Con muốn cưới vợ cho cha…
Nhìn cảnh gà trống nuôi con, không ít người thấy thương cảm nhưng đôi khi không nhận ra chính người trong cuộc hạnh phúc với quyết định ấy.
Con muốn cưới vợ cho cha…
Nhìn cảnh gà trống nuôi con, không ít người thấy thương cảm nhưng đôi khi không nhận ra chính người trong cuộc hạnh phúc với quyết định ấy.
Đó là chuyện của một người đàn ông ở quê tôi.
Tình yêu duy nhất
Ông chỉ có một đứa con trai. Vợ ông ra đi khi đứa con oe oe chào đời. Cả xóm tôi ai cũng thương tiếc người mẹ trẻ, phần xót xa cho đứa con còn đỏ hỏn và người cha lóng ngóng vụng về. Nhưng tôi chưa thấy đứa bé nào ngoan, dễ thương và mau lớn như thằng bé con ông. Hàng xóm nói người mẹ đã đánh đổi mạng sống của mình để lại cho chồng đứa con trai như thiên thần. Vì vậy, ông yêu con bằng tình yêu được nhân lên cho hai người.
Hồi đó, người thân và họ hàng chòm xóm thấy ông tối ngày quần quật lo cho con, thương và ái ngại nên mai mối, nhưng ông nhất mực từ chối.
Ở quê tôi, nhiều người ngưỡng mộ sự chung thủy của ông và cho đó là một thứ tài sản vô giá, vì nghĩ sự chung thủy của đàn ông dần bị “tuyệt chủng”! Có lẽ chỉ ông mới biết lý do lớn hơn cả sự chung thủy khiến ông không đi bước nữa là vì đứa con trai duy nhất của ông.
Thằng bé đã mất đi một nửa yêu thương khi mới chào đời nên ông không muốn chia sớt nửa yêu thương còn lại của nó. Ông hay nói “sao nhiều người đàn ông đi bước nữa làm khổ con cái quá trời”…
Rồi người con trai rời vòng tay cha đi học xa. Lần đầu tiên, sau gần 20 năm sống với cha, anh gửi cho ông bức thư dài nói hết gan ruột và khuyên ông đi bước nữa.
Ông kể, nó nói nhiều lắm, lại văn vẻ nữa, nào là khi chào đời, nó chỉ biết cái mùi duy nhất của người cho mình bú mỗi ngày (bằng sữa đi xin trong bệnh viện) là ông; chỉ biết hơi ấm và lời ru của người đưa nó vào giấc ngủ là ông. Lớn hơn một chút, nó chỉ biết ông là người đỡ nó đứng dậy khi nó không may bị ngã; rồi ngày ngày cõng nó đến trường giữa mùa mưa bão; rồi là người duy nhất ngồi canh nó học bài khuya, sợ nó ngủ gục làm ngã cái đèn dầu… Vì vậy, ông vừa là ba và cũng là mẹ của nó rồi, nó đâu cần thêm một người mẹ nữa. Nghĩa là nó không cần một người mẹ mà chỉ sợ ba nó cô đơn nên biểu ông “đi bước nữa”.
Ông nói, đôi lúc cũng có cô đơn. Cũng có lần ông nghĩ đến người trong xóm nhỏ hơn ông 5 tuổi, chưa lập gia đình. Nhưng rồi ông lại thôi, chẳng muốn lấp cái khoảng cô đơn đó bằng cách tìm một người khác. Vì vậy, sau này, mỗi lần con trai gọi điện về, nhắc chuyện lấy vợ là ông lại la oai oái, cái thằng nhỏ, già rồi, vợ con chi cho thiên hạ họ dị nghị. Con cứ lo cho con đi, đừng lo cho ba…
Con muốn cưới vợ cho cha…
Con trai ông tìm được một nửa của mình. Hai vợ chồng làm việc và sinh sống ở tận miền Nam. Ông vẫn sống với một nửa của quá khứ, của những hoài niệm. Một bữa, hai vợ chồng về thăm ông, nói chuyện một lúc, anh con trai cười hề hề: “Tụi con đã nhắm được người cho ba rồi, chỉ cần ba đồng ý là làm bữa cơm ra mắt luôn”. “Trời, cái thằng nhỏ, chuyện hệ trọng cả đời, đâu phải chuyện giỡn chơi!”.
Anh con trai cười: “Đúng là chuyện hệ trọng cả đời, nhưng đó là cả đời của một người mới lớn, còn “cả đời” của ba bây giờ còn được mấy khúc mà lo, chỉ cần ba có người làm bạn, nhất là ban đêm ban hôm, mà tụi con thì ở xa…”. Lúc đó, ông cũng hiểu nó muốn nói đến ai rồi, vì người đó vẫn chưa lập gia đình. Ở xa vậy mà chuyện chi nó cũng rành hết, lúc nào nó cũng nghĩ đến ông. Hồi mới sống xa ông, con trai ông nói ba yên tâm, đôi mắt con luôn ở nhà với ba, mà đúng thiệt.
Lần đó, thấy vợ chồng con trai ông làm quyết liệt vậy, cả xóm tôi cứ nghĩ phen này họ cưới được vợ cho ba thiệt. Ai ngờ rồi chuyện cũng không đi đến đâu vì ông không gật đầu. Ông vẫn sống một mình với mấy con bò ngoài chuồng và vài con chó trong nhà. Tối về buồn buồn thì mở tivi lên coi hay mở karaoke lên hát.
Nhiều khi tôi nghĩ không biết có phải khi người ta đã quen với nỗi cô đơn, họ bị chai lì cảm xúc, hay đâu đó trong tâm hồn, tình yêu thương và lòng biết ơn đối với người đã khuất khiến người ta không thể bước thêm bước nữa? Hay người ta không muốn đem cái tình cảm vốn đã khuyết của những đứa con mồ côi mẹ chia sẻ cho người khác như ông đã nghĩ khi còn trẻ? Mà dù thế nào đi nữa, tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ và trân trọng tấm chân tình, bản lĩnh của những người đàn ông đơn thân như thế. Tấm chân tình đó thực sự đáng quý.