11/01/2025

Nghĩa tình 15 năm tiếp sức đến trường

Tối 3-10, lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường 2017” cho 276 tân sinh viên bảy tỉnh thành miền Đông Nam Bộ đã được báo Tuổi Trẻ tổ chức tại trường quay Đài truyền hình TP.HCM.

 Nghĩa tình 15 năm tiếp sức đến trường.

 

Tối 3-10, lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường 2017” cho 276 tân sinh viên bảy tỉnh thành miền Đông Nam Bộ đã được báo Tuổi Trẻ tổ chức tại trường quay Đài truyền hình TP.HCM.

Nghĩa tình 15 năm tiếp sức đến trường - Ảnh 1.

Bà Thân Thị Thư (uỷ viên Ban thường vụ, trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ) và ông Lê Thế Chữ (phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ) trao quà cho tân sinh viên – Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây là buổi trao học bổng đánh dấu cột mốc 15 năm của chương trình “Tiếp sức đến trường”.

Năm 2003, chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 165 được mang tên “Tiếp sức đến trường”, với 27 suất học bổng dành cho 27 tân sinh viên đang đứng trước nguy cơ dở dang giấc mơ đại học. Năm thứ 15, số học bổng đã tăng lên đến 1.966 suất.

15 năm, đã có 16.648 tân sinh viên được tiếp sức. Con số ấn tượng, slogan mạnh mẽ, tự tin: “Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ”, nhưng những câu chuyện của 15 năm còn ấn tượng hơn.

“Chương trình đã cho tôi một người mẹ”

“Học bổng Tiếp sức đến trường không chỉ mở cho tôi cánh cửa vào đại học mà đã cho tôi hẳn một người mẹ, một người mẹ thật sự” – Nguyễn Thị Nghĩa (nhận học bổng Tiếp sức đến trường  2008) viết thư cho Tuổi Trẻ từ Đà Nẵng. 

Ba tháng tuổi mẹ bỏ Nghĩa, ba vì thế mà phát bệnh tâm thần. Nghĩa sống với bà nội già yếu, mù lòa, thiếu trước hụt sau. Từ 8 tuổi, Nghĩa đã trở thành lao động chính trong gia đình, chăm sóc cả bà nội lẫn cha. 

Không thể liệt kê hết những “nghề” mình đã làm trong bao nhiêu năm tháng tuổi thơ, không thể kể hết những tủi cực thiệt thòi, Nghĩa chỉ nói: “Những đêm lội qua cánh đồng vắng đi làm trước giờ đi học, khi bạn bè vẫn còn say ngủ, tôi tự nói với mình: Mình còn lành lặn, còn có thể đi học, vậy là vẫn còn may mắn”. 

Năm 2007 đậu đại học, nhưng không có tiền, Nghĩa ngậm ngùi đi làm công nhân. Giấc mơ đi học để đổi đời không tắt, năm 2008 Nghĩa lại đậu đại học ở tận TP.HCM. Nỗi lo nhiều hơn niềm vui, nhưng lần này Nghĩa đã gặp được chương trình Tiếp sức đến trường.

Câu chuyện của Nghĩa trong buổi giao lưu hôm ấy khiến bao người rơi nước mắt. Bà Kiều Thị Kim Lan, một nhà tài trợ, thành viên Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường tỉnh Quảng Nam, đã ôm Nghĩa thủ thỉ: “Vào TP.HCM nhập học, con đến ở nhà cô nhé”. 

Từ hôm ấy Nghĩa có mẹ, bà Kim Lan có con gái. Năm năm theo học Đại học Luật là năm năm Nghĩa có mâm cơm chờ sẵn bên bàn mỗi khi đi về, có người hỏi han mỗi khi đau bệnh, có người mua cho chút quà mang về quê khi tết đến, có người vui mừng khi Nghĩa tốt nghiệp, khi đậu cao học, khi có người yêu, có việc làm, lấy chồng, sinh con… 

Nghĩa tình 15 năm tiếp sức đến trường - Ảnh 2.

Các bạn sinh viên hào hứng trong chương trình trao học bổng “Tiếp sức đến trường” – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hôm nay, tần ngần cầm điện thoại mở trang Facebook của Nghĩa xem ảnh cháu ngoại, bà Lan nói: “Nhận một cô gái vào nhà mình ăn ở, làm con nuôi thật ra đâu có dễ. Ấy vậy mà tôi đã quyết định ngay trong vòng vài phút, khi nghe Nghĩa trò chuyện trên sân khấu. 

Vì lòng thương dội lên vào lúc ấy và còn vì đằng sau đã có sẵn sự tin tưởng, gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường”.

Đi với Tiếp sức đến trường ngay từ những ngày đầu tiên, mỗi năm, cứ đến mùa thi đại học, bà Lan lại gác việc nhà, việc công ty để quay sang lo cho mùa “tiếp sức”: tổ chức họp hội đồng hương, hội doanh nghiệp để thông báo, quyên góp; giữ liên lạc với địa phương, với báo Tuổi Trẻ để tìm kiếm các tân sinh viên khó khăn; thống kê số tiền, số học bổng… 

“Sau mỗi buổi quyên góp, về ngồi tính toán cả đêm, mừng không ngủ được. Có ai góp thêm được một suất học bổng, tôi vui như trẻ lại” – bà Lan cười. 

Rồi bà nói thêm: “Với tuổi 70 của tôi, công việc vậy cũng là nhiều, nhưng những người khác như ông Nguyễn Thiện Tống, anh Lê Quốc Phong, Vũ Duy Hải còn gắn bó hơn, vất vả hơn tôi nhiều. Tham gia chương trình này được gặp và làm việc với toàn những người tốt, thật là một may mắn”.

Chúng tôi gửi đến các bạn sự kỳ vọng: kiên trì theo đuổi ước mơ, luôn vững ý chí và đừng bao giờ bỏ cuộc. Xã hội luôn có những bàn tay tiếp sức”

Nhà báo Lê Thế Chữ – phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ

“Vì cuộc đời còn có niềm tin”

Nghĩa tình 15 năm tiếp sức đến trường - Ảnh 4.

Các tân sinh viên nhận quà từ báo Tuổi Trẻ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Sáng 3-10, chương trình tổng kết đang tăng tốc thì một lá thư từ Tây Ninh bay đến: “Mang thai em, mẹ được báo tin mắc bệnh ung thư máu, bác sĩ khuyên bỏ thai. Nhưng mẹ quyết sinh con, để rồi chỉ sống được thêm 3 năm nữa. 11 tuổi, ba em cũng đột ngột qua đời. 18 tuổi em đậu đại học, nhưng bà nội đã quá già yếu rồi…”. 

Lá thư của Nguyễn Đặng Thu Thảo khiến ban tổ chức quyết định bổ sung thêm suất học bổng giờ chót. Cả Thảo và Huỳnh Thanh Thuyết, người bạn đồng cảnh, cùng nhận thêm được – ngoài suất học bổng – là sự tài trợ của Công ty Vinacam cho suốt những năm học của mình.

Đã có hàng trăm lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường được tổ chức trên khắp các tỉnh thành và hầu như buổi nào cũng có những phần học bổng phát sinh vào giờ chót, những đóng góp bổ sung được mọi người tự phát quyên ngay ở hàng ghế khán giả như vậy.

Không có sổ vàng, trong danh sách các nhà hảo tâm đóng góp cho học bổng Tiếp sức đến trường, chen giữa các doanh nghiệp với những khoản đóng góp tính bằng đơn vị trăm triệu là những cá nhân với khoản đóng một suất, nửa suất, hay 200.000 đồng, 500.000 đồng…

Con số 27 học bổng ban đầu đã tăng lên đến hàng ngàn suất mỗi năm như thế.

Có một câu phát biểu mà ông Lê Quốc Phong, tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, luôn lặp đi lặp lại suốt mười mấy năm nay: “Phần học bổng chúng tôi trao cho các em là một khoản đầu tư vào tương lai, tương lai của một người tử tế và nếu có thể, một người tài giỏi. Lợi nhuận của chúng tôi là khi các em tiếp nối, để giúp những người đi sau”. 

15 năm, Tiếp sức đến trường đã có những quả ngọt. Nhiều lớp tân sinh viên ngày ấy đã trưởng thành, đã giúp được gia đình mình vượt qua khó khăn, đã có ít nhiều đóng góp cho đời, cho người. Và đã có những bạn quay lại với chương trình, mỗi năm gửi tặng một vài suất học bổng cho những đàn em đi sau.

Hôm nay, xuất hiện trên sân khấu, đại diện cho những “quả ngọt” ấy, Phạm Ngọc Ly Ly – chuyên viên tài chính Saigon Co.op, luật sư Mai Thế Trung, những tân sinh viên của mùa Tiếp sức đến trường 2009, đều nhắc với đàn em của mình: “Hãy cố gắng, các em sẽ không phải đơn độc trên đường đời”.

Ông Lê Thế Chữ, phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ, nhấn mạnh lại một lần nữa trong phát biểu của mình: “Những nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các bạn là động lực để chúng tôi và những người đồng hành bền bỉ với chương trình 15 năm qua. Chúng tôi gửi đến các bạn sự kỳ vọng: kiên trì theo đuổi ước mơ, luôn vững ý chí và đừng bao giờ bỏ cuộc. Xã hội luôn có những bàn tay tiếp sức”.

Và đó là “Tiếp sức đến trường”.

* Ông Lê Quốc Phong (tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, trưởng ban tổ chức giải golf Tiếp sức đến trường): “Học bổng mà chúng tôi đóng góp là một cú hích, để các bạn nhận ra trong xã hội luôn có người đồng hành với mình, và hãy giữ mãi quyết tâm, nhiệt huyết của hôm nay”.

* Ông Vũ Duy Hải (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty Vinacam): “Sự lan tỏa và uy tín đến từng đồng của học bổng Tiếp sức đến trường đã thuyết phục chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng chương trình qua nhiều năm”.

* Ông Nguyễn Thành Nhân (tổng giám đốc Sài Gòn Co.op): “Báo Tuổi Trẻ đã giới thiệu đến chúng tôi những bạn trẻ với thái độ sống tích cực, và chúng tôi cam kết sẽ đồng hành”.

KIM ANH ghi

Năm 2017: 15 tỉ đồng tiếp sức tân sinh viên

Năm 2017, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn tổ chức xét trao học bổng cho 1.966 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.

Báo Tuổi Trẻ xin chân thành cảm ơn giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty CP Phân bón Bình Điền, VTV9 – Đài truyền hình VN, báo Tuổi Trẻ và Công ty Golf Long Thành tổ chức), CLB “Nghĩa tình Quảng Trị”, Hội khuyến học và các nhà hảo tâm tại Quảng Trị, CLB “Tiếp sức đến trường Quảng Nam – Đà Nẵng” tại TP.HCM, CLB “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên – Huế, CLB “Tiếp sức đến trường” Quảng Ngãi (Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty ôtô Đô Thành), CLB “Tiếp sức đến trường Tiền Giang” tại TP.HCM, CLB “Tiếp sức đến trường Bến Tre” tại TP.HCM, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Vinacam), Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm – phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty TNHH Nụ Cười Vui, cùng các doanh nghiệp, mạnh thường quân và đông đảo bạn đọc đã đồng hành cùng Tuổi Trẻ…

 

PHẠM VŨ