Người Việt ngại sinh con?
Công việc bận, ngại, lo không đủ thời gian và tài chính nuôi dạy con…, nhiều gia đình chỉ sinh 1 con. Điều này khiến VN là một trong những nước có tốc độ già hoá dân số rất nhanh.
Người Việt ngại sinh con?
Công việc bận, ngại, lo không đủ thời gian và tài chính nuôi dạy con…, nhiều gia đình chỉ sinh 1 con. Điều này khiến VN là một trong những nước có tốc độ già hoá dân số rất nhanh.
Tỉ lệ người 60 tuổi trở lên ở VN năm 2011 chiếm 9,9% dân số, đến 2016 đã gần 11%.
Theo Tổng cục Dân số kế hoạch hoá gia đình (DSKHHGĐ), sau hơn nửa thế kỷ thực hiện một chính sách xuyên suốt là giảm sinh, VN đang chuyển dần chính sách “mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con” sang “mỗi gia đình sinh đủ 2 con”.
Quá nhiều lý do không sinh con
Chị D.T.K.T. (35 tuổi, ngụ tại TP.HCM) chia sẻ vì thời gian không có, công việc “đầu tắt mặt tối” nên đến giờ chị mới có một cậu con trai 11 tuổi.
Cách đây 4 năm, chị rời Hà Nội vào TP.HCM lập nghiệp. Mấy năm trước và cho đến bây giờ, chị có ý định sinh thêm nhưng lấn cấn mãi vì quỹ thời gian dành cho con eo hẹp.
Mỗi ngày, thường chị K.T. đi làm về mới đón con, sau đó cơm nước cho gia đình. Con học bài, mẹ làm việc của mẹ.
Nhiều khi thấy con không có người chơi cùng, lủi thủi một mình thương lắm. Nếu có thêm em, con có người chơi vui hơn. Nghĩ thế nhưng đến giờ chị vẫn chưa sẵn sàng để sinh thêm.
“Mới có một đứa tôi đã cảm thấy không có thời gian nuôi dạy, gần con. Thực sự nhiều lúc tôi thấy có lỗi với con vì điều đó. Điều tôi băn khoăn nhất không phải là nuôi con mà là dạy con. Hai con thì lấy đâu ra thời gian” – chị K.T. bộc bạch.
Cũng nghĩ con một sẽ dễ có tính ích kỷ và xem mình là “trung tâm vũ trụ”, chị K.T. quyết không nuông chiều con.
Không khó khăn về kinh tế, tuổi chưa đến 30 nhưng chị Kim Anh, ngụ tại TP.HCM, cũng quyết định chỉ sinh 1 con.
Chị bảo lúc quyết định cũng phân vân, cân đo đong đếm. Nhưng nghĩ lại cảnh bầu bì thai nghén rồi đau sau sinh, hơn nữa chị đang hỗ trợ cho công ty của chồng, giờ mà nghỉ lại gây khó khăn cho anh.
Chị Kim Anh chia sẻ: hai vợ chồng đều cảm thấy một đứa là đủ, thêm đứa nữa lỡ chăm không tốt cả hai đều thiệt thòi. Người lớn trong nhà nói sinh thêm đứa nữa, nhưng vợ chồng chị chỉ cười.
“Bé nhà mình cũng khá tự lập. Mình đang hết sức “tung tăng” và năng động, giờ mà mang bầu rồi sinh con lại quanh quẩn trong nhà, stress lắm”…
Nguy cơ khủng hoảng thiếu lao động
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nhiều lần nhắc đến vai trò của công tác dự báo dân số, thậm chí từng đăng đàn khuyến khích phụ nữ TP.HCM nên sinh đủ 2 con.
Tại phiên họp HĐND TP đầu tháng 7 năm nay, ông Nhân cho rằng mục tiêu của TP là phải kéo tỉ suất sinh lên dần trở lại là 2 con.
Việc duy trì tỉ suất sinh thay thế như vậy trong hơn 10 năm qua giúp gia đình ổn định, bền vững về dân số, tạo cơ cấu dân số vàng.
