Cụ bà 87 tuổi kiện chồng kết hôn trái phép
Khi chồng qua đời, cụ bà Trương Thị mới phát hiện chồng mình kết hôn với người phụ nữ khác tên Thu Nga (61 tuổi) nên đi kiện để đòi tài sản thừa kế.
Cụ bà 87 tuổi kiện chồng kết hôn trái phép.
Khi chồng qua đời, cụ bà Trương Thị mới phát hiện chồng mình kết hôn với người phụ nữ khác tên Thu Nga (61 tuổi) nên đi kiện để đòi tài sản thừa kế.
Ở tuổi quá “thất thập cổ lai hi”, bà Trương Thị (tên nhân vật đã được thay đổi) – 87 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM vẫn đeo đuổi vụ kiện đòi huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa chồng bà với người khác, dù đến nay ông chồng đã qua đời…
Tại đơn yêu cầu gửi đến toà, bà Trương Thị cho biết bà sống chung với ông Tôn Khanh từ năm 1953. Sau đó hai người lập giấy khai giá thú vào năm 1955 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
Bà và ông Khanh sinh 10 người con chung. Do có hai căn nhà nên vợ chồng bà sống riêng mỗi người một căn để tiện làm ăn. Năm 2013, sau khi ông Khanh qua đời do bệnh già, bà Trương Thị mới phát hiện chồng mình kết hôn với người phụ nữ khác tên Thu Nga (61 tuổi).
Một ông, ba bà vợ
Theo bà Trương Thị, bà Thu Nga chỉ là người làm thuê cho chồng bà. Sau này, bà Trương Thị mới biết giữa chồng mình và bà Thu Nga có lập giấy chứng nhận kết hôn vào năm 2000.
Cho rằng việc bà Thu Nga kết hôn với chồng mình là vi phạm Luật hôn nhân gia đình, bà Trương Thị khởi kiện, đề nghị tuyên căn nhà bà Thu Nga đang cư ngụ ở quận 8 là tài sản thừa kế của ông Khanh để lại cho bà và các con.
Suốt quá trình giải quyết vụ việc, bà Thu Nga luôn khẳng định bà không phải là người làm công cho ông Khanh. Hai người quen biết, tìm hiểu nhau từ năm 1987. Đến năm 1990, bà và ông Khanh chung sống như vợ chồng, 10 năm sau thì đăng ký kết hôn.
Giữa hai người có một con chung. Mấy chục năm qua không ai phản đối cuộc hôn nhân của bà và ông Khanh. Từ những căn cứ này, bà không đồng ý yêu cầu của bà Trương Thị.
Điều ngạc nhiên là trong hồ sơ cho thấy trước khi lấy bà Trương Thị và bà Thu Nga, ông Tôn Khanh đã sống chung như vợ chồng với bà Phạm Hoa và có tới 7 người con. Bà Phạm Hoa qua đời năm 1997.
“Tôi có nghe nói về việc ông Khanh chung sống, có con chung với bà Trương Thị và bà Phạm Hoa. Nhưng lúc đó ông Khanh nói ông chưa từng kết hôn với bất cứ ai nên tôi mới nhận lời làm vợ ông Khanh” – bà Thu Nga trình bày.
Do lớn tuổi, bà Trương Thị phải uỷ quyền cho con gái là Tôn Minh tham gia tố tụng. Tờ giấy giá thú giữa bà và chồng cách đây 64 năm giờ rách nát, chữ ố vàng, không đọc rõ thông tin.
Bà Trương Thị có xin trích lục lại giấy giá thú nhưng Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa trả lời sổ bộ tịch từ năm 1975 về trước không còn lưu giữ được. Vụ việc ngày càng kéo dài do bà Trương Thị phải bổ sung giấy tờ chứng minh tồn tại quan hệ hôn nhân theo yêu cầu của toà án.
Sau 4 năm, quay lại từ đầu
Tháng 12-2016, TAND TP.HCM mở phiên toà giải quyết yêu cầu của bà Trương Thị. Toà cho rằng bà Trương Thị và ông Tôn Khanh có quan hệ vợ chồng.
Khi kết hôn với bà Thu Nga, ông Khanh vẫn đang là người có vợ, cho nên việc bà Thu Nga và ông Khanh đăng ký kết hôn là trái pháp luật. Với những căn cứ nêu trên, tòa chấp nhận yêu cầu của bà Trương Thị, huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa ông Khanh và bà Thu Nga.
