28/11/2024

Ngăn thảm cảnh giết con rồi tự tử, bằng cách nào?

Theo TS Lê Thị Thiên Hương, cần phải nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn những hoàn cảnh dẫn đến các vụ giết người thân rồi tự vẫn, cũng như đặc trưng thủ phạm để từ đó ngăn chặn tội ác.

 

Ngăn thảm cảnh giết con rồi tự tử, bằng cách nào?

Theo TS Lê Thị Thiên Hương, cần phải nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn những hoàn cảnh dẫn đến các vụ giết người thân rồi tự vẫn, cũng như đặc trưng thủ phạm để từ đó ngăn chặn tội ác.


Ngăn thảm cảnh giết con rồi tự tử, bằng cách nào? - Ảnh 1.

Sau đây là góc nhìn của tác giả.

“Câu chuyện đau lòng “Nghi án cha cho 3 con uống sữa pha thuốc trừ sâu tự tử” đã làm tất cả chúng ta bàng hoàng với niềm thương cảm dành cho các cháu bé đáng thương.

Mỗi cá nhân chúng ta cần chú ý quan tâm đến tâm lý, suy nghĩ của các thành viên trong gia đình, đặc biệt khi gia đình đang phải đối mặt với khó khăn. Một gia đình đoàn kết, thấu hiểu lẫn nhau sẽ là điểm tựa của mỗi người, giúp tránh rơi vào các hành vi cực đoan, tiêu cực”.

TS Lê Thị Thiên Hương

 

Vụ việc này xảy ra ở Hậu Giang và người cha cũng uống thuốc tự vẫn, khiến cả bốn cha con phải nhập viện cấp cứu.

Sốc và bất lực

 

Đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện buồn như thế này. Các vụ cha, mẹ giết con rồi tự tử cũng đã từng xảy ra trước đây và phần lớn đều có kết cục bi thảm. 

Trước những sự kiện đau buồn như thế và cũng vì không xác định được động cơ cụ thể, chúng ta thường cho rằng người chủ động thực hiện hành vi này có vấn đề về thần kinh.

Tuy nhiên, điều đáng nói là thường không ai nhận ra dấu hiệu gì đặc biệt trước khi vụ việc xảy ra. Thủ phạm cũng không phải là người có tiền sử bị bệnh thần kinh. 

Đó là những con người bình thường trong hành vi, cử chỉ, lời lẽ hằng ngày như bất cứ ai trong mỗi chúng ta. Chính vì thế, chúng ta vừa bị sốc vì tính bi thảm của sự việc, vừa cảm thấy bất lực vì không thể hiểu được nguyên nhân của nó.

Phải nói thêm rằng, trên thế giới cũng có nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, cả ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. Theo điều tra thì hiện nay Nam Phi là nước có tỉ lệ các vụ giết người trong gia đình rồi tự vẫn cao hơn mức trung bình trên thế giới. 

Vấn đề này ở Anh, Mỹ cũng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, vì hiện tượng này đang trở nên phổ biến hơn.

Nhận diện “mẫu” để ngăn chặn

Các chuyên gia tâm lý làm việc trên các vụ án loại này đã phát hiện ra có những đặc điểm chung, từ đó xây dựng lên một “mẫu” người mang các đặc điểm chung của thủ phạm giết người thân rồi tự vẫn. 

Trong vụ việc vừa xảy ra ở Việt Nam, có thể nói người cha (một mình chăm ba con nhỏ, vợ đi làm xa nuôi gia đình) mang ít nhiều đặc điểm của hình mẫu này. Vì thế, nếu như quan sát kỹ, có thể nhận được ra những người có các đặc điểm này và vì thế có thể tìm giải pháp hạn chế, hay tránh được sự việc đau lòng xảy ra.

Đặc điểm đầu tiên là người chủ động thực hiện hành vi giết người thân rồi tự tử trong phần lớn trường hợp là đàn ông – người cha, hay người con trai – chứ hiếm khi là mẹ, hay con gái trong gia đình. Cũng trong phần lớn các trường hợp, nạn nhân là trẻ con hoặc phụ nữ.

Có ý kiến cho rằng vì đàn ông thường là người “trụ cột”, người “bảo vệ” gia đình, vì thế một số người thường cường điệu trách nhiệm của bản thân tới mức cực đoan. 

Chính vì thế, trong những hoàn cảnh khó khăn, những người đàn ông này thường tự quyết định cho cả gia đình. Trong trường hợp cực đoan, đó là quyết định sống hay chết. 

Đặc biệt, khi người đàn ông ở trong tình trạng phải một mình đối mặt với khó khăn, cảm thấy bản thân bị xa lánh, bị coi thường, đơn độc thì điều này lại càng tăng khả năng giết người – tự vẫn.

Đặc điểm tiếp theo là trong các vụ giết người – tự vẫn, thủ phạm thường là người đang phải đối mặt với một vấn đề cụ thể, cảm thấy không thể giải quyết được, và sự việc dường như nằm ngoài tầm kiểm soát. 

Trong rất nhiều trường hợp, khó khăn về tài chính, kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến hành động kinh khủng này. 

Ngoài ra, những người tìm đến giải pháp giết người thân – tự vẫn thường không chịu tìm sự giúp đỡ ở người xung quanh vì họ không muốn chấp nhận bản thân là người thua trong cuộc đời này.

Cuối cùng, trong các vụ giết người thân rồi tự vẫn có thêm điểm chung nữa là người thực hiện thường là người đã từng có vấn đề về bạo hành gia đình. 

Đồng thời, thủ phạm thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng hành vi giết người, và vụ việc chỉ được phát hiện khi đã xảy ra. Đây là một trong những điều khá khó khăn để phát hiện và ngăn chặn các vụ việc này xảy ra.

Để hạn chế các vụ việc đau lòng tương tự xảy ra, một mặt, các chuyên gia cần phải nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn những hoàn cảnh dẫn đến các vụ giết người thân rồi tự vẫn cũng như những đặc điểm đặc trưng của thủ phạm. 

Nhờ vào đó, việc xác định những người có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh này sẽ dễ dàng hơn, và vì thế xã hội dễ ngăn chặn hơn.”

Trẻ con vô tội

Trong ý kiến phản hồi của bạn đọc đã có nhiều lời cầu mong ba cháu bé đáng thương vượt qua được tai nạn này. Bạn đọc Huy bày tỏ: “Mong rằng các bé sẽ chóng bình phục và không bị di chứng gì về sau”.

Đề cập đến hành động của người cha nếu thực sự cho con uống thuốc trừ sâu, bạn đọc Võ Khôi gọi đó là sự nhẫn tâm vì: “Cha mẹ có nghĩa vụ phải bảo vệ con cái của mình, đằng này lại còn nỡ ra tay hạ độc chính con của mình”.

Bạn đọc Nguyên Trí cũng phân tích: “Cái sai của cha mẹ, của người lớn là gây tổn hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh mạng, tâm lý của các em bởi những tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực, hành động nông nổi của mình”.

Đồng tình với các ý kiến trên, bạn đọc Như Ý nêu rõ: “Có thể vì nghèo khó, vì mâu thuẫn gia đình nên người cha có ý muốn giải thoát cho cả nhà. Nhưng không ai chấp nhận hành động này cho dù là lý do gì. Trẻ con vô tội. Cha mẹ cũng không có quyền tước đoạt mạng sống của các em”.

N.N.

TS LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG (Pháp)