Ông Nhân cho rằng TP.HCM làm rất tốt việc cân bằng giới tính khi sinh, với 100 bé gái sinh ra thì có khoảng 106 bé trai. Tuy nhiên, TP.HCM là địa phương sinh ít nhất cả nước.
Trong khoảng 9 năm qua, TP duy trì tỉ suất sinh 1,46 con/phụ nữ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả nước, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu lao động như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hiện nay.
M.HOA
Mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tân – phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DSKHHGĐ – đánh giá từ năm 1993 đến nay, sau 1/4 thế kỷ VN đã thực hiện chính sách dân số rất thành công, số con trung bình của một phụ nữ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 3,73 con năm 1993 xuống 2,1 con năm 2006 và duy trì quanh mức sinh này trong 10 năm.
Đây là một thành công vì nhiều nước sau khi đạt mức sinh thay thế (tức hai bố mẹ mất đi sẽ có hai con thay thế), mức sinh sẽ giảm tiếp, nhưng VN đạt rồi đi ngang, duy trì.
Việc giảm sinh xuống đến mức sinh thay thế những năm qua đã giúp tránh sinh thêm khoảng 20 triệu người, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Nhìn nhận về việc VN đang đối mặt với nhiều mặt trái liên quan đến giảm sinh, trong đó có chuyện lựa chọn giới tính, già hoá dân số…, ông Tân xác nhận có phát sinh những điểm không tích cực như già hoá dân số với tốc độ nhanh, chỉ số giới tính khi sinh mất cân bằng.
Theo số liệu của Tổng cục DSKHHGĐ, để chuyển từ giai đoạn già hoá dân số sang giai đoạn dân số già Hoa Kỳ mất 69 năm, Canada 65 năm, Úc 73 năm, VN chỉ 22 năm!
Cố giữ mức sinh không giảm nhiều
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Tổng cục DSKHHGĐ sẽ tập trung vào ba việc lớn: duy trì cho được mức sinh thay thế càng lâu càng tốt, ít nhất là đến năm 2030, làm sao để mức sinh không tăng đột biến nhưng cũng không giảm xuống nhiều.
Thứ hai là giải quyết vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh.
Thứ ba, tập trung nâng chất lượng dân số, giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh bị bệnh tật di truyền, bẩm sinh.
Đặc biệt, ông Tân cho rằng sẽ phải đồng thời xây dựng một chiến lược thích ứng với già hoá dân số…
Không nên “nới” ngay
Trước thực tế mỗi năm dân số VN vẫn tăng gần 1 triệu người, trả lời câu hỏi VN có “nới” cho tùy ý sinh 3 con, ông Tân khẳng định giai đoạn này VN sẽ uyển chuyển trong vận động, như TP.HCM mức sinh thấp (khoảng 1,4-1,5 con/bà mẹ tuổi sinh đẻ) thì vận động sinh đủ hai con.
Những vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên mức sinh cao sẽ vận động để hạn chế mức sinh cho phù hợp. Chính sách chung là mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt.
Thực chất về việc “nới”, ông Tân cho rằng chính sách của Đảng đã có thay đổi: năm 2008 đảng viên sinh con thứ 3 sẽ có mức kỷ luật là cảnh cáo, sinh con thứ 4 là khai trừ khỏi Đảng.
Đến năm 2013, đảng viên sinh con thứ 3 mức kỷ luật là khiển trách, sinh con thứ 4 mới cảnh cáo, con thứ 5 mới khai trừ.
Ông Tân cho biết hiện các cấp có thẩm quyền đang xem xét quy định về dân số, “ý kiến của riêng tôi có “nới” cũng phải có lộ trình, không “nới” ngay lập tức” – ông Tân nêu quan điểm.
Người già phải tham gia lao động ngày càng nhiều
Ông Nguyễn Văn Tân dẫn số liệu của các nhà nghiên cứu cho biết năm 2012 VN có 7,3% trong tổng số người cao tuổi tham gia thị trường lao động. Năm 2015, tỉ lệ này là 8,4%.
Dù chưa có thông tin về người cao tuổi trên là từ mốc tuổi nào nhưng theo ông Tân, nếu tính từ 60 tuổi, số người già tham gia lao động ở VN còn cao hơn, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp.