10/01/2025

Thông tư gây sự cố

Thiếu sót do lỗi… đánh máy, nội dung quy định bị hiểu sai, sửa chữa hàng trăm lỗi trong Bộ luật hình sự… là những sai sót trong văn bản có dấu hiệu lập đi lập lại, vì sao như vậy?

 

Thông tư gây sự cố.

 

 Thiếu sót do lỗi… đánh máy, nội dung quy định bị hiểu sai, sửa chữa hàng trăm lỗi trong Bộ luật hình sự… là những sai sót trong văn bản có dấu hiệu lập đi lập lại, vì sao như vậy?

 

Thông tư gây sự cố - Ảnh 1.

Thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe không được coi là giấy tờ hợp lệ khi làm thủ tục cho các chuyến bay nội địa, theo một thông tư của Bộ Giao thông vận tải. 

Ngay sau khi thông tư được công bố, dư luận đã phản ứng quyết liệt và những người chịu trách nhiệm soạn thảo nói rằng thiếu sót này do lỗi… đánh máy.

Chỉ mới cách đó mấy ngày, một thông tư của Bộ Tài nguyên – môi trường quy định về cách ghi tên người trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đất được cấp cho hộ gia đình cũng bị người dân thắc mắc trong bức xúc. 

Lãnh đạo bộ sau đó phải thừa nhận lỗi diễn đạt khiến nội dung quy định bị hiểu sai và lên tiếng nhận thiếu sót.

 

Trục trặc kỹ thuật không chỉ được ghi nhận ở khu vực lập quy, nơi ra các văn bản hướng dẫn thi hành luật, mà còn xuất hiện cả trong lĩnh vực lập pháp. Việc Bộ luật hình sự được thông qua năm 2015, sau đó phải tạm hoãn thi hành để sửa chữa hàng trăm lỗi là một ví dụ tiêu biểu.

Các sai sót trong văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây khiến người ta phải đặt dấu hỏi về năng lực, trình độ của người được trao quyền biên soạn quy tắc ứng xử ràng buộc xã hội và được bảo đảm thực hiện bằng công lực. 

Một dấu hỏi nữa về thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm của những người có thẩm quyền liên quan trong việc đánh giá, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm trước khi ban hành.

Muốn có luật tốt về chất lượng kỹ thuật, điều trước tiên là người biên soạn văn bản quy phạm phải có đầy đủ tố chất cần thiết cho công việc làm luật. Để có được con người như thế, phải tiến hành chọn lọc kỹ thông qua quy trình tuyển dụng và sau đó phải tiến hành đào tạo bài bản. Người dân không biết liệu các công việc ấy đã được thực hiện nghiêm túc hay chưa.

Mặt khác, phải thấy rằng hệ thống luật pháp đang vận hành quá cồng kềnh, phức tạp với quá nhiều cơ quan có quyền ban hành văn bản quy phạm. Đáng lý ra nên coi luật là nền tảng của đời sống xã hội; Nhà nước đầu tư để xây dựng luật với các quy định áp dụng được một cách trực tiếp mà không cần được hướng dẫn thi hành bằng nghị định, thông tư. 

Chi phí xã hội chắc chắn sẽ giảm nếu thay vì đào tạo dàn trải để công chức, viên chức ở bộ nào, ngành nào cũng có khả năng biên soạn văn bản quy phạm, Nhà nước cần tập trung xây dựng đội ngũ người soạn thảo luật.

Ở các nước tiên tiến, luật được các chuyên gia lành nghề biên soạn với sự tư vấn chuyên môn của các giáo sư luật, thẩm phán, luật sư, công chứng viên giàu kinh nghiệm. Chính phủ và các bộ ban hành văn bản lập quy không phải để đặt ra quy phạm độc lập mà chỉ hướng dẫn thực hiện, theo chức năng hành pháp, các quy tắc được ghi nhận trong các luật. 

Về phần mình, người dân có quyền tự mình đọc, hiểu và áp dụng luật một khi luật có hiệu lực thi hành mà không cần sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước. Nhà chức trách không áp đặt cách hiểu luật của mình đối với người dân bằng các thông tư. 

Thậm chí nếu thông tư giải thích luật không đúng, người dân có quyền kiện ra tòa án hành chính yêu cầu huỷ bỏ văn bản và nếu việc áp dụng văn bản trái luật gây thiệt hại cho người dân thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN