11/01/2025

Những người ‘vô hình’ – Kỳ 2: Vòng đời bế tắc

Cha mẹ sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân đã tạo ra những lứa con, cháu không giấy tờ. Vòng đời bế tắc ấy khiến những đứa trẻ vô tội gặp nhiều thiệt thòi, trắc trở trên đường học, đường đời.

 

Những người ‘vô hình’ – Kỳ 2: Vòng đời bế tắc

Cha mẹ sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân đã tạo ra những lứa con, cháu không giấy tờ. Vòng đời bế tắc ấy khiến những đứa trẻ vô tội gặp nhiều thiệt thòi, trắc trở trên đường học, đường đời.

Sống dưới “lốt” người khác
6 giờ sáng mỗi ngày, Lê Thanh Ty rời phòng trọ đẩy xe bánh tằm, bánh khoai mì nướng qua các nẻo đường. Mỗi khi dừng xe lại để bán hàng, anh hồi hộp ngó trước nhìn sau. “Đợt trước em bị “hốt” một chiếc xe rồi. Chiếc này em mới mượn tiền của chủ lò bánh mua lại”, Ty than thở.
“Sao không kiếm việc gì khác làm cho đỡ phập phồng như vầy?”, tôi thắc mắc. Ty giải thích: “Mình không có giấy tờ gì lận lưng, không biết chữ, đâu có ai chịu thuê mướn”.
Những người 'vô hình' - Kỳ 2: Vòng đời bế tắc - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

 
Từ nhỏ, Ty theo người cha vô gia cư sống ngoài đường, tối ngủ dưới gầm cầu Kiệu. Cha Ty đạp xích lô bữa đực bữa cái, còn lại ông thường chìm vào men rượu.
“Ba chỉ gọi em là Ty, ổng không đả động gì đến họ và năm sinh của em. Sau này có những lúc phải khai tên tuổi, em đã lấy theo họ Lê và năm sinh 1985 của một thằng bạn cùng bụi đời”, Ty chia sẻ rồi tâm sự thêm: “Hồi mới đẻ em, nghe đâu ba mẹ em đã chia tay, tính bỏ em trong Bệnh viện Từ Dũ luôn. Bà dì em không có con nên ẵm về nuôi. Nhưng có hôm ba xỉn quá, ổng bắt em đi. Bà dì hận đời, đốt hết giấy tờ của em và của bả rồi… tự tử”.

Ty kiếm sống bằng việc đánh giày, bán giấy dò kết quả xổ số, lượm rác… Có thời gian được giới thiệu vào làm giá đậu ở Q.7. Chị Nguyễn Thị Minh Phương (phụ trách nhóm trẻ Nụ Cười), người từng tiếp cận “Ty cầu Kiệu”, kể chị mãi không quên được hình ảnh Ty lúc 14 – 15 tuổi, nhỏ choắt, mỗi ngày vác mấy chục lu giá nặng. Ty nói với chị là muốn làm thật nặng nhọc để tối mệt nhoài lăn ra ngủ, nếu không thì trằn trọc hoài, nước mắt cứ trào ra khi nghĩ tới tình cảnh bản thân.

Năm 2011, Ty bị kết án bốn năm tù giam do buôn bán trái phép chất ma túy. “Tại hồi đó không có tiền nghĩ quẩn làm bậy. Thấy mình ngủ ngoài đường, người ta biểu mày bán cái này kiếm mấy trăm ngàn đồng mà ăn. Bán 2 – 3 lần thì bị bắt”, Ty nhớ lại.
Những người 'vô hình' - Kỳ 2: Vòng đời bế tắc - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

 

Sau khi hoàn lương, Ty lấy vợ, có con. Vợ anh hiện cũng… không có giấy tờ. Ty ngậm ngùi: “Nhiều khi mình thấy… khác người lắm. Sống trong xã hội ai cũng có giấy tờ, còn mình không có. Không chỗ nương thân, không gốc rễ”.
Cùng phận lênh đênh như Ty là N.O (29 tuổi, tạm trú tại Q.9, TP.HCM). Được biết, mẹ O. ngày trước ở Q.4. Buồn chuyện gia đình, bà bỏ đi và bị người thân cắt hộ khẩu vĩnh viễn. Mới vài tháng tuổi, O. đã “được” mẹ bồng theo bán vé số, kẹo cao su và ngủ ở vỉa hè, trạm xe buýt. Từ năm lên 8, O. được giáo dục viên đường phố thuộc Nhà mở Thảo Đàn, Q.3 tiếp cận, giúp O. có giấy khai sinh và học các lớp tình thương.
“Giấy khai sinh là tờ duy nhất mình có được. Nhưng đi xin việc, ở đâu người ta cũng đòi CMND. Đó là cái mà mẹ mình cả đời không có, bản thân mình và có lẽ đến đời con mình chưa chắc có được”, O. bày tỏ. Năm 2016, O. có thai ngoài ý muốn và làm mẹ đơn thân. Bức bí việc làm, gần đây cô đánh liều mượn giấy CMND của một người bạn xin đi làm công nhân, trong lòng luôn thắc thỏm lo sợ.
Những người 'vô hình' - Kỳ 2: Vòng đời bế tắc - ảnh 3

