11/01/2025

Khánh thành nhà máy tân dược thông minh

Mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng 50.000 tỉ đồng tiền thuốc điều trị cho người bệnh. Điều đó cho thấy nhu cầu dùng thuốc tốt, chất lượng cao là rất lớn.

 

Khánh thành nhà máy tân dược thông minh.

Mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng 50.000 tỉ đồng tiền thuốc điều trị cho người bệnh. Điều đó cho thấy nhu cầu dùng thuốc tốt, chất lượng cao là rất lớn.




Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi được sản xuất trên dây chuyền tự động /// Thu Trang

 

Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi được sản xuất trên dây chuyền tự độngTHU TRANG

 

Vì vậy, việc nhà máy sản xuất tân dược hiện đại hàng đầu VN được Công ty CP Traphaco chính thức đưa vào hoạt động có thể nói là một dấu mốc phát triển mới của thị trường tân dược trong nước.
Công nghệ kiểm soát… cảm xúc
Được xây dựng trên diện tích 46.288 m2 với tổng vốn đầu tư 477 tỉ đồng, nhà máy sản xuất tân dược (tại xã Tân Quang, H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gồm 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại và tự động hóa hoàn toàn, gồm: Dây chuyền thuốc nhỏ mắt – mũi công nghệ BFS hiện đại nhất ngành dược tính đến thời điểm này; dây chuyền thuốc viên với hệ thống thiết bị công nghệ cao đạt chuẩn châu Âu được vận hành nhờ cánh tay robot, đảm bảo sự liên hoàn, không sinh bụi. Các dây chuyền thuốc nước, siro công suất lớn với công thức và dạng bào chế hiện đại.
Thạc sĩ dược học Nguyễn Thị Chinh, quản đốc phân xưởng thuốc nhỏ mắt – nhỏ mũi, cho biết: “Mỗi người khó tránh khỏi những cảm xúc tác động và đó có thể là nguyên nhân gây nên những thao tác thiếu chuẩn xác dẫn đến sai sót trong sản xuất. Nhưng nhược điểm này đã được loại bỏ nhờ “tư chất” thông minh của dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt công nghệ BFS mới tại nhà máy tân dược của chúng tôi”.
Cụ thể hơn, ông Mathias Ehrtmann, Giám đốc phụ trách dược phẩm và thực phẩm Tập đoàn Rieckermann (tập đoàn của Đức với bề dày 125 năm kinh nghiệm, chuyên cung cấp các máy móc thiết bị dược phẩm hàng đầu trên toàn thế giới), giải thích: BFS được xem là công nghệ vô trùng hiện đại bậc nhất thế giới hiện tại. Ở VN, Traphaco là công ty tiên phong áp dụng công nghệ này vào việc sản xuất thuốc nhỏ mắt. Với công nghệ BFS vô trùng, lọ thuốc được tạo thành từ hạt nhựa nguyên sinh, ngay sau đó được rót dịch thuốc và hàn kín trong chu trình vận hành tự động, liên hoàn, không có sự can thiệp của con người. Quá trình tự động này không có sự can thiệp thủ công, đảm bảo độ vô trùng tuyệt đối, chất lượng vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho một sản phẩm thuốc nhỏ mắt thông thường, tương đương với các chế phẩm tiêm truyền dùng sau hậu phẫu trong bệnh viện.
Hệ thống pha chế thuốc nhỏ mắt

Hệ thống pha chế thuốc nhỏ mắt

“Việc đầu tư dự án này cho thấy Traphaco không chỉ có tầm nhìn xa trong nghiên cứu và sản xuất mà còn thể hiện đạo đức kinh doanh. Với sự hỗ trợ của Rieckermann và Weiler, Traphaco đã vận hành thành công dây chuyền BFS và trở thành một trong các công ty sản xuất thuốc nhỏ mắt hàng đầu trên thế giới”.
Nói về lý do đầu tư, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco, chia sẻ: “Với mong muốn xây dựng nhà máy dược hiện đại hàng đầu VN và mang tầm thế giới, chúng tôi đã đưa các công nghệ hiện đại từ các nhà cung cấp dây chuyền sản xuất dược phẩm uy tín hàng đầu thế giới, cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao, đạt các yêu cầu ngày càng ngặt nghèo về chất lượng”.

Câu chuyện của ngành dược
Bà Hoàng Thị Rược, Giám đốc nhà máy, cho biết thêm cùng với hệ thống dây chuyền hiện đại, nguồn nguyên liệu tân dược được nhập khẩu trực tiếp từ các nhà cung ứng uy tín trên thế giới (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật…), điều hành bởi đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tâm huyết, tất cả đều hướng đến đích cao nhất: cho ra đời các sản phẩm thuốc đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của nhu cầu điều trị trong nước.

“Chúng tôi vô cùng tâm đắc bởi đã đưa những công nghệ hiện đại trên thế giới về nhà máy sản xuất tân dược của mình. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, nhà máy có công suất 1,2 tỉ đơn vị sản phẩm/năm; 130 công nhân viên đảm nhiệm toàn bộ các công đoạn trong quá trình sản xuất, nhà máy đã giảm 1/2 số người tham gia vận hành so với các quy trình sản xuất cũ; trong khi đó năng suất lại tăng gấp ba lần”, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco, bày tỏ.
Từng nhiều năm trên cương vị quản lý ngành dược, nguyên Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực dược của Bộ Y tế, PGS-TS Lê Văn Truyền đánh giá: “Các doanh nghiệp dược trong nước bắt đầu có hiện tượng tách tốp để ứng dụng các tiêu chuẩn cao hơn trong sản xuất dược phẩm như: GMP/EU, GMP/PICs. Thành công của Traphaco trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất tối tân vào bậc nhất không chỉ là câu chuyện của riêng Traphaco, mà còn là câu chuyện phát triển của cả ngành dược”.

 

Liên Châu