10/01/2025

Người khuyết tật một chân bị cấm lái ôtô?

Sở GTVT Đắk Lắk từ chối cho người bị khuyết tật một chân thi sát hạch bằng lái B1 khiến người thi bức xúc bởi giấy khám sức khoẻ ghi rõ “đảm bảo sức khoẻ học lái xe bằng B1”.

 

Người khuyết tật một chân bị cấm lái ôtô?

 

Sở GTVT Đắk Lắk từ chối cho người bị khuyết tật một chân thi sát hạch bằng lái B1 khiến người thi bức xúc bởi giấy khám sức khoẻ ghi rõ “đảm bảo sức khoẻ học lái xe bằng B1”.


Người khuyết tật một chân bị cấm lái ôtô? - Ảnh 1.

Ông Hồ Văn Hoà học lái xe tại Trường trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên – Ảnh do nhân vật cung cấp

Đáng nói hơn cả là có trường hợp sau khi bị Sở GTVT Đắk Lắk từ chối cho thi lấy giấy phép lái xe, người này lại được Sở GTVT TP.HCM cho phép sát hạch và cấp bằng.

Được học nhưng không được thi

Ông Hồ Văn Hòa (68 tuổi, trú xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết ông bị teo cơ chân phải từ lúc mới 3 tuổi. Từ năm 1967, ông làm thợ sửa chữa ôtô và biết lái xe từ đó đến nay nhưng chỉ lái “chui”.

Theo ông Hoà, khi Nhà nước có chính sách cho người khuyết tật được phép lái ôtô, ông đăng ký học tại Trung tâm sát hạch lái xe Vinasme Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). 

Trong hồ sơ của ông có giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp ngày 10-3-2017 ghi rõ “đảm bảo sức khỏe học lái xe bằng B1”. Ông thi lý thuyết xong, nhưng đến khi chuẩn bị thi thực hành thì Hội đồng sát hạch tỉnh Đắk Lắk không cho thi.

Trước đó, bác sĩ Lê Xuân Quang (56 tuổi, trú xã Cư Né, Krông Búk, Đắk Lắk) bị cụt chân phải đến đầu gối và được Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) xác nhận “đủ điều kiện lái ôtô hạng B1”, nhưng cũng bị Trường trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên từ chối cho học do “tham vấn ý kiến của Sở GTVT”.

Ông Quang viết đơn khiếu nại lên Sở GTVT. Cơ quan này có văn bản tham khảo ý kiến ngành y tế và được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết nếu trường hợp cụt một cẳng chân hoặc một cẳng tay thì “đủ điều kiện để học lái xe thuộc nhóm 1 và nhóm 2 (A1 và B1)”. 

Tuy nhiên, Sở GTVT Đắk Lắk vẫn giữ nguyên quan điểm… từ chối.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long – giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Hoàng Gia (TP.HCM) – lại cho biết học viên Lê Xuân Quang bị mất một chân phải (lắp chân giả) đã được thi sát hạch và được cấp bằng lái ôtô B1 ngày 20-9. 

Căn cứ quy định của Bộ Y tế thì học viên này đủ điều kiện học và thi lấy giấy phép lái ôtô.

Tại sao bị từ chối?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Hữu Kiệm – trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT Đắk Lắk – khẳng định hội đồng sát hạch (do ông làm chủ tịch) từ chối ông H do ông bị teo cơ chân phải, giảm chức năng vận động bàn chân phải. 

“Trong khi đó, Vinasme lại không có phương tiện chuyển đổi chân ga, chân thắng sang chân trái để trong quá trình thi ông H đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác. Chúng tôi từ chối là bởi lý do đó” – ông Kiệm nói. 

Ông Kiệm còn nói nếu cá nhân ông Hoà hoặc trung tâm sát hạch có phương tiện chuyển đổi hệ chân ga, chân thắng sang chân trái thì vẫn cho ông này sát hạch.

Ông Kiệm cho rằng lỗi ở đây là của Vinasme. “Vinasme phải từ chối. Trung tâm vẫn cho đăng ký, thu phí, giảng dạy nhưng lại không có phương tiện cho người ta tập và thi sát hạch là làm sai quy định” – ông Kiệm phân tích.

Về việc bác sĩ Quang được Sở GTVT TP.HCM cấp giấy phép lái xe B1, ông Kiệm nói việc từ chối cho ông Quang học lái xe để cấp bằng B1 là do các cơ sở đào tạo lái xe tại Đắk Lắk chưa có phương tiện chuyển đổi chân ga, chân thắng sang bên trái. 

“Có thể các cơ sở đào tạo tại đây có phương tiện chuyển đổi chân ga, chân thắng sang trái để ông Quang lái xe thuận trong trường hợp mất chân phải” – ông Kiệm đưa ra giả thuyết.

Quy định còn bất cập

Trao đổi về trường hợp ông Hòa học lái xe nhưng không được thi sát hạch, ông Trương Văn Lục – giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Vinasme Tây Nguyên – nói không nghĩ ông H sẽ bị từ chối thi sát hạch. Quan điểm của Sở GTVT Đắk Lắk như vậy thì ông đành phải chấp nhận. 

“Chúng tôi sẵn sàng bồi hoàn kinh phí cho ông H” – ông Lục nói.

Ông Lục cho rằng trung tâm chỉ có thể trang bị các xe số tự động cho những học viên bình thường, không thể trang bị riêng xe cho đối tượng khuyết tật. Đó là chưa kể việc hoán đổi phải được các cơ quan đăng kiểm chấp thuận, cho lưu hành nên rất khó khăn, phức tạp.

Theo ông Lục, các quy định để người khuyết tật được lái xe đang tồn tại một số bất cập. Chẳng hạn trong thông tư liên tịch số 24 quy định “chân phải, chân trái” hết sức máy móc. 

“Trong trường hợp của ông H, ông ấy yếu chân phải nhưng chân trái vẫn có thể giậm ga, giậm phanh tốt. Chân phải hay chân trái chỉ là quy định của mình, bản chất vấn đề là ông ấy vẫn có thể giậm ga, phanh bằng chân trái” – ông Lục phân tích.

Ông Lục cho biết ở nước ngoài có những người bị cụt hai chân thì các ôtô được chuyển ga, phanh lên điều khiển bằng tay. 

“Chúng ta chưa sản xuất ôtô riêng cho những người bị khuyết tật, nhưng có thể sửa các quy định. Nếu thay đổi được câu chữ trong quy định, sẽ có nhiều người khuyết tật hơn được lái ôtô theo nguyện vọng” – ông Lục nhấn mạnh.

TP.HCM: cho thi nếu được xác nhận đảm bảo sức khỏe

Ông Võ Trọng Nhân – trưởng phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT TP.HCM – cho biết thời gian qua, phòng có cho một số trường hợp người khuyết tật ở chân thi lấy giấy phép lái ôtô.

Căn cứ quy định hiện hành, khi người khuyết tật ở chân được cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên xác định “đảm bảo sức khoẻ học lấy bằng lái xe B1” thì sở cho phép thi lấy bằng.

Thực tế có người bị cụt một chân được cấp giấy phép lái xe B1 khi đạt yêu cầu thi sát hạch.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền – phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, việc tổ chức thi lấy giấy phép lái xe cho người khuyết tật không chỉ căn cứ vào yếu tố người khuyết tật, mà còn căn cứ vào việc người đó sử dụng xe thi.

Bà Hiền đề nghị ông Hồ Văn Hoà ở Đắk Lắk gửi hồ sơ về Tổng cục Đường bộ để được trả lời cụ thể.

TRUNG TÂN – NGỌC ẨN