11/01/2025

Tìm hiểu pháp luật: Lạm dụng tạm cấm xuất cảnh

Chị Đ.T.L. (34 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) vừa có đơn kêu cứu về việc chị bị tạm cấm xuất cảnh suốt 4 năm vẫn chưa được giải toả.

 

Tìm hiểu pháp luật: Lạm dụng tạm cấm xuất cảnh.

 

Chị Đ.T.L. (34 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) vừa có đơn kêu cứu về việc chị bị tạm cấm xuất cảnh suốt 4 năm vẫn chưa được giải toả.

 

 

 

Tìm hiểu pháp luật: Lạm dụng tạm cấm xuất cảnh - Ảnh 1.


Theo đơn trình bày, chị L. bị tạm cấm xuất cảnh từ một cá nhân tố cáo doanh nghiệp của chị. Việc tạm cấm xuất cảnh này được thực hiện từ năm 2013, đến năm 2016 cơ quan an ninh điều tra mới khởi tố vụ án. 

Trong quá trình làm việc với cơ quan công an, chị L. luôn cho rằng mình không hề liên quan đến vụ án. Tới nay, cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can nhưng vẫn duy trì lệnh tạm cấm xuất cảnh.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM): “Trường hợp bị cấm xuất cảnh vô thời hạn vì lý do phục vụ công tác điều tra mà không có dấu hiệu tội phạm hoặc không rõ nét thì bị coi là trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là với các doanh nhân”.

Luật sư Hưng dẫn điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. 

 

Theo đó, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. 

Nếu sự việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết có thể dài hơn, nhưng không quá 2 tháng.

Với quy định trên, việc tạm cấm xuất cảnh cũng không được quá 2 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng tạm cấm xuất cảnh không ghi thời hạn đang bị các cơ quan điều tra áp dụng khá phổ biến.

Trường hợp của nhà báo Dương Thị Hằng Nga (tạp chí Giao Thông Vận Tải) là khá đặc biệt. Nhà báo này bị tạm cấm xuất cảnh khi mới chỉ có đơn tố cáo, chưa có quyết định khởi tố vụ án.

Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nói theo văn bản hợp nhất nghị định số 07/VBHN-BCA ngày 31-12-2015, có nhiều lý do dẫn đến việc công dân bị tạm cấm xuất cảnh, trong đó có trường hợp “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. 

Có thể xác định nhà báo Hằng Nga thuộc trường hợp này, nhưng tiêu chí thế nào là “liên quan đến công tác điều tra” lại không được định lượng trong luật, điều đó rất dễ dẫn đến sự tùy nghi trong áp dụng các lệnh cấm xuất cảnh.

Quy định tại điều 22 của văn bản hợp nhất còn cho thấy cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp phải đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh. 

Nhà báo Hằng Nga chỉ bị tố cáo về việc viết báo có nội dung xúc phạm lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân, chưa có cơ sở chứng tỏ nằm trong quy định phải đảm bảo bí mật, nếu như vậy việc không thông báo lệnh tạm cấm xuất cảnh cho đương sự là “có vấn đề”.

Luật sư Hưng cho rằng cá nhân bị cấm xuất cảnh thiếu căn cứ có thể khởi kiện quyết định hành chính ra toà, đòi bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

HOÀNG ĐIỆP