Làm sao chặn đứng vấn nạn bạo hành trẻ?
Tại sao những vụ bạo hành trẻ vẫn liên tục diễn ra? Biện pháp nào để chặn đứng vấn nạn nhức nhối này?Lời giải nào để không còn cảnh những đứa trẻ bị hành hạ?
Làm sao chặn đứng vấn nạn bạo hành trẻ?
Tại sao những vụ bạo hành trẻ vẫn liên tục diễn ra? Biện pháp nào để chặn đứng vấn nạn nhức nhối này?Lời giải nào để không còn cảnh những đứa trẻ bị hành hạ?
Trước phản ảnh của bạn đọc về cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (trên đường HT05, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, PV Tuổi Trẻ đã tìm hiểu và phát hiện sự thật đau lòng.
Cơ sở này do bà Phạm Thị Mỹ Linh (hơn 40 tuổi) quản lý, hai “bảo mẫu” là Quỳnh và Đào (đều hơn 20 tuổi). Tùy thời điểm, nơi này dao động 30-40 trẻ, các bé gần 2 tuổi đến 5 tuổi. Phụ huynh gửi trẻ phần lớn là công nhân làm việc tại những công ty quanh khu vực.
Trẻ ăn, tắm, ngủ… trong nước mắt
Một buổi sáng, tại cổng lớp, bà Linh giơ tay đánh liên tiếp vào một bé trai và “dạy” bé này vòng tay lại “chào cô”. Bé khóc nức nở vừa vòng tay chào thì bà Linh đánh thêm mấy cái. Trưa cùng ngày, một bé gái ngồi tại khu vực các “bảo mẫu” đang lau nhà, bà Linh từ phía sau đi lên cầm bình nhựa đập bôm bốp vào vai và đầu bé khiến bé khóc thét.
Thấy vậy, một nhân viên can ngăn: “Thôi chị đừng đánh nữa”. Bà Linh nói lớn: “Em có coi được không? Em cứ làm đi, em coi được không?”. Nhân viên tiếp tục ngăn thì bà này đốp liền: “Cô dạy tôi hả? Cô làm giỏi chưa? Cô quản được chưa?”
Cùng ngày, một bé trai trong lúc bước lên phòng học thì bà Linh bất ngờ đạp từ phía sau. Bé chúi người bật khóc thì bà này lớn tiếng: “Khóc hả, câm cái miệng lại”. Khi xếp chỗ cho các bé, bà Linh tát vào đầu một bé trai, cầm một tay bé này nhấc bổng đặt lên ghế sát tường. Tiếp đến, bà dùng tay đánh vào đầu bé trai khác đang đứng. Hai bé trai đều mếu máo khóc.
Khi các bé nô đùa trong giờ sinh hoạt thì bà Linh giơ tay đánh liên tiếp vào đầu một bé trai và một bé gái. Bị bà Linh đánh thêm một cái vào mặt, bé gái há hốc miệng giơ tay vuốt mặt khóc.
Một buổi sáng khác, một bé trai làm rơi thức ăn vào áo của bà Linh liền bị bà giơ tay đánh, bé mếu máo khóc. Ngay sau đó, bé gái gần 2 tuổi đứng bên cạnh cũng bật khóc do bị bà này tát vào mặt.
Chưa dừng lại, bà Linh tát vào miệng một bé gái khác rồi chỉ tay vào mặt bé: “Đừng có ói nha, ói là cô tát cái miệng liền, nhớ không? Nhớ không?” Bé gái này lấy tay che miệng giọng lí nhí: “Nhớ…”
Chưa đầy 10 phút, một bé gái khác khóc không rõ lý do, bà Linh bước đến giơ tay đánh vào đầu rồi vả vào mặt. Bé khóc ré. Lát sau, bé này tiếp tục bị bà Linh vả vào mặt. Bé khóc to hơn, bà vội xách hai tay bé nhấc bổng đưa vào phòng bên trong.
Bà Linh nhiều lần đánh trẻ trong lúc trẻ ăn, tắm rửa và trước khi ngủ trưa. Có thời điểm khi nhiều trẻ đang ngồi ăn trên nền nhà thì bà Linh cầm con dao (bản rộng khoảng 10cm) từ phía bếp đi lên đập “đét” một cái vào đầu bé trai rồi bảo bé này đứng lên ăn.
Tại khu tắm rửa ở phía sau lớp học, bà Linh nhiều lần đánh trẻ. Hai bé gái (gần 2 tuổi) ngồi tại nơi tắm rửa thì bà Linh bước tới vung tay đánh mạnh nhiều cái vào lưng. Một trong hai bé đang khóc, bà đánh bằng muỗng và đấm vào lưng.
