28/11/2024

Xe ôm đưa đón đến trường

Nhiều gia đình đã chọn xe ôm đưa con đi học do không thể thu xếp được thời gian. Nhưng nên là xe ôm công nghệ hay xe ôm quen thì nhiều bố mẹ vẫn còn lăn tăn.

 

Xe ôm đưa đón đến trường

Nhiều gia đình đã chọn xe ôm đưa con đi học do không thể thu xếp được thời gian. Nhưng nên là xe ôm công nghệ hay xe ôm quen thì nhiều bố mẹ vẫn còn lăn tăn.

 
 
 
Nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn nên tự đưa con đi học hoặc nhờ xe ôm  	 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn nên tự đưa con đi học hoặc nhờ xe ôm

ẢNH: NGỌC THẮNG

 
Xe quen xe lạ, giá cứng giá mềm
Nghỉ hưu đã gần hai chục năm, ông Nguyễn Văn Thái (ngụ Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có từng đó năm làm nghề xe ôm. Cứ sáng sáng, ông lại dựng chiếc Dream cũ ở ngay trước cửa nhà như một biển hiệu. Khách hàng của ông chủ yếu là người quen.
“Tôi thích đi xe ôm của ông Thái vì ông ấy đi chậm, tôi không chóng mặt như mấy cậu trẻ. Mà nhà cửa ông ấy cũng rõ ràng. Chăm chỉ, tử tế”, bà Kiều Trang (70 tuổi) – một người sống gần nhà ông Thái cho biết. Hiện ông có hai khách trẻ em đều đặn, thường xuyên cần đưa đi đón về ở trường và lớp học thêm. Bọn trẻ cũng quý ông như người nhà. Ông không nhận thêm khách nào nữa vào buổi tối.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn có được một người hàng xóm tin cậy như ông Thái để gửi con đi học. Chính vì thế, khi có xe công nghệ, nhiều gia đình như trút được gánh nặng. “Tôi không phải về nhà giữa trưa để đưa con đi học nữa. Việc họp tối giờ cũng đỡ căng thẳng hơn”, chị Minh Hằng (43 tuổi, ngụ Q.Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Giá cả cũng là một lợi thế của xe ôm công nghệ. Thông thường, các xe ôm quen sẽ tính cả tiền thời gian chết khi phải ngồi chờ các con học thêm. “Được cái là mình biết nhà biết cửa của họ, nhưng giá chênh. Tôi gọi xe ôm đầu phố đưa con đi học, chờ 1 tiếng rưỡi rồi đón về, đoạn đường 10 km hết 100.000 đồng. Còn chuyển sang xe ôm công nghệ, cả đi cả về hết chừng 55.000 – 61.000 đồng tuỳ hôm”, chị Ngọc Lan (ngụ Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Mặc dù vậy, lại có một vấn đề đặt ra khiến chính những cha mẹ không tự đưa đón con đi học được băn khoăn. Đó là khả năng trẻ cứ liên tiếp đi học với xe ôm ngày này qua ngày khác. Trên quãng đường đó, các em vẫn có nhu cầu giao tiếp, chia sẻ câu chuyện học tập, bạn bè, nhưng lại không chia sẻ được. Trong khi, sự chia sẻ ấy chắc chắn sẽ có nếu người đưa đón các em là bố mẹ.
“Bản thân con tôi cứ sáng ra lại hỏi, mẹ ơi, thế tối nay mẹ có đưa con đi học thêm không. Mỗi lần nói không là mặt cháu buồn thiu. Mình cũng muốn nhưng làm thế nào được vì chắc chắn giờ đó cơ quan chưa xong việc”, chị Ngọc Lan (37 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều cách gần con
TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập CLB Đọc sách cùng con, cho biết bà đánh giá cao việc có các dịch vụ xe ôm đưa con đi học. “Có những người vì quá bận rộn mà không thể thu xếp được thời gian. Có người như tôi chẳng hạn lại không lái xe tốt để có thể đưa con đi học. Vì thế nên có xe ôm cũng giải quyết được nhiều việc. Đương nhiên, trẻ bao giờ cũng sẽ vui hơn khi được bố mẹ đưa đón rồi. Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng chuyện vì thế mà bố mẹ và con cái xa cách. Nếu đã không đưa được con đi học thì khi về nhà có thể tăng thời gian đối thoại và nghe con tâm sự. Bố mẹ cũng có thể nói chuyện với con về việc vì sao mình không thể đưa đón con để con chia sẻ”, bà nói.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), cho rằng xe ôm là một dịch vụ cần thiết vì không phải gia đình nào cũng có thể thu xếp đưa con đi học. “Đó là một dịch vụ sinh ra để phục vụ nhu cầu xã hội thôi. Nhìn vấn đề một cách đơn giản như vậy thì thấy cái cần nhất là chất lượng dịch vụ an toàn. Bây giờ, với xe ôm công nghệ có thể rõ ràng tên tuổi người lái xe, có thể chấm điểm người lái xe thì yên tâm hơn chứ”, ông Bình nói.
Cũng vì câu chuyện an toàn, ông Bình cho rằng, có nhiều kỹ năng trẻ cần học để bảo đảm điều đó khi đi xe ôm. “Khả năng bị xâm hại khi đi xe là có, dù khảo sát cho thấy trẻ thường bị xâm hại bởi người quen. Mặc dù vậy, các em cũng cần được học các kỹ năng báo động, hay việc không cho người khác chạm vào người…”, ông Bình chia sẻ.