Hai đứa trẻ được cho là anh em ruột bị mẹ bỏ rơi ở đoàn lân sư rồng Long Nhi Đường

Đến trường: giấc mơ xa vời
Hầu như ngày nào cũng vậy, bà Năm (77 tuổi, quê Bạc Liêu) cùng cháu ngoại là bé Thùy (8 tuổi) đi bán vé số quanh khu vực chợ cầu Ông Lãnh. Hai bà cháu thường nghỉ chân dưới dạ cầu rồi xin cơm từ thiện.
Thấy tôi đi cùng một nhân viên xã hội đến hỏi thăm, bà Năm mếu máo: “Mấy cô coi có trung tâm nào gửi nó vô giùm tui, cho nó biết chữ và có giấy tờ với người ta”. Chị bán rau củ gần đó xen vào: “Sao trước đây bà không chịu cho con Thùy vô mái ấm?”. Bà Năm phân trần: “Tại hồi trước tui nhớ nó quá, sợ chịu không nổi. Giờ tui còn sống bao lâu nữa đâu, lưng còng chân yếu, đau nhức cả người”.
Những người 'vô hình' - Kỳ 2: Vòng đời bế tắc - ảnh 4

TIN LIÊN QUAN

 

Bà Năm cho hay bà rời quê lên Sài Gòn đã gần 50 năm. Hồi trước bà làm nghề bốc vác ở chợ Cầu Muối. Mỗi lần đi làm, bà gửi đồ đạc cho chủ vựa trái cây nhưng không may khu vực đó bị cháy, bà mất hết giấy tờ tùy thân. Các con, cháu của bà ra đời cũng không có giấy tờ.
Chị bán hàng chép miệng: “Tội nghiệp con Thùy, nó con gái con nít mà cứ bôn ba ngoài đường. Mẹ nó chết rồi, ba nó không biết ở đâu, bỏ nó bù lăn bù lóc”. Hỏi Thùy mơ ước gì, cô bé có gương mặt đen giòn xinh xắn đáp ngay: “Con muốn được đi học!”.
Trong khi đó, anh Lê Văn Nam, trưởng đoàn lân sư rồng Long Nhi Đường, Q.8, TP.HCM, cho biết cũng đang “đau đầu” với hai ca trẻ em có nguy cơ thất học. Cách đây mấy tháng, lúc đoàn lân đang tập luyện gần cầu Chà Và thì có một bà mẹ đến xin gửi hai đứa con trai trạc 7 – 8 tuổi, để đi mua sữa nhưng rồi… biệt tăm.
Anh Nam kể anh đã đi khắp nơi tìm kiếm và gặp được bà ngoại của các em ở trọ gần cầu chữ Y, lượm ve chai kiếm sống. Theo lời bà, con gái bà có vấn đề về thần kinh, từng sống ở tỉnh Đồng Nai cùng hai đứa con trai nói trên (tên ở nhà là Mến và Hiền) nhưng không có nhà cửa, giấy tờ gì cả. Hiện bà không có tin tức gì về con gái mình.

Anh Nam bộc bạch: “Tôi đang lo lắng việc học của các em. Đầu năm học này tôi có đăng ký cho các em đến trường, nhưng không ai nhận bởi các em không có giấy khai sinh. Thậm chí, tôi xin gửi các em vào học phổ cập cũng không được”.

Những người 'vô hình' - Kỳ 2: Vòng đời bế tắc - ảnh 5

Bà Năm và bé Thùy bán vé số

Trưởng đoàn lân sư rồng Long Nhi Đường khẳng định chính anh cũng từng rơi vào cảnh không có giấy tờ tùy thân, phải đối diện muôn trùng khó khăn trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Mãi đến tháng 4.2016, khi đã ở tuổi 23, anh mới có được thẻ căn cước công dân. Từ chuyện “xương máu” của mình, anh càng muốn giúp đỡ những đứa trẻ khó khăn trong đoàn lân, nhất là những em không có giấy tờ. Sắp tới, anh dự định tìm về tận nơi hai em Mến – Hiền từng sống ở Đồng Nai, hy vọng góp phần tháo gỡ khó khăn để các em có tương lai sáng sủa hơn. (còn tiếp)
Chưa có hướng dẫn cụ thể về trợ giúp đăng ký quyền công dân
Theo quy định pháp luật, những người không xác định rõ nơi cư trú cũng như về nguồn gốc nhân thân nhưng vẫn đang sinh sống trên lãnh thổ VN vẫn có quyền đăng ký thực hiện các quyền công dân, thông qua sự bảo lãnh, trợ giúp của các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về vấn đề này, nên khó có tổ chức nào dám đứng ra thực hiện việc bảo lãnh trên.
Luật sư Phạm Hoài Nam (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM)

Nhờ người bảo lãnh khi báo tử cho mẹ
Do không có giấy tờ tùy thân nên gần đây khi làm thủ tục báo tử cho mẹ, chị Phan Thị Bích Duyên (24 tuổi, ở trọ tại P.Phú Hữu, Q.9) phải nhờ chủ nhà ra phường bảo lãnh và mấy người hàng xóm ký tên xác nhận. Duyên cho biết, trước đó mẹ chị bị bệnh tim và ung thư, điều trị lâu dài tốn kém nhưng không mua được bảo hiểm y tế do bà không có CMND.

 

Như Lịch