TS Philipp Roesler: Muốn 4.0, hãy đặt cược vào giới trẻ
Đó là khẳng định của thành viên ban giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Philipp Roesler trong cuộc phỏng vấn riêng với Tuổi Trẻ nhân Tuần lễ cấp cao APEC 2017 ngày 8-11.
TS Philipp Roesler: Muốn 4.0, hãy đặt cược vào giới trẻ.
Đó là khẳng định của thành viên ban giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Philipp Roesler trong cuộc phỏng vấn riêng với Tuổi Trẻ nhân Tuần lễ cấp cao APEC 2017 ngày 8-11.
Ông Roesler cho rằng cách tốt nhất để Việt Nam thực sự nghiêm túc bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đơn giản là can đảm thay đổi, đặt cược vào việc sử dụng công nghệ.
Để không là trào lưu
APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tràn đầy hứng khởi trong làn sóng khởi nghiệp thời đại số và những cuộc bàn luận sôi nổi về chủ đề cách mạng công nghiệp 4.0.
Là người luôn ủng hộ đổi mới, sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo nhằm thúc đẩy tính thực tiễn của các nỗ lực khởi nghiệp trong thời đại “4.0”, chứ không để khái niệm ấy tồn tại theo kiểu phong trào, bề nổi.
Trong cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, ông Roesler cho biết ông thấu hiểu nỗi băn khoăn này. Là thành viên của ban giám đốc điều hành WEF, ông Roesler đánh giá cao Việt Nam trong các nỗ lực phát triển, đóng góp ý tưởng và khát khao đón nhận thời cơ, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cựu phó thủ tướng Đức tin rằng Việt Nam đã đi đúng hướng, phù hợp với những tài nguyên mà mình đang có. Tài nguyên ấy là một nền kinh tế ổn định và lực lượng dân số trẻ trung, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ để làm nền tảng.
“Các bạn có một tỉ lệ thu nhập bình quân tốt, một nền kinh tế và xã hội phát triển bền vững, an toàn. Theo tôi, đó là điểm cộng rất lớn. Hãy so sánh đi, tại các nước khác, dù quy mô kinh tế lớn hay nhỏ, bạn cũng sẽ thấy sự bất ổn, biến động. Điều đó làm nên sự khác biệt cho Việt Nam” – ông Roesler nói.
Khi được hỏi về việc liệu người Việt Nam có đang nói quá nhiều về “4.0” nhưng có khi chỉ là… trào lưu, người đứng đầu phụ trách kết nối khu vực và chính phủ của WEF nhận xét: “Tôi không cho là các bạn không hành động đâu.
Lợi thế ở đây là trong các lĩnh vực thời cách mạng 4.0, bạn chỉ cần những thứ rất cơ bản để tạo ra một doanh nghiệp ban đầu, và quan trọng là các bạn sở hữu sự sáng tạo của riêng mình. Như thế thôi, các bạn cũng đã đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp mới này”.
Tài sản lớn nhất của Việt Nam
Ông Roesler khẳng định WEF sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc thực hiện các sáng kiến, các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. WEF và Việt Nam cũng như các nước khác đều đã có thoả thuận hợp tác, qua đó WEF sẽ hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, từ tài chính, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng như phát biểu về chủ đề “Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” trước đó, ông Roesler đặc biệt đánh giá cao giới trẻ Việt Nam, cho rằng đây mới chính là tài sản lớn nhất của Việt Nam.
Ông chỉ ra mấu chốt để Việt Nam bước vào cuộc chơi lớn: “Việt Nam đã sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần 4. Điều đó có nghĩa các bạn luôn sẵn sàng đón nhận công nghệ mới, như trí thông minh nhân tạo chẳng hạn. Nhưng để thực sự làm cách mạng 4.0, Việt Nam cần đặt cược vào những người trẻ.
Họ là những người luôn thích ứng rất nhanh với công nghệ mới, với trí thông minh nhân tạo và với mạng xã hội cũng thế. Các bạn vì thế nên tin vào giới trẻ. Khi làm vậy, tôi tin rằng toàn thể Việt Nam cũng như nền kinh tế nói riêng sẽ tiến lên thời kỳ 4.0 mà thôi”.
Tiến sĩ Philipp Roesler (Philipp Rösler) năm nay 44 tuổi, là người gốc Việt, sinh ra tại Sóc Trăng, sau đó sinh sống tại các thành phố ở Đức như Hamburg, Bückeburg và Hanover.
Sự nghiệp chính trị của ông Roesler khởi đầu với việc tham gia Đảng Dân chủ tự do (FDP) ở Đức, trước khi làm phó thủ tướng Đức và bộ trưởng kinh tế và công nghệ liên bang giai đoạn 2011-2013.
Năm 2011, ông làm chủ tịch FDP, nhưng đã thôi chức hai năm sau đó vào thời điểm FDP không được vào quốc hội sau cuộc bầu cử liên bang.
Từ năm 2013, ông Roesler chuyển đến sống tại Genf (Thuỵ Sĩ). Tháng 1-2014, ông trở thành thành viên của ban giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đồng thời là người đứng đầu bộ phận phụ trách kết nối khu vực và chính phủ của tổ chức này.