11/01/2025

Mong ước gửi Bộ GD-ĐT năm mới

Năm mới, ngoài những cải tiến học hành, thi cử… mong ngành giáo dục nước nhà nhân lên nhiều hơn nữa những hạt mầm tử tế.

 

Mong ước gửi Bộ GD-ĐT năm mới

 

Năm mới, ngoài những cải tiến học hành, thi cử… mong ngành giáo dục nước nhà nhân lên nhiều hơn nữa những hạt mầm tử tế.

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách. Trước thềm năm mới, tôi xin gửi gắm vài đề xuất với thiện chí xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, nhân văn.

Tiếp tục cải tiến thi THPT quốc gia

Chúng ta hẳn chưa quên cảm giác ngỡ ngàng với nhiều kỷ lục được lập trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: 30 điểm vẫn trượt đại học và “cơn mưa” điểm 10 gấp 40 lần năm trước.

Bộ GD-ĐT đánh giá kỳ thi thành công. Tuy nhiên, tổng thể vẫn còn điểm trừ khi mà chính sách cộng điểm ưu tiên với nhiều tiêu chí phụ đánh bật cơ hội chạm tay vào ước mơ của nhiều thí sinh ưu tú. 

 

 

Chính sách về ưu tiên trong tuyển sinh bộc lộ nhiều hạn chế sau một thời gian dài phát huy tác dụng an sinh xã hội. Đã đến lúc chính sách ấy cần những điều chỉnh hợp lý nhằm tạo ra sự công bằng trong cạnh tranh năng lực giữa thí sinh ở những ngành học đặc thù.

Nâng chất lượng đầu vào sư phạm

Chưa bao giờ điểm chuẩn vào sư phạm lại thấp đến mức báo động như năm qua: trung bình 15 điểm/3 môn vào đại học sư phạm và 3 điểm/môn cũng trở thành giáo sinh ở trường cao đẳng. Câu hỏi “Không lương sư sao hưng quốc?” quả nhức nhối!

Nhiều giải pháp đã được đặt ra như siết chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng lại mạng lưới các trường sư phạm, đặt hàng đào tạo sư phạm, giải quyết việc làm cho cử nhân sư phạm bằng cách chuyển đổi nghề nghiệp, đề xuất tăng lương nhà giáo cùng nhiều đãi ngộ để kéo người giỏi về với nghiệp trồng người… 

Lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ rằng năm 2018 sư phạm chỉ chọn người ưu tú và phấn đấu đưa điểm chuẩn sư phạm vào tốp đầu liệu có khả thi? Điều này trông chờ vào sự quyết liệt của bộ trưởng.

Chấm dứt bạo lực học đường

Năm 2017 để lại nhiều nốt lặng trong lòng người dân bởi nhiều vụ bạo lực học đường. Thầy đánh trò, trò đánh trò… như trêu ngươi, thách thức những chuẩn mực đạo đức muôn đời. Nạn bạo hành trẻ mầm non chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi nhiều vụ bị trưng ra ánh sáng. 

Cơn sóng giận dữ này của dư luận chưa kịp nguôi ngoai thì sóng sau đã xô đến, dồn dập đến nghẹt thở. Ám ảnh nhất vẫn là vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh với đủ hình thức đánh, đá, tát bằng can đựng nước, vá xới cơm, thậm chí vỗ dao vào đầu…

Bạo lực đang bùng lên trong học sinh thật dữ dội. Một nhóm học sinh gọi người đến đâm chết bảo vệ trường học. Một nam sinh lớp 12 bị đánh tử vong tại trường. Cảnh nữ sinh đánh đấm nhau bóp nghẹt trái tim chúng ta và nghẹn lời trước sự vô cảm, nhẫn tâm với bạn cùng lớp, cùng trường.

Xin đừng để tiếng thở dài lại vang lên khi những vụ đánh đấm tiếp tục. Xin đừng buông thõng câu nói “chúng tôi rất buồn”, “đáng tiếc”, “rút kinh nghiệm” sau mỗi vụ việc. 

Xin đừng để tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” tái diễn. Hễ có vụ việc nổi cộm mới lao vào tổng kiểm tra, tổng rà soát cũng như ban hành những văn bản “cấm”, các chỉ thị, mệnh lệnh chống nạn bạo lực học đường bằng câu từ trên giấy.

Hi vọng về chương trình phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng tới công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà đang tiếp tục những bước đi vững chắc. Sau một thời gian lấy ý kiến dư luận, ban soạn thảo chương trình đã có những điều chỉnh thể hiện tinh thần cầu thị cao.

Ngày 2-11-2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình Quốc hội việc lùi một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này thật sự cần thiết trong điều kiện cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị để công khai chương trình môn học cụ thể và biên soạn sách giáo khoa chưa hoàn chỉnh. 

Quan trọng hơn nữa là sự chuẩn bị nhân tố con người, cụ thể là việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục.

Chúng ta có quyền hi vọng về một sự đổi thay tích cực, hướng đến nền giáo dục phát triển năng lực, khai phóng, thực học, thực nghiệp. Điều này chỉ có thể thành hiện thực khi mỗi người thầy hãy bắt đầu những chuyển động cần thiết trong nhận thức và cả hành động.

Nhân lên những câu chuyện tử tế

thay ninh van dau

Thầy Ninh Văn Dậu đi đón học sinh bỏ học trở lại trường – Ảnh: T.B.D.

Chúng tôi đã rưng rưng theo dõi câu chuyện thầy giáo Ninh Văn Dậu ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Gia Lai) khắc khoải “Thầy và các bạn vẫn đợi em ở cửa lớp” khi trò bỏ học. Rồi vỡ òa niềm vui và lòng cảm mến vô ngần người thầy đầy nhiệt tâm khi biết “Thầy đã lấy được em về!”.

Tôi đã bật cười thú vị trước lời xin lỗi dễ thương của cậu học trò lớp 11 Nguyễn Thế Tùng (THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng) khi vô ý làm vỡ gương xe ôtô đỗ bên đường. Và cả cái clip học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ già của học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cũng chẳng khác gì cơn gió mát lành thổi vào làm lòng người dịu hẳn ưu tư, bất an.

Và lời gửi gắm lớn nhất vẫn là nhân lên nhiều hơn nữa những hạt mầm tử tế ấy…

MAI THI (HUẾ)