Sau phiên toà, cả hai người vợ của ông Khanh đều lần lượt kháng cáo.
Bà Trương Thị nói tòa án chỉ “huỷ việc kết hôn trái pháp luật” mà không hủy giấy chứng nhận kết hôn giữa ông Khanh và bà Thu Nga. Như vậy thì mối quan hệ hôn nhân này vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bà.
Riêng bà Thu Nga lại nói bà và ông Tôn Khanh kết hôn hợp pháp, có con chung, việc tòa án tuyên hủy quan hệ hôn nhân là gây thiệt hại cho bà.
Trong phiên xét xử phúc thẩm vừa diễn ra ở TAND cấp cao tại TP.HCM, bà Tôn Minh yêu cầu toà án phải giải quyết thoả đáng, trả lại danh dự cho mẹ là bà Trương Thị.
Giơ ra trước hội đồng xét xử những tấm ảnh gia đình, bà Tôn Minh nói gay gắt: “Hôn nhân của ba mẹ tui là có thật. Trong thời gian mẹ tui còn sống mà bà Thu Nga đăng ký kết hôn với ba tôi là phạm pháp.
Trước bả làm giúp việc cho nhà tui, trong thời gian cha tui bệnh, nằm một chỗ nên nhờ bả làm giấy tờ nhà giùm. Lợi dụng việc này, bà Thu Nga đứng luôn tên chủ sở hữu căn nhà ở quận 8″.
Nghe những lời cáo buộc, bà Thu Nga chỉ lắc đầu nói: “Trong thời gian ông Khanh quen tôi, bà Trương Thị và bà Phạm Hoa đều biết. Ông Khanh nói với tôi nếu anh không có em thì anh cũng có người khác, chứ tôi không phá hoại hạnh phúc gia đình ai cả”.
Xem xét tất cả các chứng cứ, tòa phúc thẩm cho rằng ông Tôn Khanh có con với 3 người phụ nữ. Ông Khanh và bà Phạm Hoa có tới 7 người con chung nhưng khi giải quyết vụ án, tòa sơ thẩm không đưa những người này vào để xem xét quan hệ hôn nhân gia đình là chưa đầy đủ.
Tòa cũng yêu cầu thẩm tra thêm mối quan hệ giữa bà Phạm Hoa và ông Khanh, đồng thời phải xác minh đầy đủ về giấy hôn thú giữa bà Trương Thị và ông Tôn Khanh mới có đủ căn cứ để giải quyết đề nghị của bà Trương Thị.
Từ những nhận định này, hội đồng xét xử tuyên huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử lại.
Vụ án kéo dài 4 năm, đến nay quay lại từ đầu, chưa biết bao giờ kết thúc.
Cha con tranh chấp nhà
Từ năm 2000, ông Tôn Khanh đã khởi kiện chính con ruột của mình ra tòa vì tranh chấp nhà.
Theo đơn khởi kiện của ông Tôn Khanh, ông và bà Phạm Hoa có 7 người con chung. Hai người tạo lập được hai căn nhà ở quận 8. Hai căn nhà này có đăng ký cơ sở xay bột trẻ em do ông đứng tên kinh doanh.
Tuy nhiên, do có một người con âm mưu chiếm đoạt nhà của ông, giành quyền khai thác cơ sở xay bột nên ông phải gửi đơn đến tòa đề nghị toà chia nhà.
Sau khi toà án can thiệp, ông và các con tự thỏa thuận bằng cách cha sử dụng một căn nhà, các con sử dụng một căn nhà. Căn nhà ông
Tôn Khanh ở giờ để lại do bà Thu Nga quản lý, sử dụng.
Không đồng tình với việc người chồng của mình lại để nhà cho người phụ nữ khác đứng tên, bà Trương Thị yêu cầu toà tuyên căn nhà bà Thu Nga đang ở là di sản thừa kế do ông Tôn Khanh để lại, bà phải được hưởng một nửa.
Tòa án cho rằng đây là yêu cầu độc lập, vượt quá yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật nên không giải quyết. Hiện nay con gái bà Trương Thị đang khởi kiện đòi chia thừa kế ở một vụ án khác.