28/11/2024

Ma trận giấy tờ giả, lừa nhà thật ở TP.HCM: Bế tắc ngăn chặn?

Trong khi các cơ quan chức năng còn đang lúng túng với thủ tục ngăn chặn, định tội danh hoặc phạt nhẹ với làm giấy tờ giả, thì kẻ gian vẫn tung hoành, gây khốn khổ cho biết bao khổ chủ.

 

Ma trận giấy tờ giả, lừa nhà thật ở TP.HCM: Bế tắc ngăn chặn?

 

Trong khi các cơ quan chức năng còn đang lúng túng với thủ tục ngăn chặn, định tội danh hoặc phạt nhẹ với làm giấy tờ giả, thì kẻ gian vẫn tung hoành, gây khốn khổ cho biết bao khổ chủ.





Một căn nhà ở TP.HCM bị tráo giấy chủ quyền, gia chủ nộp đơn yêu cầu ngăn chặn giao dịch nhưng kẻ lừa đảo vẫn tiến hành mua bán /// Ảnh: Bình Minh

Một căn nhà ở TP.HCM bị tráo giấy chủ quyền, gia chủ nộp đơn yêu cầu ngăn chặn giao dịch nhưng kẻ lừa đảo vẫn tiến hành mua bánẢNH: BÌNH MINH

Công chứng viên Nguyễn Trí Hoà, Trưởng phòng Công chứng số 1 – Phó chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, thừa nhận thực tế: Việc xử lý hình sự người vi phạm giả mạo trong lĩnh vực công chứng rất ít. Mặc dù phát hiện kịp thời, chưa chiếm đoạt được tài sản nhưng hành vi gian dối, trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội cần phải xử lý hình sự, không nên xử lý hành chính.
Khó ngăn chặn công chứng
Trả lời về biện pháp phòng ngừa giao dịch giả mạo khi người dân bị lừa đảo tráo mất giấy tờ nhà, bà Lâm Quỳnh Thơ, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết trung tâm này có chức năng thông báo cho công chứng viên yêu cầu ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền, gồm công an, TAND các cấp, Viện KSND các cấp, cơ quan thi hành án, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất…

Tuy nhiên, bà cũng cho biết thêm: “Vấn đề là thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, phong toả tài sản của các cơ quan tố tụng rất nghiêm ngặt, phải trong một vụ án cụ thể. Khi người dân phát hiện bị lừa đảo tráo mất giấy tờ nhà, muốn ngăn chặn giao dịch thì cần làm đơn tố giác và yêu cầu ngăn chặn gửi công an và văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện. Nếu xét thấy cần thiết ngăn chặn giao dịch nhằm bảo đảm cho việc điều tra, xét xử và thi hành án thì cơ quan công an sẽ có văn bản yêu cầu ngăn chặn giao dịch”.

Theo bà Thơ, trường hợp có căn cứ (công an thụ lý đơn tố cáo), Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng có thể đưa lên hệ thống lưu ý các tổ chức hành nghề công chứng về việc có tố cáo để đối chiếu thẩm tra kỹ khi có người đến giao dịch tài sản đó. Nhưng đây vẫn chỉ là thông tin tham khảo, chưa có giá trị pháp lý để ngăn chặn chính thức.
Nhiều khó khăn
Về việc ngăn chặn tình trạng giấy tờ giả, tiến sĩ luật Đoàn Tạ Cửu Long đặt ra một khó khăn khác: Việc giả mạo chủ thể, giấy tờ luôn là hành vi cố ý có động cơ, mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác nên đối tượng vi phạm có tính tổ chức, đối phó cao, có phân công chia cắt từng công đoạn, ít lộ diện, thường thuê người thực hiện từng khâu để nếu bị bắt khó khai báo kẻ cầm đầu và các đồng phạm khác.
Còn hành vi sử dụng giấy tờ giả thì trước đây theo bộ luật Hình sự cũ sẽ xử lý về tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” nhưng áp dụng bộ luật Hình sự 2015 lại thu hẹp dấu hiệu cấu thành tội phạm là phải có thêm tình tiết “sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật”. Nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về hành vi trái luật đó mức độ thế nào, ra sao, nên rất khó khăn khi xử lý.
Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng công chứng số 1 – Phó chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, thì đề nghị bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm tội danh “giả mạo trong giao dịch dân sự” để xử lý người giả mạo, giấy tờ giả trong hoạt động công chứng để có tác dụng đấu tranh phòng ngừa và xử lý loại tội phạm này.

 

Bình Minh (thực hiện)