10/01/2025

Áo xanh xuống phố: Phóng viên Thanh Niên ‘làm’ Trật tự viên giao thông

Khói bụi, ồn, kẹt xe, tai nạn… là nỗi ám ảnh của người dân khi tham gia giao thông tại TP.HCM. Vậy mà họ – hơn 800 trật tự viên giao thông – phải đối mặt nỗi ám ảnh đó ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.

 

Áo xanh xuống phố: Phóng viên Thanh Niên ‘làm’ Trật tự viên giao thông.

 

Khói bụi, ồn, kẹt xe, tai nạn… là nỗi ám ảnh của người dân khi tham gia giao thông tại TP.HCM. Vậy mà họ – hơn 800 trật tự viên giao thông – phải đối mặt nỗi ám ảnh đó ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.





Anh Nguyễn Ngọc Hùng đang “tả xung hữu đột”, điều tiết giao thông ở cầu Chữ Y	 /// Ảnh: Trác Rin

Anh Nguyễn Ngọc Hùng đang “tả xung hữu đột”, điều tiết giao thông ở cầu Chữ YẢNH: TRÁC RIN.

Sau khi liên hệ Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong (thuộc lực lượng TNXP TP.HCM) để làm trật tự viên (TTV) giao thông, tôi được anh Nguyễn Bá Ngôi (Đội trưởng Đội huấn luyện kiểm tra) chỉ cách thổi còi, phất cờ, vị trí đứng chốt…
“TTV phải nghiêm chỉnh, giờ giấc chính xác. Gặp ai dừng đèn đỏ lấn vạch vôi, TTV nhỏ nhẹ nhắc nhở. Nhưng nếu họ không nghe thì… thôi, tránh mọi cự cãi!”, anh dặn dò.
Bất an chực chờ

Một ngày tháng 12.2017, tôi nhận nhiệm vụ ngăn dòng xe từ đường Hưng Phú rẽ trái, hướng qua Q.5 trên cầu Chữ Y – một điểm nóng kẹt xe mà TTV nào cũng ngán. Đồng nghiệp Nguyễn Hữu Nhân (39 tuổi, ngụ Q.5) nhắc: “Thổi còi, ngoắc cờ nhưng phải nhìn trên ngó dưới, ở đây nguy hiểm lắm, em mới làm nên phải cẩn thận nhé!”. Thật vậy, ở đây xe cộ chạy loạn xạ, nhiều người đã kẹt xe còn cố… nẹt pô giành đường, phóng vun vút như chốn không người.

Một ngày khác trời mưa tầm tã, tôi đứng chốt tại “điểm nóng” kẹt xe ngã tư Nguyễn Văn Cừ – Trần Hưng Đạo, Q.5. Thấy lính mới, TTV Huỳnh Tấn Tài (35 tuổi, ngụ Q.5) nói: “Đứng coi tui làm, chút nữa hãy ra chứ lơ tơ mơ xe tông đó”.
Sau mấy chục phút nhìn đàn anh “tả xung hữu đột”, ngoắc cờ, thổi còi “bíp! bíp” để phân luồng, tôi mặc áo mưa, tay cầm cờ, miệng ngậm còi đầy khí thế ra làm thiệt. Chân ướt chân ráo, tôi đã “ăn” ngay cú cán qua hai chân từ chiếc xe máy. Thấy tôi xuýt xoa, anh Tài chỉ tay xuống chân mình rồi nói: “Nè, tui cũng mới bị xe máy chạy ngang qua, nhức quá trời luôn. Xui thì bị thôi, chứ kinh nghiệm không ăn thua. Tui làm TTV 7 năm rồi mà vẫn thường xuyên bị xe tông trúng”.
Áo xanh xuống phố1

Phóng viên Thanh Niên trực tiếp xuống đường điều tiết, phân luồng giao thông tại vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh)ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Lát sau đường thông thoáng, tôi đứng chờ đèn đỏ chuyển xanh để thổi còi, bỗng có tiếng chửi chát chúa: “Đ.M thằng kia, mày bị… khùng hay sao mà chỉnh đèn đỏ lâu dữ vậy!”. Đứng gần đó, anh Tài chạy lại gỡ rối: “Đèn tín hiệu CSGT chỉnh chứ tụi tui đi phân luồng điều tiết, có biết gì đâu”.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng (47 tuổi, ngụ Q.8) làm TTV nhiều năm trên cầu Chữ Y. Dáng người mập, thấp… trái ngược với hình ảnh nhanh nhẹn, lăn xả của anh mỗi khi cầu kẹt xe. Sáng làm việc từ 6 – 10 giờ, anh về nhà phơi áo quần, nấu cơm, đón đưa con đi học… Chiều tiếp tục ra làm từ 16 – 20 giờ. Ở tuổi tóc đã ngả hai màu nhưng anh vẫn hài lòng công việc mình đang gắn bó.
“Tụi tui có ba đứa con. Vợ làm công nhân may gần chợ An Đông (Q.5), chiều tối mới về nên tui gánh vác việc nhà. Tui lớn tuổi rồi nên tìm việc khác cũng khó”, anh nói.
Nếu anh Hùng chọn TTV vì ít cơ hội làm nghề khác thì hai anh em sinh đôi Đinh Công Lục Quân và Đinh Công Hải Quân (23 tuổi, ngụ đường Phạm Hùng, Q.8) làm TTV vì việc đơn giản không lo thất nghiệp. Lục Quân cho biết vừa học xong lớp 12 anh đã quyết định theo nghề và gắn bó tới nay. “Hồi đó mình với đám bạn hay ăn ở quán chè gần nhà, nơi mấy anh TTV hay đứng phất cờ, thổi “bíp, bíp” suốt ngày. Thấy thú vị nên mình hỏi thăm, anh TTV nói dễ làm và có lương, nên rủ người em sinh đôi cùng nộp hồ sơ”, anh nói.
Trong khi đó, nghề TTV đối với anh Nguyễn Tiến Phi (41 tuổi, trọ ở H.Nhà Bè) như một duyên nợ. Quê tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau một thời gian lên Sài Gòn làm bảo vệ, anh được người quen giới thiệu làm TTV. Làm được 10 năm, đồng lương bèo bọt, sợ không lo nổi cho con cái nên anh chuyển sang lái taxi được 3 năm. Có lần xui rủi quệt trúng ô tô khác, anh phải đền tiền, phần bị ông quản lý ép tăng ca quá nên anh nghỉ, xin làm TTV lại.
Áo xanh xuống phố2

Tan ca, anh Hùng về nhà thay đồ rồi đến trường rước con đi học về

Áo xanh xuống phố3

Anh Nguyễn Tiến Phi (ngoài cùng bên phải) cho biết nghề lương không cao nhưng vì yêu thích, anh vẫn bám trụ

Muôn kiểu làm thêm
Hiện nay, địa bàn TP.HCM có 803 TTV, khoảng 190 vị trí đứng chốt và thay đổi theo từng thời điểm. TTV tự chọn làm ca gãy (từ 6 – 10 giờ, chiều từ 16 -20 giờ) hoặc ca suốt (từ 6 – 14 giờ hoặc từ 14 – 22 giờ). “Đảm bảo các điều kiện về sức khoẻ, học vấn chỉ cần tốt nghiệp cấp 2 trở lên… là có thể theo nghề TTV”, ông Đinh Công Văn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích TNXP, cho biết.
Điều kiện làm việc dễ dàng nên lương TTV cũng ở mức “khiêm tốn”, khoảng trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Vì thế, nhiều TTV phải làm thêm nghề tay trái để trang trải cuộc sống.

Với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, TTV Nguyễn Hùng Phúc (19 tuổi, ngụ Q.10) cho biết tan ca anh về nhà nghỉ một lát rồi đi làm cho một siêu thị bên Q.7 từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. “Phúc ngủ lúc nào?” tôi tò mò. Anh ngường ngượng: “Mình tranh thủ… ngủ ngày thôi, chợp mắt được vài tiếng rồi tiếp tục “chiến đấu”.

Sài Gòn những ngày cuối năm trở lạnh. Khuya 18.12.2017, tôi theo chân anh Nguyễn Hữu Nhân (39 tuổi, ngụ Q.5)… chạy xe ôm. Ban ngày làm TTV, khuya về xách thêm nón bảo hiểm, anh ra đậu xe ở ngã tư Nguyễn Trãi – Ngô Quyền (Q.5) tìm khách. Anh cho biết: “Tui ở nhà mẹ ruột trên đường Trần Bình Trọng để ra đứng chốt trên cầu Chữ Y cho gần. Vợ con ở nhà cha mẹ bên Q.Tân Phú. Tui làm miết cả tuần mới ghé qua một lần. Lương 4,2 triệu đồng/tháng tui đưa hết cho vợ trang trải, đóng tiền cho hai đứa con ăn học. Còn tui thì sống bằng tiền chạy xe ôm chừng 70.000 – 80.000 đồng/đêm”.
Nếu anh Nhân chạy xe ôm kiếm thêm thì anh Lê Hoàng Dũng (46 tuổi, quê Bến Tre) tham gia lực lượng dân phòng P.1, Q.5 như nghề tay trái. 6 giờ, anh làm TTV tới 14 giờ. Về phòng trọ trên đường Dương Bá Trạc (Q.8), tranh thủ ngủ được hơn… một tiếng đồng hồ anh lại tất tả đi.
“Tui làm dân phòng đi tuần tới 3 giờ sáng mới về phòng trọ. Lương TTV 3,9 triệu đồng/tháng. Lương dân phòng 1,8 triệu đồng/tháng. Tui là dân tỉnh, phải tốn tiền trọ hơn 1 triệu đồng/tháng, ăn uống, chi tiêu sinh hoạt… Chưa kể còn lo cho đứa cháu đi học nên phải làm nhiều việc mới đủ trang trải”, anh chia sẻ.
Phụ nữ cũng… xuống đường
Không chỉ đàn ông, nhiều phụ nữ cũng theo nghề TTV. Đều đặn 6 năm nay, mỗi ngày vào giờ tan tầm TTV Nguyễn Thị Hồng (41 tuổi, ngụ Q.10) lại cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến chốt trực là ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8 – Điện Biên Phủ (Q.3).
Áo xanh xuống phố4

Ảnh: Trác Rin

“Trước kia tui làm công nhân may ở Q.Bình Thạnh, sau công ty dời xuống H.Hóc Môn. Đi làm xa quá nên tui được ông già chồng “tiến cử” làm TTV”.
Trong khi đó, chị Trương Hoàng Tố Nga (25 tuổi, ngụ Q.8) đứng chốt ở ngã tư đường 3 Tháng 2 – Cao Thắng (ảnh), suốt ngày phơi mưa nắng nên nước da đen nhẻm. “Hồi mới làm da tui cũng trắng trẻo lắm đó. May tui… cưới chồng sớm, chứ để tới giờ, tàn tạ vầy ai dòm ngó?”, chị phân trần rồi kể tiếp: “Làm nghề này bà con thương lắm. Lúc kẹt xe nặng, bác xe ôm, người bán quán cũng ra đường phụ tui điều tiết. Ngày nào họ cũng cho đồ ăn, thức uống, cần “giải quyết nỗi buồn”, họ cũng vui vẻ cho đi nhờ nhà vệ sinh”.


 

Trác Rin