11/01/2025

Kiệt quệ, nguy hiểm tính mạng vì vay nóng

Một gia đình bị rơi vào vòng xoáy của những đồng tiền vay nóng. Cứ qua một ngày, lãi được cộng vào gốc, lãi chồng lãi, khiến cả nhà thất điên bát đảo.

 

Kiệt quệ, nguy hiểm tính mạng vì vay nóng.

 

Một gia đình bị rơi vào vòng xoáy của những đồng tiền vay nóng. Cứ qua một ngày, lãi được cộng vào gốc, lãi chồng lãi, khiến cả nhà thất điên bát đảo.

 

 

Kiệt quệ, nguy hiểm tính mạng vì vay nóng - Ảnh 1.

Nhà chị Thuỳ bị tạt sơn đe dọa để đòi nợ – Ảnh: UYÊN TRINH

Gia đình chị Võ Thị Ánh Thuỳ (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) đang phải sống trong hoang mang, hoảng sợ bởi những tin nhắn đe doạ cùng với việc có người thường xuyên đập cửa hăm doạ, tạt sơn, tạt mắm tôm. 

Cả nhà sống trong bất an. Ngày 30-10-2017, chị phải làm đơn yêu cầu được bảo vệ khẩn cấp.

Vay 150 triệu, gánh nợ gần 2 tỉ đồng

Vẻ phờ phạc, mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt người phụ nữ đang có thai. Chị Thuỳ kể tháng 1 năm ngoái, chị vay của bà P. 50 triệu đồng với mức lãi suất 20%/tháng (10 triệu/tháng). Tới tháng 3, chị tiếp tục vay thêm 50 triệu.

Tiền gốc lúc này là 100 triệu, lãi 20 triệu/tháng.

 

Chị trả lãi suốt mấy tháng liên tục, tháng 7, trễ ngày trả tiền, bà P. cộng tiền lãi và tiền phạt thành 25 triệu. Bà P. đưa cho chị thêm 25 triệu, yêu cầu ký vào giấy vay 50 triệu. Tổng cộng tiền chị Thùy vay 150 triệu đồng.

Những tháng sau đó, chị Thuỳ phải trả lãi 30 triệu/tháng. Tháng nào chưa kịp trả thì lãi cộng dồn vào tiền gốc. Chậm ngày nào tính lãi ngày đó. Nếu xoay chưa kịp thì bà P. yêu cầu trả 1 triệu/ngày.

Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền gốc và lãi, cộng gộp sau hơn một năm lên gần 2 tỉ với mức lãi suất gần 300 triệu/tháng.

Tiền vay thành tiền nhận cọc bán nhà

“Vì lãi suất quá lớn, tôi tìm cách xoay để trả nhưng vẫn không thể nào đủ. Bà P. liền giới thiệu tôi một người ở Q.3, đồng thời đứng ra bảo lãnh để tôi vay 300 triệu đồng với mức lãi suất 3 triệu/ngày. 

Ông này trừ đi 5 ngày tiền lãi đóng trước (15 triệu) cộng tiền phí giấy tờ, rồi đưa tôi 261 triệu đồng, ghi giấy nợ thiếu 300 triệu. Sau đó, bà P. buộc tôi đóng lãi tháng 7 là 208 triệu đồng, ép tôi ký, lăn tay bán căn nhà đang ở” – chị Thuỳ kể.

Biên bản nhận tiền ngày 15-8 có nội dung chị Thuỳ nhận của bên P. 1,1 tỉ đồng, gồm cả nợ cũ, tiền lãi và vay mới. Theo biên nhận, số tiền này là bà P. đặt cọc cho chị Thuỳ nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng hứa bán căn nhà và đất đang ở. 

Từ biên nhận này, bà P. liên tục dồn ép gia đình chị Thuỳ vào đường cùng, đòi trả lãi 300 triệu/tháng, nếu không phải giao nhà. Chị xin được trả tiền gốc cũng không được. 

Cạn kiệt tiền bạc, căn nhà lại đứng trước nguy cơ bị xiết. Ngày 15-9, chị làm đơn gửi công an.

Do không trả được nợ, chị Thuỳ bị hai thanh niên nhắn tin đe doạ, cách ngày lại đến đập cửa đòi trả nợ. Bao nhiêu lần bị đe doạ, bị gây rối là bấy nhiêu lần camera nhà chị Thùy đều ghi lại. Lần nào chị Thuỳ cũng báo công an phường. 

Trưởng Công an phường Tân Quý cho biết: “Khi nhận trình báo chúng tôi đều cho cán bộ đến hiện trường giải quyết rốt ráo”. Nhưng sự việc vẫn không được dừng lại.

Kiệt quệ, nguy hiểm tính mạng vì vay nóng - Ảnh 2.

Nhà chị Thuỳ bị tạt sơn đe dọa để đòi nợ – Ảnh: UYÊN TRINH

Phạm tội cho vay nặng lãi

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), thực trạng cho vay với lãi suất 20%, 30%/tháng là rất nhiều. Đến một thời điểm trả không nổi nữa thì chủ nợ dồn gốc và lãi bằng giá trị căn nhà, bắt người đi vay ký vào biên bản giao nhà, giao đất.

“Cái khó cho người đi vay là mỗi lần đóng tiền lãi, chủ nợ không hề cho ghi lại bất cứ giấy tờ gì, nên khi tố cáo gần như không có chứng cứ chứng minh việc cho vay với lãi suất quá mức quy định” – luật sư Thạnh nói.

Theo luật sư Đặng Đức Trí (Đoàn luật sư TP.HCM): “Đây là quan hệ hợp đồng vay tài sản (tiền) với mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác được quy định tại điều 468 Bộ luật dân sự 2015. Nếu lãi suất thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn quy định thì mức lãi suất đó không có hiệu lực”.

Luật sư Trí phân tích: trong trường hợp chị Thuỳ, trên giấy tờ vay 150 triệu nhưng chỉ nhận 125 triệu, vay hơn 1 năm mà lên đến gần 2 tỉ tiền gốc lẫn lãi. Lãi suất 20%/tháng là cao hơn 10 lần so với mức lãi suất quy định. 

Và nếu có chứng cứ chứng minh hành vi cho vay nặng lãi nhiều lần, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách của người đi vay để thu lợi bất chính thì người cho vay sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung: “Theo điều 163 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định người nào phạm tội cho vay nặng lãi có thể bị phạt tiền từ 1 đến 10 lần số tiền lãi, bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội thu lợi bất chính”.

Phải chứng minh được bị ép bán nhà

Theo luật sư Thạnh, về giấy biên nhận nhận tiền đặt cọc bán nhà, đáng lý ra lúc bị ép ký và lăn tay xong, chị Thuỳ phải đến ngay cơ quan công an trình báo để được xác nhận bằng biên bản làm chứng cứ pháp lý. Khi gửi đơn tố giác, phải đưa chứng cứ này ra.

Đồng ý với quan điểm trên, luật sư Trần Bá Học cho biết bằng mọi cách phải chứng minh được với cơ quan công an việc bị ép ký vào giấy biên nhận nhận tiền 1,1 tỉ đồng với nội dung đặt cọc mua nhà (như băng ghi âm, ghi hình làm rõ hành vi và các chứng cứ liên quan).

Như vậy mới có thể có cơ sở để giải quyết tố cáo của chị Thuỳ.

UYÊN TRINH