Chưa đầy 20 phút sau, một trong hai bé gái trên đang nằm cạnh chỗ bà Linh ngồi ăn trái cây thì bất ngờ bị bà vỗ vào đùi. Bé bật khóc, bà Linh kéo bé nằm quay mặt vào tường. Chốc lát, bé gái lồm cồm đứng dậy liền bị bà giơ tay đánh vào người. Bé lại òa khóc, bà cầm hai tay nhấc bổng đặt mạnh xuống nền nhà, vung tay đánh khiến bé khóc thất thanh.
Đủ kiểu đày đoạ
Quỳnh và Đào thường dùng các vật dụng như dép, cây, vá múc canh, muỗng, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà… “dạy” trẻ.
Đối với các bé hiếu động trong giờ ăn và học, Đào thường cầm cây đánh liên tục vào lòng bàn tay, bàn chân. Có thời điểm chưa đến một phút, Đào lần lượt nhấc bổng chân hai bé trai và một bé gái rồi cầm cây vụt liên tiếp vào lòng bàn chân.
Một bé trai và một bé gái chưa đầy 2 tuổi thường xuyên phải ngồi bô và bị bà Linh đánh. Quỳnh giải thích do hai bé đi vệ sinh nhiều lần, không có thời gian thay quần áo cho bé nên cho ngồi bô như vậy.
Theo Quỳnh, quần áo mang theo hằng ngày của hai bé dù sạch nhưng cũng được xả ướt để phụ huynh nghĩ rằng các cô đã thay quần áo, che giấu việc các bé phải ngồi bô mỗi ngày.
Vả vào miệng trẻ là cách để giữ “trật tự” ở cơ sở mà bà Linh bày cho “bảo mẫu” Quỳnh. Vào một buổi trưa, bà Linh nói với Quỳnh: “Con mà nghe đứa nào nói con vả vào cái mỏ nó đi, đập cho nó ngậm cái họng nó lại, vả cho nó tét cái họng nó đi…”
Vài phút sau, một bé trai vừa cầm cái nắp nồi bước xuống bếp liền bị bà Linh với tay đánh vào lưng. Bé mếu máo thì bà này cầm nắp nồi đập “bốp” vào bụng bé.
Bé trai tên K. (gần 5 tuổi) nhiều lần bị các “cô” đánh. Sáng sớm khi vừa đến lớp, K. đang ngồi trên ghế đá thì bị bà Linh cố ý ngồi lên chân. Bé này nhăn nhó vùng vẫy rút chân ra thì bị bà Linh đấm mạnh vào chân rồi bảo K. phải phủi quần cho mình. Dù khóc ré và cố ôm chân lại nhưng K. vẫn bị bà Linh cầm chân đập nhiều lần xuống ghế đá.
“Chị thấy chị làm việc như vậy là chị quá sai rồi”
Ngay sau khi nhận được thông tin từ PV Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND P.Hiệp Thành (Q.12, TP.HCM) cho biết đã chỉ đạo phường phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.12 kiểm tra cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, đồng thời nhắc nhở cơ sở này không để xảy ra sự việc đánh trẻ.
Theo UBND P.Hiệp Thành, cơ sở này được cấp phép hoạt động, đến nay phường chưa nhận được phản ảnh của người dân về sự việc nêu trên.
Khi xem hình ảnh bạo hành trẻ mà PV đưa ra, bà Phạm Thị Mỹ Linh, quản lý cơ sở mầm non này, im lặng trong vài phút rồi cho rằng hành động của mình đã “quá sai” trong lúc nóng giận nhất thời và có lỗi với trẻ và phụ huynh.
Bà Linh bảo: “Chị thấy chị làm việc như vậy là chị quá sai rồi”. Và cho rằng: “Một phút nóng nảy mà để ra chuyện như vậy rất là đau lòng”.
Bà LÊ ÁI SƠN HÀ
Bà LÊ ÁI SƠN HÀ (hiệu trưởng Trường mầm non Mặt Trời Nhỏ, Q.Bình Tân, TP.HCM): Trẻ sẽ rất hạnh phúc nếu…
Vấn đề giáo dục trẻ trong trường mầm non có 4 mấu chốt: cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức ở trường mầm non, đội ngũ nhân sự, và mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường.
4 điều cốt lõi này sẽ giúp hình thành tính cách cho trẻ và sau này sẽ thành công dân tốt cho xã hội. Nếu người lớn chúng ta bao gồm người trực tiếp phục vụ trẻ, ban giám hiệu nhà trường, các ban ngành đều thực hiện đúng 4 điều này thì tôi nghĩ trẻ sẽ rất hạnh phúc.
