Việc quản lý cư trú thông qua sổ hộ khẩu bằng giấy sẽ chuyển qua quản lý bằng công nghệ thông tin. Nhưng điều kiện tiên quyết là phải hoàn thành mã số định danh cá nhân, mà tiến độ hiện nay đang rất chậm.
Chạy đua cấp số định danh cá nhân.
Việc quản lý cư trú thông qua sổ hộ khẩu bằng giấy sẽ chuyển qua quản lý bằng công nghệ thông tin. Nhưng điều kiện tiên quyết là phải hoàn thành mã số định danh cá nhân, mà tiến độ hiện nay đang rất chậm.
Ngày 7.11, Bộ Công an tổ chức họp báo, giải đáp những băn khoăn xung quanh việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân của Bộ Công an theo Nghị quyết 112/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ.
Bộ Công an cho biết chậm nhất đến đầu năm 2019, công dân khi làm thủ tục hành chính sẽ không cần phải mang sổ hộ khẩu, giấy khai sinh…, mà chỉ cần cung cấp 3 thông tin chính: họ tên; mã số định danh cá nhân và chỗ ở, là sẽ được giải quyết.
Theo trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), những ngày gần đây nhiều thông tin cho rằng Bộ Công an sẽ bỏ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân (CMND) là chưa chính xác.
Ra đường có cần mang giấy tờ tuỳ thân?
Nhiều người đặt câu hỏi, theo dự kiến sau năm 2020 sẽ bỏ sổ hộ khẩu, giấy CMND để quản lý bằng MSĐDCN thì mỗi khi ra đường, người dân có cần mang theo giấy tờ tuỳ thân? Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM, quy định hiện hành thì người dân không mang theo giấy CMND, thẻ CCCD trong người khi bị kiểm tra cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành chính về hành vi này. “Sau này dù có bỏ hộ khẩu, giấy CMND, người dân khi ra đường vẫn phải mang giấy tờ tùy thân như thẻ CCCD để xuất trình khi cơ quan chức năng cần kiểm tra, hoặc khi gặp tai nạn nếu có giấy tờ tuỳ thân thì cơ quan chức năng xác minh nhân thân thuận lợi hơn…”, vị cán bộ này nói.
“Các nước trên thế giới, không nước nào bỏ hộ khẩu cả, chẳng qua là họ quản lý bằng công nghệ thông tin mà thôi.Ở đây chúng ta cũng vậy, là thay đổi quản lý từ hộ khẩu bằng giấy như hiện nay sang quản lý bằng công nghệ thông tin’’, trung tướng Vệ nói. Tương tự, thông tin bỏ giấy CMND theo ông Vệ cũng không đúng, bởi theo luật Căn cước công dân (CCCD) có hiệu lực từ 1.1.2016, CCCD (thay thế CMND) vẫn là giấy tờ bắt buộc của mỗi người.
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, khẳng định: “Bỏ sổ hộ khẩu và CMND không có nghĩa là bỏ quản lý, chỉ là thay đổi quản lý từ giấy tờ rườm rà hiện nay sang quản lý bằng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân”.
Hàng vạn cán bộ thu thập thông tin dân cư
Trung tướng Trần Văn Vệ cho hay, theo tinh thần Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 896/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020, Bộ Công an sẽ triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc.
Cụ thể, Bộ Công an sẽ tiến hành thu thập thông tin về công dân từ các nguồn như: tàng thư căn cước của Bộ Công an, cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp, dữ liệu của bảo hiểm xã hội… Nếu vẫn chưa đủ sẽ huy động hàng vạn cán bộ công an thực hiện thu thập thông tin qua việc phát phiếu cho người dân cùng khai, để thu thập 15 trường thông tin của công dân.
Theo dự kiến, ngày 14.11, Bộ Công an sẽ triển khai trên toàn quốc và tập huấn cho công an cấp tỉnh, huyện, xã phường thị trấn và phát bảng kê để xuống từng hộ đối chiếu với dữ liệu của mình. Dữ liệu này được công an phường xã, thị trấn ký xác thực, chuyển về để nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập trung, thống nhất từ T.Ư tới địa phương để dùng chung, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư.
ĐỒ HOẠ: DU SƠN
“Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thành, dự kiến khoảng năm 2020, Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy như hiện nay. Lúc đó, người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính chỉ cần nêu 3 thông tin cơ bản gồm: họ tên, mã số định danh cá nhân (MSĐDCN) và chỗ ở, chứ không phải mang theo nhiều loại giấy tờ, bao gồm cả hộ khẩu như hiện nay”, ông Vệ nói.
Chính phủ vừa có nghị quyết về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong quản lý dân cư, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
MSĐDCN, theo quy định gồm 12 chữ số cấp cho mỗi công dân VN, không lặp lại ở người khác. Trẻ mới sinh ra khi làm giấy khai sinh sẽ được cấp MSĐDCN; những người đã làm CCCD thì 12 chữ số trên thẻ căn cước công dân chính là MSĐDCN. Với những người chưa có MSĐDCN, thông qua việc thu thập thông tin nói trên sẽ được cấp MSĐDCN để phục vụ việc quản lý.
Đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân
Theo Bộ Công an, hiện nay việc cấp thẻ CCCD đang thực hiện thí điểm tại 16 địa phương, nhưng từ ngày 1.1.2020 sẽ cấp CCCD đại trà trong toàn quốc. Trong thời gian này, những người dân đang dùng CMND loại 9 và 12 số vẫn được phép sử dụng tới khi hết thời hạn, chứ không bắt buộc phải đi đổi ngay sang thẻ CCCD.
Vấn đề đặt ra là thời gian qua đã xảy ra tình trạng đình trệ trong cấp CCCD do thiếu phôi căn cước. Việc thiếu phôi đã từng bước được khắc phục, nhưng nhiều người lo ngại vẫn không đáp ứng khi việc cấp CCCD tiến hành đại trà. Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) Bộ Công an, nhìn nhận việc chậm trễ cấp thẻ CCCD thời gian qua là do thiếu nguyên vật liệu để sản xuất phôi thẻ. “Việc chậm trễ cấp thẻ CCCD vừa qua, có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng có phần chủ quan là chúng tôi tính toán chưa kỹ hết các yếu tố có thể phát sinh. Việc này thuộc trách nhiệm của chúng tôi chứ không phải từ công an các địa phương. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc để việc chậm trễ này sẽ không tái diễn”, đại tá Thắng nói.
Chính phủ vừa thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Cũng theo đại tá Thắng, từ tháng 10, các máy sản xuất thẻ chạy hết công suất, sản lượng dự kiến 50.000 thẻ/ngày để khắc phục tình trạng chậm trễ tại nhiều địa phương. “Chúng tôi cho vận hành máy 24/24 giờ, tức là gấp 3 công suất ngày bình thường cho đến khi bù đắp được lượng thẻ bị chậm cấp thì thôi”, ông Thắng nói và cho biết thêm, thẻ sản xuất đến đâu sẽ nhanh chóng giao cho các địa phương đến đó.
Thủ tục cấp căn cước công dân ra sao?
Trung tá Trần Đình Long, Đội trưởng Đội đổi, cấp, quản lý CMND và giấy tờ đi lại khác, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM, cho biết theo quy định hiện hành, công dân 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ CCCD. Thủ tục làm thẻ CCCD khá nhanh gọn, người dân mang hộ khẩu đến PC64, tại đây có sẵn mẫu đơn ghi thông tin, chụp ảnh (tại chỗ), lấy dấu vân tay bằng thiết bị điện tử (không lăn tay bằng mực in như trước). Thậm chí, những trường hợp bị mất giấy CMND, thẻ CCCD, người dân đến PC64 có mẫu đơn, ghi thông tin, lý do bị mất, không cần làm đơn cớ mất có xác nhận của công an địa phương (nơi bị mất) như trước đây. Theo quy định, đối với cấp mới, cấp đổi thẻ CCCD (không cần xác minh lại thông tin) thì sau 7 ngày sẽ cấp; còn cấp mất, cấp đổi, cấp mới (có xác minh) thì 15 ngày.
“Hiện TP.HCM có hơn 8 triệu người có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Tính đến thời điểm này, PC64 đã làm thẻ CCCD cho hơn 1 triệu người. Hiện mỗi ngày Công an TP.HCM tiếp nhận xử lý hơn 1.000 trường hợp làm thẻ CCCD, nhưng năm sau con số này có thể thay đổi vì lệ thuộc vào người có nhu cầu làm thẻ (công dân đến 14 tuổi trở lên phải đi làm thẻ hoặc người ở tỉnh, thành khác nhập khẩu vào TP.HCM). Tinh thần là Công an TP.HCM sẽ làm hết sức mình để đảm bảo cấp thẻ CCCD cho người dân”, một lãnh đạo của PC64 khẳng định.
Còn theo ông Đỗ Văn Thuyên, Trưởng phòng Tuyên truyền (Bảo hiểm xã hội TP.HCM), trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 6,6 triệu người tham gia bảo hiểm. Thông qua việc làm thẻ CCCD, dự kiến Bảo hiểm xã hội VN cũng sẽ xem xét có lộ trình tích hợp thông tin bảo hiểm của người tham gia vào MSĐDCN, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục.