinh Công Việt ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Sợ con giống… cha mẹ
Ca từ rất dễ thương của nhạc sĩ Phan Văn Minh trong bài Cả nhà thương nhau, “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba” đôi khi lại trở thành nỗi ám ảnh của những cặp đôi khuyết tật. “Làm cha mẹ, ai chẳng muốn con cái sinh ra giống mình. Nhưng chúng tôi chỉ muốn mấy đứa giống mình ở tâm hồn, chứ đừng giống những khiếm khuyết mà chúng tôi phải gánh chịu”, Võ Thị Huyền Trang, 28 tuổi, cô gái khiếm thính đang làm công nhân may ở Hoà Thọ (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), viết ra những dòng như vậy trên giấy để “trò chuyện” cùng người viết.
Những quan niệm cổ hủ và miệng lưỡi thế gian vẫn thường cay nghiệt rằng người khuyết tật không nên kết hôn, còn nếu kết hôn thì cũng không nên sinh con vì sẽ “mắc tội” với con cái vì hình hài giống cha mẹ. Nhưng thực tế, tình yêu của Trang và người chồng khiếm thính Lê Công Phước đã chứng minh điều ngược lại: họ đã có bé Trà My, một đứa trẻ thông minh, lém lỉnh. Trà My trở thành niềm hạnh phúc tột cùng của gia đình, giúp vợ chồng Trang thêm nghị lực, niềm tin bước tiếp trên đường đời.
Ngô Thị Loan (22 tuổi, trú xã Hải Lệ, TX.Quảng Trị), một cô gái bình thường “có gan” lấy chồng là Đinh Công Việt (một người khiếm thính) cũng từng ám ảnh trước nỗi lo cho con. Loan kể lấy nhau chưa lâu thì cô mang thai, đêm nào cô cũng nguyện cầu cho con chào đời an lành và bình thường. “Nhiều người bảo lấy người khuyết tật thì con sẽ có gien khuyết tật của người đó. Lúc yêu thì em không nghĩ gì nhưng đúng là có bầu mới lo. Mình thì không sao chứ lỡ con có làm sao thì đau khổ lắm”, Loan nói, giọng vẫn chưa hết hồi hộp. Nay con gái đã 8 tháng tuổi, lanh lợi, nhưng vợ chồng Loan vẫn đếm từng ngày đợi đến khi cháu đến tuổi biết nói…
Lạ lùng nhất trong các nhân vật mà người viết tiếp xúc là cặp đôi khiếm thính từng bị cấm cản dữ dội từ cả hai phía gia đình: Phan Thị Anh Ngọc (26 tuổi) – Nguyễn Thành Hưng (30 tuổi). Bởi sau những trăn trở lo âu, lần lượt 2 đứa con ra đời đều khoẻ mạnh. Bé gái được gửi về quê nội ở xã Gio Hải (H.Gio Linh) đi học, bé trai nhỏ ở nhà ngoại cùng 2 vợ chồng để tiện chăm sóc.
Mơ một lần gọi tên con
Hằng ngày, Trang miệt mài cùng những đường may ở nhà máy. Giây phút hạnh phúc nhất trong ngày là khi rời nhà máy đến trường mầm non đón con gái 4 tuổi. Sau cái ôm, sau nụ cười của bé Trà My thì mọi mệt nhọc của đời công nhân tan biến hết. Chỉ tiếc là Trang vẫn chưa bao giờ gọi được tên con… Mặc dù vậy, giữa mẹ con họ có sự tương liên kỳ lạ, rất hiểu nhau. Trang luôn biết con cần gì, muốn gì; ngược lại, Trà My cũng hiểu những gì mẹ truyền tải dù chỉ là những tiếng ú ớ hoặc ngôn ngữ cử chỉ.
Bé Trà My đùa giỡn với cha mẹ
|
Buổi tối, phòng trọ nhỏ của Trang luôn vui tươi với những tiếng cười của bé Trà My. Đó là lúc cả nhà cùng ngồi ăn cơm, đùa nghịch và hai vợ chồng tập cho Trà My những động tác ngôn ngữ của người khiếm thính để bé dễ giao tiếp với cha mẹ.
Còn Việt, qua “phiên dịch” của vợ, anh tâm sự nhiều lúc vẫn không tin về hạnh phúc mình đang có. Loan kể khi cô lâm bồn tại bệnh viện, Việt vẫn đang làm việc tại nhà máy chế biến bao bì. Khi Việt chạy tới nơi, đứa con gái đã chào đời lành lặn. “Lúc ấy ở phòng bệnh rất đông người, nhưng vì quá sung sướng anh Việt như quên hết tất cả, chạy lao đến ôm lấy con hôn hít, chả quan tâm đến mọi người xung quanh. Em thấy thế cũng hạnh phúc đến ứa nước mắt, biết mình đã không chọn sai người”, Loan nói, giọng nghèn nghẹn như thể câu chuyện vừa mới xảy ra.
Từ khi làm bố, Việt chẳng đi đâu ngoài lộ trình từ nhà đến nhà máy và ngược lại. Vốn không ham chơi bời, nay Việt càng dành hết thời gian và tâm trí cho vợ con. Loan bảo, Việt không nói được nhưng lại có tài dỗ con và ru con ngủ rất… siêu. “Anh mà ngồi với con thì cả ngày cũng được. Nhiều khi em cũng phát ghen vì từ dạo có con ảnh đôi khi quên luôn cả vợ”, Loan trách yêu chồng.
Người khiếm thính dành tình yêu cho đối phương mà không có thanh âm. Nên tình mẫu tử, phụ tử của họ cũng chẳng ồn ào. Có thể giấc mơ một lần gọi tên con với họ mãi mãi chỉ là giấc mơ, nhưng họ sẽ biết cách lên tiếng gọi, cả triệu lần trong trái tim mình.