11/01/2025

Tổ ấm lục đục vì ‘người dưng’

“Chén bát trong sóng còn khua”. Hai người đến với nhau, sống chung với bao nhiêu thử thách lẫn cám dỗ, bao nhiêu ánh mắt nhìn vào, trông ra, sao tránh những lúc không nhìn về cùng một hướng.

 

Tổ ấm lục đục vì ‘người dưng’.

“Chén bát trong sóng còn khua”. Hai người đến với nhau, sống chung với bao nhiêu thử thách lẫn cám dỗ, bao nhiêu ánh mắt nhìn vào, trông ra, sao tránh những lúc không nhìn về cùng một hướng.

 

Tuy nhiên, chuyện xào xáo chỉ vì “người ngoài” có những góp ý không hay, hoặc vì những chuyện không đâu thì thật… kỳ cục!

1 Anh K. là người mê bóng đá! Tất nhiên, đàn ông thích bóng đá, có những đêm phiêu du cùng trái bóng, nhất là vào những giải đấu lớn như World Cup, Euro, ngoại hạng Anh… là điều bình thường, thậm chí đó là “dấu hiệu” của một người “chuẩn men”. Vợ phải cảm thông. 

Nhưng theo chị N. – vợ anh K., “anh ấy không dừng ở mê xem bóng đá mà còn có nhiều xúc cảm quá khích trong và sau mỗi trận bóng, mỗi mùa bóng, khi đội này thua, đội kia thắng, cầu thủ nọ đá dở, ghi hụt bàn nào đó”. 

Anh ăn ngủ với bóng đá đến nỗi không còn nói chuyện gì khác ngoài bóng banh khiến chị cảm thấy “dị mộng”, không thể đồng cảm nổi. Những bực bội từ chị nhanh chóng được biểu hiện, nhưng anh không thay đổi nên ồn ào trong gia đình ngày càng kéo dài không có hồi dứt, mặc dù những trận bóng chỉ có 90 phút đều phải được khép lại.

 

Chị than: “Thực ra mình có thể thức cùng chồng, hoặc cảm thông khi mùa bóng tới, trong việc chồng thức đêm hôm, nhưng sau đó anh phải thoát ra khỏi cảm xúc của bóng đá để nghĩ đến cảm xúc của vợ, đến những chuyện khác nữa chứ”.

2 Anh M. không giống anh K.. Chuyện của gia đình anh bắt đầu lục đục từ mối quan hệ với những người bạn hồi phổ thông. Vợ anh M. bộc bạch: “Tôi không cấm chuyện chồng chơi với bạn, nhất là bạn bè thời học sinh đến giờ. Nhưng anh quá trọng bạn, lúc nào bạn gọi cũng có mặt, trong khi cuộc sống có biết bao điều phải lo nữa, đâu phải chỉ có gặp nhau cà phê, nhậu, trò chuyện đông tây các kiểu”.

Chị buồn nhất còn là chuyện trong mỗi kỳ nhậu, bạn anh M. vẫn hay “bình phẩm” vợ thằng này đứa kia trong hội. Ngoài ra còn màn xúi giục: “Mày không trị vợ thì nó nhảy lên đầu lên cổ cho xem”.

Rồi “Con vợ tao mà có ý kiến trong chuyện nhậu nhẹt là đai liền”. Kiểu cách gia trưởng và có hơi hám bạo hành đó không biết những người bạn “chí cốt” của anh có ứng xử với vợ hay không, nhưng những “giáo lý” đó cứ được bơm nhét hoài, sao tránh chuyện chồng mình không bị ảnh hưởng – chị bày tỏ mối lo.

“Rất may, anh ấy chưa làm gì quá đáng, nhưng bạn bè đâm chọt gia đình người khác như vậy không hay ho gì. Làm vợ biết những điều đó sao không phiền não chứ!”, chị chia sẻ.

3 Và nhiều người vợ khác còn bày tỏ bức xúc khi có những người trong gia đình chồng hay chê con dâu, cháu dâu. “Thằng T. coi ngon lành vậy mà sao cưới con bé không đẹp lắm”; hay “Vợ thằng D. coi bộ không biết ứng xử”.

Lời vô tiếng ra, nếu không vững tâm thì thế nào gia đình chồng hoặc chồng cũng sẽ có suy nghĩ không hay về vợ, rồi về nhà có những hục hặc không đáng. “Nhiều ông rất cạn nghĩ, chỉ cần nghe người ngoài nhận xét gì đó là về nhà nổi nóng, không cần nhìn lại những điều tốt đẹp của vợ mình hoặc không hỏi kỹ tại sao lại có ứng xử như vậy. 

Ai cũng có sơ suất, vấn đề là tiếp thu và hoàn thiện. Còn cái đẹp đâu phải lúc nào cũng là tiêu chí số một, khi người đàn ông chọn một cô gái làm vợ, cưới là cưới về cho chính anh ấy, nên chỉ có anh ấy mới thấy hợp và thấy đẹp thôi”, chị Sương (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ.

Có nhiều ông chồng trong những cuộc nhậu bị “rù quến” bởi chính bạn nhậu của mình, với những câu như: “Mày ở với vợ hoài không ngán hả, nếu chịu, tao kiếm một em ngon lành để đổi vị”. Và, trong lúc có hơi men, chuyện gật đầu rồi sa chân vào những chuyện không hay ho, đánh mất sự chung thuỷ hoặc hạnh phúc gia đình, kể cả rước bệnh tật là khó tránh. Rồi sự đổ vỡ hôn nhân gần đó chứ có xa đâu.

Ai cũng có thể có ý kiến hoặc có thể “nói xấu” người vợ, người thương của mình, nhưng nếu không khéo ứng xử thì những hư hao hạnh phúc gia đình chỉ riêng chính mình chịu thôi!

Bản lĩnh trước lời ong tiếng ve

Chuyện người chồng hay vợ bị rủ rê “của lạ”, tán tỉnh ong bướm từ bạn bè không hiếm gặp. Vấn đề là bản lĩnh của từng người biết nói không trước những lời rủ rê, tán tỉnh nguy hại đó.

Không chung thủy là một trong các nguyên nhân tan vỡ gia đình. Nếu người chồng người vợ biết trân trọng gia đình, muốn giữ gìn gia đình êm ấm thì sẽ coi trọng sự chung thuỷ, khi đó mới có thể có bản lĩnh nói không trước những cám dỗ.

Nếu người vợ thấy người chồng sa đà với bạn bè, nghe gièm pha mà coi thường vợ, có những hành vi không chung thủy với vợ… thì cần nhớ câu “anh sai đường em không bỏ mặc”.

Hạnh phúc gia đình rất đáng trân quý. Người xưa có câu “còn nước còn tát”. Người vợ cần nói chuyện, tâm tình để hiểu tâm tư của chồng, tìm hiểu nguyên nhân những sa ngã của chồng bằng quan sát, hỏi chuyện, lắng nghe chồng.

Người vợ biết nguyên nhân sẽ có cách thích hợp thuyết phục chồng. Nguyên tắc khi nói chuyện cần tôn trọng nhau, không chê bai chỉ trích ghen tuông.

Nếu người chồng hết tình nghĩa, không còn yêu thương thì ly hôn là một giải pháp giải thoát cho cả hai, cho cả con cái.

Thực ra khi gia đình là tổ ấm, người thứ 3 – dù đó là ai – không cơ hội xen vào.

TS PHẠM THỊ THÚY

TẤN KHÔI