28/11/2024

6 Đứa trẻ quyên sinh và 450 ngày đợi một phiên toà

Cô bé học lớp 5 tố cáo mình bị người hàng xóm 58 tuổi xâm hại tình dục, sau đó đã quyên sinh khi biết cơ quan điều tra không khởi tố vụ án.

Đứa trẻ quyên sinh và 450 ngày đợi một phiên toà

Cô bé học lớp 5 tố cáo mình bị người hàng xóm 58 tuổi xâm hại tình dục, sau đó đã quyên sinh khi biết cơ quan điều tra không khởi tố vụ án.


 
 
 

Chị Lợi ôm di ảnh con tại tòa và lá thư tuyệt mệnh của bé Kiều /// Ảnh: Y.T

Chị Lợi ôm di ảnh con tại toà và lá thư tuyệt mệnh của bé Kiều

ẢNH: Y.T

Gần một năm sau ngày em ra đi, một phiên toà được mở để xét xử bị cáo tội dâm ô trẻ em.
Ngày 18.1, phiên xét xử sơ thẩm liên quan vụ án bé Hồ Mộng Kiều tự tử sau khi tố bị xâm hại, diễn ra tại TAND tỉnh Cà Mau. Đó là phiên tòa mà cô bé 13 tuổi đã chờ đợi và cuối cùng tự kết thúc cuộc đời mình trong tuyệt vọng. Đó là phiên t mà chị Hữu Thị Lợi (ấp 5, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, tỉnh Cà Mau) ròng rã đi đòi, với sự đồng hành bền lòng của nhóm luật sư và nhà báo tại TP.HCM và đặc biệt là những chỉ đạo kịp thời, sát sao của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Cà Mau…
“Xin tòa trả công bằng cho con tôi”
“Đơn xinh yêu cầu. Gửi mấy chú công an làm cho mọi việc này toả sáng và xinh hãy làm chứng cho con, con xinh hứa là không bao giờ tái phạm nữa con xin hứa”. Thư của Kiều viết từ hai năm trước gửi “mấy chú công an” tố cáo em bị Hữu Bê xâm hại, dù còn đầy lỗi chính tả nhưng cô bé học lớp 5 trường dân tộc nội trú đã gửi gắm vào đó biết bao hy vọng.
Nhưng rồi đau đớn thay: “Sự thật phơi bày. Tôi đã sấm chết không còn ở trên trái đất nữa. Tôi chết nhắm mắt không yên khi chuyện này không được giải quyết”. Vẫn những nét chữ đầy lỗi chính tả, Kiều để lại thư và quyên sinh trong tuyệt vọng, sau quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan Công an tỉnh Cà Mau vì không đủ chứng cứ, “chỉ có lời khai của Hồ Mộng Kiều”. Thư tuyệt mệnh viết sau thư tố cáo chừng được 4 tháng rưỡi.
Hơn một năm ba tháng sau khi mẹ con chị Hữu Thị Lợi gửi lá đơn tố cáo đầu tiên và 11 tháng sau khi Hồ Mộng Kiều tự tử, vụ án được đưa ra xét xử. Để có phiên t này, một số cán bộ công an liên quan đến việc không khởi tố vụ án đã phải nhận hình thức kỷ luật.
Chị Lợi đến t từ rất sớm, lặng lẽ đặt di ảnh con phía sau dòng chữ “Người bị hại”. Đó là tấm ảnh bé Kiều tự chụp bằng điện thoại di động. Một khuôn mặt xinh đẹp, ngây thơ. Và đó cũng là một trong những tấm ảnh cuối đời.
Viện KSND tỉnh Cà Mau đề nghị bị cáo Hữu Bê mức án 6 – 7 năm tù giam về tội dâm ô trẻ em, đồng thời buộc bồi thường gia đình nạn nhân 13 triệu đồng. Luật sư Nguyễn Thanh Thanh, đại diện nhóm 5 luật sư phía nguyên đơn, khẩn thiết: “Đề nghị HĐXX áp dụng khung hình phạt cao nhất của khoản 3 điều 116 bộ luật Hình sự, tuyên phạt bị cáo 12 năm tù giam nhằm trừng phạt nghiêm khắc không những đối với bị cáo mà còn đủ sức răn đe với những ai cố ý xâm hại tình dục với người khác, đặc biệt xâm hại tình dục đối với trẻ em, vì nạn nhân Hồ Mộng Kiều khi bị xâm hại chưa đến 13 tuổi. Đồng thời bồi thường gia đình nạn nhân 155 triệu đồng”.
Bị cáo Hữu Bê, trước vành móng ngựa, một mực khẳng định không xâm hại bé Hồ Mộng Kiều. Còn đại diện 3 luật sư bào chữa cho bị cáo lý luận rằng không có nhân chứng nào trực tiếp thấy hình ảnh Hữu Bê xâm hại Hồ Mộng Kiều nên đề nghị tuyên bị cáo trắng án.
Theo đại diện Viện KSND, xâm hại tình dục, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em, là một dạng tội phạm đặc biệt, yêu cầu phải có nhân chứng thấy trực tiếp hình ảnh xâm hại là không thực tế. Về cái chết của Hồ Mộng Kiều, do gia đình yêu cầu không giám định tử thi, nguyên nhân dẫn đến cái chết chưa rõ ràng nên Viện KSND bảo lưu đề nghị về mức án và mức bồi thường.
Trong suốt phiên tòa, người mẹ cứ ngồi im lặng lắng nghe, đôi môi mím chặt, kể cả khi người nhà bị cáo có thái độ bức xúc. Khi được chủ toạ yêu cầu, chị nói ngắn gọn: “Tôi chỉ có nguyện vọng tòa xử đúng người, đúng tội, trả lại công lý, công bằng cho con tôi!”.
Ngôi mộ của người nghèo
Kết thúc ngày xử đầu tiên, tại sân TAND tỉnh Cà Mau, trong khi người nhà bị cáo la ó, chửi bới cho rằng gia đình chị Lợi vu oan bị cáo Hữu Bê để đòi tiền, thì người mẹ trẻ vẫn chỉ lặng lẽ ra về.
Chị ghé chợ mua bó nhang, túi trái cây rồi xách thẳng ra cánh đồng phía sau chùa Cao Dân (H.Thới Bình). Nơi đó, có một tháp mộ tập thể dành cho những người nghèo nhất miền quê nghèo này.
Tháp mộ được xây giữa ruộng. Ruộng vừa qua mùa thu hoạch. Chị lội bì bõm trong sình, leo lên bậc thềm cao gần tới vai của tháp để trò chuyện cùng con. Gần một năm qua, từ ngày con mất, người mẹ này như người mất hồn. Có niềm vui nỗi buồn, chị đều trèo lên tháp mộ, tâm sự cùng con.
“Con bé từ nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi. Không gần gũi mẹ. Giờ có muốn kể gì cho nó nghe thì phải lội ra đây”, người mẹ ray rứt.
Vợ chồng Hữu Thị Lợi chia tay từ khi bé Hồ Mộng Kiều mới 3 tuổi, em gái của Kiều mới hơn 1 tuổi. Chị ẵm con gửi cho một ngôi chùa ở Bà Rịa-Vũng Tàu nuôi dưỡng rồi đi làm công nhân ở Bình Dương. Khi con đến tuổi dậy thì, chị đón về gửi ông bà ngoại để có người sát sao bên cạnh.
Ông bà ngoại là người chân chất hiền lành, sống trong ngôi nhà không có cái cổng để đề phòng kẻ ác. Trong thời gian này thì xảy ra việc Kiều bị người hàng xóm xâm hại nhiều lần như em và gia đình tố cáo.
Đặt trái quýt, trái mãng cầu bên cạnh hũ sành đựng tro cốt của con, chị Lợi thắp nhang, gọi con về ăn rồi bật khóc.
“Kiều ơi, ba ngày nữa toà sẽ tuyên án. Ngày con chờ đợi tới rồi. Toà xử xong rồi mẹ mong con siêu thoát nhe Kiều!”, người mẹ khấn nguyện trong nước mắt. Đáp lời người mẹ chỉ có gió lùa những vạt bông dại trắng muốt bao quanh tháp mộ, xào xạc.
Ngày mai (22.1), dự kiến TAND Cà Mau sẽ tuyên án. Bản án dù ra sao, thì có một điều không thể thay đổi: Cô bé 13 tuổi hồn nhiên, ngây thơ, đã phải tuyệt vọng từ bỏ cuộc đời sau những tội lỗi, sai lầm của người lớn.