Theo tôi, trước hết do chính quyền địa phương chưa mạnh tay với những cơ sở không đủ giáo viên, không đủ người quản lý đã qua đào tạo. Mặt khác, bản thân giáo viên, người quản lý nếu đã qua đào tạo mà không yêu nghề, yêu trẻ thì cũng nên từ bỏ ngành mầm non, làm công việc khác.
Trường lớp, giáo trình ngành mầm non đều nhắc đến những quy định của pháp luật liên quan đến hành vi bạo hành trẻ, nội quy của ngành mầm non cũng tuyệt đối nghiêm cấm điều này. Một giáo viên có bằng cấp sẽ biết được nếu trút cơn nóng giận vào đứa trẻ trong bữa ăn là vi phạm. Một giáo viên mầm non có bằng cấp sẽ có kỹ năng tổ chức giờ ăn, kỹ năng sắp xếp các bé ăn chậm ngồi vào một tổ và cô sẽ giúp đỡ trẻ.
GS.TS VŨ GIA HIỀN
GS.TS VŨ GIA HIỀN: Không nên phó thác cho các điểm giữ trẻ
Đánh trẻ là hành vi vi phạm pháp luật, không còn là vấn đề vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc cấp phép cũng như kiểm tra giám sát, các gia đình gửi con cần biết được người chăm sóc con mình là ai, có đủ trình độ chăm sóc con mình không, học hành đến đâu, nơi gửi được cấp phép hoạt động không…
Đây cũng là trách nhiệm làm cha làm mẹ với con cái, không nên phó thác tùy tiện cho các điểm giữ trẻ.
Người nuôi dạy trẻ lấy lý do trẻ khóc, trẻ hiếu động, trẻ không chịu ăn, vì áp lực công việc để đánh hay doạ nạt trẻ là ngụy biện. Điều này bao che cho sự thiếu hụt kiến thức và thiếu đạo đức trong việc nuôi dạy trẻ. Người nuôi dưỡng trẻ có nghiệp vụ sẽ có cách để cho trẻ ăn ngon miệng, giúp trẻ phát triển về thể chất và tinh thần.
Cấp mầm non đã trở thành một hệ thống giáo dục chính thống. Nguồn lực nuôi dạy trẻ là các cô giáo, những bảo mẫu cần được bổ sung, bồi dưỡng những kiến thức sư phạm và đặc biệt là tình thương yêu với trẻ thơ. Theo tôi, đây là trách nhiệm của ngành giáo dục, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với thế hệ mai sau, đặc biệt là trách nhiệm với trẻ em.
LS TRẦN THỊ NGỌC NỮ
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ (chi hội trưởng chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM): Thường xuyên kiểm tra
Từ những vụ việc bạo hành dư luận quan tâm thời gian qua ở tỉnh Đồng Nai; quận Thủ Đức, Gò Vấp (TP.HCM)… cho thấy các vụ việc diễn ra ở nhà trẻ tự phát, không có giấy phép hoặc có cơ sở được cấp phép nhưng hoạt động rất tùy tiện.
Có cơ sở chúng tôi xuống kiểm tra thì người nuôi dạy trẻ không có hồ sơ nghiệp vụ về sư phạm mầm non, cơ sở vật chất không đảm bảo sức khoẻ cho trẻ.
Là một phụ nữ, một người mẹ, tôi thấy cần có những biện pháp rất nghiêm khắc đối với những cơ sở giữ trẻ thiếu điều kiện sinh hoạt, thiếu vệ sinh và an toàn.
Tiếp xúc để tìm hiểu nguyên do, một số cô giải thích do nóng tính, công việc giữ trẻ thời gian từ sáng đến tối, trẻ có lúc tăng động nên xảy ra hành vi đánh trẻ. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải tăng cường đào tạo nghiệp vụ sư phạm, trong đó đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Và các cô cần lưu ý đây là trẻ em.
Phụ huynh cần theo dõi sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ, không thể giao hết trách nhiệm cho nhà trường. Khi trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, hành hạ, bị ngược đãi, nhà trường và phụ huynh cần bình tĩnh, thông báo đến cơ quan gần nhất.
Cơ quan chức năng địa phương phải thường xuyên kiểm tra nghiệp vụ các cô giáo, tổ chức các lớp tập huấn nhắc nhở các cô ghi nhớ là đang phục vụ trẻ em, phải chú trọng đến vấn đề đạo đức.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH (Đoàn luật sư TP.HCM): Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khoẻ; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”. Tuỳ vào tính chất, mức độ hành vi mà người thực hiện hành vi bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo điều 27 của nghị định 144, mức phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Nếu tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm… có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật hình sự 1999. Với tình tiết là phạm tội với trẻ em, mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo khoản 2 điều 110 Bộ luật hình sự.
Còn nếu hành vi đối xử tàn ác này mà gây thương tích cho người bị hành hạ, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác được quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự.