10/01/2025

Hơi một tí là ‘kể tội’ chồng trên ‘Phây’

Cuối Ngày phụ nữ Việt Nam, trên trang Facebook của mình, chị P. (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đăng một dòng trạng thái ngắn gọn: “Anh H. nhà mình không biết ngày 20-10 là ngày gì nên bà con đừng hỏi ảnh nhé!”

 

Hơi một tí là ‘kể tội’ chồng trên ‘Phây’.

Cuối Ngày phụ nữ Việt Nam, trên trang Facebook của mình, chị P. (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đăng một dòng trạng thái ngắn gọn: “Anh H. nhà mình không biết ngày 20-10 là ngày gì nên bà con đừng hỏi ảnh nhé!”

 

Hơi một tí là kể tội chồng trên Phây - Ảnh 1.

Lời trách móc của chị P. ngay lập tức được nhiều người “cùng cảnh ngộ” vừa like, vừa bình luận động viên, chia sẻ…

Chuyện nhỏ hoá to!

Gia đình tôi với gia đình anh H. vừa là chỗ thân tình từ nhiều năm nay, vừa là bạn bè trên mạng xã hội nên chúng tôi có thể chia sẻ, trò chuyện, “chém gió” với nhau qua từng trạng thái được cập nhật trên Facebook hay Zalo. 

Tuy nhiên, qua trao đổi với anh H. thì biết: từ khi dòng trạng thái của chị P. được đăng đến nay, không khí trong gia đình họ không vui vẻ như trước. Vợ hỏi gì thì chồng đáp và ngược lại, tuy nhiên “nhu cầu trò chuyện giảm hẳn”, anh H. thật thà kể.

Xem kỹ những comment (bình luận) phía dưới dòng trạng thái của chị P. có thể thấy nhiều người có “cùng cảnh ngộ” đã động viên, chia sẻ và khuyên “chỉ cần hiểu nhau, vì nhau là được”, nhưng cũng có người chê trách anh H. “vô tâm”, “thờ ơ”, “hời hợt”… 

Là chỗ bạn bè nên vợ chồng tôi hiểu, trong khi nhiều người tươi cười, hạnh phúc khoe những tấm hình với các giỏ hoa, các món quà lên Facebook, Zalo nhân ngày 20-10, thì việc không nhận được sự quan tâm từ chồng mình nên chị P. chỉ than vãn, hờn dỗi anh H. một chút thôi.

Hơn nữa, vợ chồng tôi cũng biết vợ chồng chị P. vốn không thích màu mè mà chỉ chú trọng việc quan tâm, chia sẻ mọi việc trong cuộc sống gia đình như: chăm sóc con cái, nhà cửa, đối nội, đối ngoại. 

Hàng xóm, bạn bè vẫn khen anh H. là người chồng có trách nhiệm khi hằng ngày anh đưa con đi học, đón con đúng giờ cũng như việc lau nhà, phụ vợ nấu ăn, giặt giũ hoặc đi chợ, còn chị P. vẫn được biết đến như một người đảm đang, khéo léo trong cả đối nội, đối ngoại…

Tương tự chị P., chị T. (Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã nhiều lần than thở về chồng trên Facebook. Ngôn ngữ chị dùng trong các dòng trạng thái có vẻ gay gắt mỗi khi chồng nhậu nhẹt với bạn, về trễ hay một lý do nào đó. 

Và cũng giống như chị P., những dòng trạng thái của chị T. được cộng đồng mạng bình luận, chia sẻ, thậm chí là “đổ thêm dầu vào lửa”…

“Tố” nhau lên mạng xã hội: con dao hai lưỡi

Anh H. đã tâm sự với tôi: “Không phải mình không tặng vợ được một món quà nhân dịp lễ nào đó, nhưng nếu làm như vậy cảm thấy màu mè, khách sáo làm sao ấy”. Quan điểm của anh có lẽ cũng phù hợp với nhiều người đàn ông khác, trong đó “đã là vợ chồng thì quan trọng nhất vẫn là hiểu, cảm thông, chia sẻ với nhau là chính, cái gì cần thiết thì khó mấy cũng cố”. 

“Tiền của chồng cũng là tiền của vợ mà, việc gì phải đưa lên mạng, làm như mình tệ lắm không bằng”, anh H. trải lòng thêm. Trong khi đó, chị P. lại thú thật “lâu lâu muốn có tí bất ngờ từ chồng mình”.

Cũng giống anh H., anh Th. (chồng chị T.) đã nhiều lần nổi nóng, phản kháng chuyện “hơi một tí là đưa lên Facebook” của vợ, làm cuộc sống vợ chồng có lúc căng thẳng, không được “mưa thuận, gió hòa”.

Dù sở thích, mục đích gì đi nữa, việc cẩn trọng khi đưa thông tin lên trang cá nhân là hết sức cần thiết. Chẳng hạn như chuyện chị P., chị T., những thông tin họ đưa lên đã vô tình “tố” những nhược điểm – vốn rất tế nhị của chồng để bàn dân thiên hạ biết, thậm chí là bị bạn bè, anh em trên Facebook lên án, đánh giá thông qua các bình luận. 

Rõ ràng những ông chồng không hề mong muốn mình bị “tố” như vậy, họ thấy “quê mặt” nên họ thường phản ứng lại. Tích cực, thay đổi chưa thấy, nhưng những ông chồng bị vợ “tố” lên mạng xã hội mà tôi từng biết thường có biểu hiện ít nói hơn hoặc bất cần hơn… 

Điều này kết hợp với các bình luận “thêm dầu vào lửa” dễ dẫn đến tình trạng không khí trong gia đình đó căng thẳng lên, và tình trạng căng thẳng cũng tỉ lệ thuận với số lần bị “tố” trên Facebook, Zalo.

Cuộc sống của các thành viên trong gia đình hiện nay khó tách rời khỏi điện thoại thông minh, Internet, mạng xã hội… Và dù xã hội có hiện đại đến đâu, điều rất cần trong cuộc sống gia đình chính là sự thẳng thắn góp ý, đặc biệt cần cho người bạn đời biết nhu cầu, nguyện vọng, sở thích của mình, đồng thời chỉ ra những điểm yếu của nhau để cả hai cùng thay đổi chứ không nhất thiết là cứ phải “vạch áo cho người xem lưng” trên mạng xã hội. 

Những thông tin “tố” nhau trên Facebook, Zalo có thể là con dao hai lưỡi, khi vừa có thể giúp các thành viên điều chỉnh hành vi nhưng cũng là ngọn nguồn đem lại không khí căng thẳng hơn, thậm chí là tàn phá gia đình trong phút chốc.

Có thể thấy việc các thành viên trong gia đình đưa những thông tin riêng tư lên mạng xã hội là điều cần được cân nhắc một cách nghiêm túc. Có người muốn khẳng định vị thế “hơn người” của gia đình mình trên mạng xã hội nên họ thường đưa các thông tin mang tính “khoe” như: thành tích học tập của con cái, các chuyến đi du lịch, những buổi tiệc tùng… Người khác lại xem mạng xã hội là nơi để trút bỏ những suy tư, ưu phiền của cuộc sống…

     

NGUYỄN QUẾ DIỆU